Đa dạng mô hình sinh kế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

10:03, 06/03/2017
Để thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), những năm qua, các địa phương vùng ven biển của tỉnh đã phát triển nhiều mô hình sinh kế nông nghiệp thành công như: mô hình 2 vụ lúa chất lượng cao; mô hình 2 vụ lúa - 1 vụ rau màu; mô hình lúa chét; mô hình nuôi gà siêu trứng công nghệ cao; mô hình nuôi cá bống bớp và trồng màu; mô hình nuôi tôm bán thâm canh, quảng canh…
 
Các địa phương ven biển đã chủ động triển khai thực hiện đa dạng các mô hình sinh kế nông nghiệp hiệu quả thích nghi với BĐKH. Trong đó, điển hình là mô hình gieo cấy 2 vụ lúa gồm 1 vụ lúa lai - 1 vụ lúa chất lượng cao đang được triển khai và mở rộng. Do ảnh hưởng của BĐKH, những năm gần đây vùng ven biển Nam Định thường bị ảnh hưởng xâm nhập mặn nên các hộ nông dân đã đưa các giống lúa lai trong vụ xuân, những vùng trũng trồng cả trong vụ mùa. Nông dân vùng ven biển cho biết, mặc dù lúa lai có chất lượng gạo không ngon nhưng chịu thâm canh, chịu úng, chịu mặn, chống chịu sâu bệnh và năng suất cao hơn. Do vậy xét về hiệu quả kinh tế, mô hình cấy vụ lúa lai và lúa chất lượng cao cũng cho hiệu quả kinh tế tương đương cấy 2 vụ lúa chất lượng cao với tổng thu nhập khoảng 80-85 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân 35-37 triệu đồng/ha. Đây là mô hình đang khẳng định được hiệu quả thiết thực khi phù hợp với tập quán canh tác và điều kiện tự nhiên của tỉnh; ngày càng có nhiều giống lúa lai mới có năng suất, khả năng chịu mặn tốt đã giúp nông dân bảo đảm sản xuất bền vững, ổn định sinh kế, thích ứng với BĐKH. Mô hình nuôi cá diêu hồng kết hợp trồng màu tại xã Hải Châu (Hải Hậu) với hơn 400 hộ dân tham gia có quy mô khoảng 125ha cũng đang khẳng định hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với BĐKH. Mô hình được thiết kế với tỷ lệ 60% diện tích tạo mặt nước nuôi cá diêu hồng và 40% diện tích là bờ ao, vườn để trồng rau màu. Do được quy hoạch khoa học và hỗ trợ kỹ thuật nên tất cả các ao nuôi có hệ thống tiêu thoát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón sử dụng trong chăm sóc rau màu trên vườn ra kênh tiêu nên cá diêu hồng không bị ảnh hưởng. Tại đây, các hộ nuôi thả với mật độ 1,2-1,5 con/m 2. Thời gian nuôi bình quân 6-7 tháng, bắt đầu từ tháng 3 dương lịch, năng suất bình quân 11,5-12 tấn/ha. Nuôi thâm canh với mật độ 2 con/m 2 năng suất có thể đạt 17 tấn/ha. Cá thương phẩm chủ yếu được các thương lái trong và ngoài tỉnh đến thu mua ngay tại ao và phân phối cho các hệ thống cửa hàng, siêu thị và các chợ ở Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa. Trên 60% ao nuôi tại Hải Châu đã được xây kè bờ ao bằng gạch và xi măng; trên bờ, vườn được các hộ trồng cà chua, rau màu các loại, thời gian gần đây phát triển trồng cây đinh lăng cho hiệu quả kinh tế cao. Ở Hải Châu, các hộ nuôi tổ chức sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, CLB. Các hộ được tập huấn kỹ thuật tốt, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm nên công tác xử lý, chuẩn bị ao nuôi thực hiện rất nghiêm túc, theo đúng hướng dẫn, quy trình kỹ thuật được chuyển giao, không ảnh hưởng đến môi trường. Ông Đỗ Văn Thực, Chủ nhiệm CLB nuôi trồng thủy sản xã Hải Châu cho biết: Một vụ cá trừ chi phí sản xuất mỗi ha bình quân 300-350 triệu đồng, còn lợi nhuận 300-350 triệu đồng. Trên đất vườn nếu trồng đinh lăng chi phí đầu tư giống cây hết 100 triệu đồng/ha, sau 3-4 năm thu nhập khoảng 400-500 triệu đồng/ha. Mô hình nuôi vịt trời do ông Trịnh Thanh Đoan ở xóm 17, xã Giao Thiện (Giao Thủy) xây dựng với quy mô 2 sào ao và 200m 2 chuồng trại. Giống gốc được ông Đoan chủ động lai tạo từ giống vịt trời của Vườn quốc gia Xuân Thủy với giống vịt cỏ. Ông Đoan cho biết: Mỗi năm, sản lượng vịt thịt bình quân 6.000 con với trọng lượng mỗi con từ 0,9-1,3kg. Vịt được nuôi trong thời gian 3,5 tháng, trong đó 2 tháng đầu khi vịt chưa biết bay, sử dụng thức ăn là cám công nghiệp. Sau 2 tháng khi vịt chập chững biết bay, đưa vịt vào chuồng và sử dụng thức ăn chính là thóc nên chất lượng thịt thơm ngon. Hiện nay, mô hình nuôi vịt trời ở Nam Định mới chỉ có ít hộ làm nên hiệu quả kinh tế khá cao, mỗi con vịt khi xuất bán có giá 80-90 nghìn đồng, lợi nhuận đạt 60-70 nghìn đồng. Sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường Hà Nội và các thành phố lớn. Hiệu quả mang lại của mô hình là tận dụng tối đa các nguồn lực của gia đình (đất đai, lao động, sản phẩm phụ nông nghiệp), không đòi hỏi kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, so với vịt truyền thống, vịt trời có khả năng chống chịu dịch bệnh tốt hơn nên khả năng thích ứng với BĐKH cao hơn. Ngoài các mô hình tiêu biểu kể trên, các địa phương ven biển trong tỉnh còn thực hiện nhiều mô hình sinh kế nông nghiệp thích ứng với BĐKH khác như: mô hình 2 vụ lúa - 1 vụ màu với tổng thu nhập 120 triệu đồng/ha, lợi nhuận 50-60 triệu đồng/ha; mô hình trồng cây dây thìa canh tổng thu đạt 400 triệu đồng/ha, lợi nhuận trên 300 triệu đồng/ha; mô hình chuyên trồng cà chua, rau màu với tổng thu nhập mỗi ha cà chua 200-270 triệu đồng, mỗi ha rau màu các loại thu nhập bình quân 100-130 triệu đồng; mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh đạt 80-100 triệu đồng/ha, nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh lợi nhuận 300-400 triệu đồng/ha… 
Mô hình nuôi cá diêu hồng kết hợp trồng màu tại xã Hải Châu (Hải Hậu).
Mô hình nuôi cá diêu hồng kết hợp trồng màu tại xã Hải Châu (Hải Hậu).
Những năm qua, cùng với việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nông dân tổ chức tốt sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH. Trong trồng trọt, nông dân đã tích cực thay đổi cơ cấu giống cây trồng từ giống dài ngày sang giống ngắn ngày, khả năng chống chịu cao để tạo điều kiện chuyển dịch về mùa vụ và thâm canh tăng vụ. Chuyển đổi mạnh những diện tích đất trồng lúa nhiễm mặn sang nuôi cá bống bớp, tôm thẻ chân trắng, cá vược, cá song ở Nghĩa Hưng, Hải Hậu; chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang xây dựng trang trại chăn nuôi ở Hải Lộc, Hải Đông (Hải Hậu)… Một số biện pháp khác cũng được các hộ lựa chọn đó là thay đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng hóa, thử nghiệm xen canh lúa - cá hoặc luân canh cây trồng, rửa mặn đồng ruộng bằng thủy lợi… Trong chăn nuôi, đa số các hộ chọn biện pháp thay đổi giống vật nuôi có sức đề kháng cao, thích nghi với điều kiện thay đổi bất thường của thời tiết như: bò lai Sind, lợn lai Móng Cái, vịt đàn lai… Đồng thời nâng cấp tu sửa chuồng trại tránh mưa, bão, gió, ngập nước cũng được nhiều hộ quan tâm. Một số biện pháp khác như nuôi theo vụ, thâm canh rút ngắn thời gian nuôi để tránh mùa mưa bão, nước lớn… cũng đang bước đầu được một số hộ áp dụng. Trong nuôi trồng thủy sản, biện pháp thích ứng nhiều nhất là thay đổi kỹ thuật nuôi trồng, xử lý ô nhiễm môi trường được quan tâm đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, người dân cũng thay đổi giống con nuôi từ ngao đỏ (ngao dầu) sang ngao Bến Tre (ngao trắng), tôm sú sang tôm thẻ chân trắng… thích nghi với điều kiện địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Để thích ứng với điều kiện mưa, bão, gió, ngập nước với mức độ xảy ra thường xuyên hơn, người dân đã quan tâm đầu tư tôn cao bờ bao ngăn, xây dựng cống điều tiết nước, gia cố bờ ao nuôi trước mùa mưa bão… nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Các ngư dân khai thác thủy sản từ dựa vào kinh nghiệm đã chuyển sang thường xuyên theo dõi thông tin dự báo thời tiết để né tránh thiệt hại. Một số ngư dân có điều kiện thay đổi vị trí đánh bắt, nâng cấp phương tiện như trang bị tàu có công suất lớn 250-400CV, mua thiết bị tầm ngư và ngư cụ hiện đại hơn; trang bị các phương tiện thông tin liên lạc hiện đại để nắm thông tin về thời tiết và thông tin cứu hộ để hỗ trợ nhau giữa các tàu, thuyền trong nhóm khi gặp rủi ro trên biển…
 
BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp, gia tăng tốc độ, trong khi cuộc sống của đa số nông dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, do vậy, việc nghiên cứu và nhân rộng có hiệu quả các mô hình kinh tế thích ứng với BĐKH góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, vừa đạt mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực mà còn có giá trị xuất khẩu cao, đáp ứng nền nông nghiệp phát triển bền vững./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com