Cô giáo về hưu và mô hình VAC mơ ước

06:03, 10/03/2017

Một ngày đầu xuân, chúng tôi về xã Hải Bắc (Hải Hậu) thăm cựu giáo chức Phạm Thị Lý, người được cho là “gàn dở” khi cả cuộc đời chắt chiu dành dụm chỉ để thực hiện ước mơ xây dựng nên một trang trại hoa thơm quả ngọt để không chỉ dành cho con cháu mai sau mà còn giúp cho người dân quê được thưởng thức những “đặc sản” vừa ngon vừa sạch.

Cựu giáo chức Phạm Thị Lý chăm sóc cây trong vườn.
Cựu giáo chức Phạm Thị Lý chăm sóc cây trong vườn.

Người dân gọi cô là “gàn dở” có lẽ cũng có nguyên do, bởi vợ chồng đều là cán bộ về hưu, so với những người dân xung quanh thì gia đình cũng thuộc diện “có của ăn của để” khi vừa có lương hưu vừa có chút tiết kiệm để an vui tuổi già. Hơn nữa, chồng cô bị tai biến mất khả năng lao động từ nhiều năm nay, gia đình con trai đã yên bề gia thất, có công ăn việc làm ổn định thì việc một phụ nữ lớn tuổi vừa chăm chồng, chăm cháu, vừa cặm cụi với khu vườn rộng tới 1ha cùng 5 ao nuôi thả cá là một điều “gàn dở”. Từng là hiệu trưởng Trường Mầm non Hải Hưng cô giáo Phạm Thị Lý luôn mơ ước có được cho riêng mình một “rừng cây” trĩu quả, để ngày ngày cùng chồng con hưởng thú điền viên, chăm cây hái quả. Để chăm chút cho ước mơ đó, suốt những năm tháng công tác, cô không quản vất vả khó khăn vừa chăn nuôi vừa canh tác đủ để gia đình có gạo ăn, có thực phẩm, còn lương hằng tháng của vợ chồng cô thì trích đến 3/4 để dành dụm tiết kiệm. Từ khi chồng cô mang về 8 quả xoài Thái Lan trong một chuyến đi công tác, cô ươm trồng được cả 8 cây xoài ngon sai trĩu quả thì quyết tâm thực hiện mô hình VAC của cô càng được nhân lên. Đến năm 2010 khi về hưu cô mới có điều kiện để lên kế hoạch thực hiện ước mơ của mình. Kế hoạch đã có, việc trồng cây gì, nuôi con gì đã được hai vợ chồng bàn bạc thì chồng cô đột ngột bị tai biến mạch máu não nên cô tất bật cho công việc chăm sóc cho chồng. Con trai lớn cũng lấy vợ sinh con, cô lại dành thời gian để chăm sóc con trẻ. Nhiều lúc cô đã tưởng như không thể thực hiện được ước mơ của mình. Được chồng động viên, hơn nữa khi các cháu đã đến tuổi đến lớp, mảnh vườn sau nhà thì đã lên xanh tốt, cô quyết định tìm mua đất để thực hiện ước mơ. Mảnh ruộng mua thử nghiệm rộng hơn 1.000m2 nhanh chóng được lấp đầy, cô tìm mua giống trồng bưởi diễn, mít, táo Thái Lan, na, xoài xen kẽ với trồng lạc, ngô và rau màu. Tự mình tham khảo qua sách báo, ti vi, cô tự tay trồng cấy, chăm sóc và kết quả đem lại thật bất ngờ. Tất cả các cây cô trồng đều đơm hoa kết trái với chất lượng tốt, được người dân xung quanh tìm mua. Động lực lớn nhất đối với cô lúc này là sức khỏe của chồng bởi mỗi khi thời tiết thuận lợi, dìu chồng ra khu vườn ngắm nhìn thành quả, chồng cô lại như vui hơn, khỏe hơn và động viên vợ nhiều hơn. Quyết định dồn hết vốn liếng, cô mua thêm đất ruộng của 8 hộ gia đình liền kề và tiếp tục san lấp, đào ao. Đến nay, trong vườn nhà cô đã có hàng trăm cây bưởi da xanh, bưởi diễn, bưởi đào siêu ngọt, táo ngọt Thái Lan, cam canh Hòa Bình, na, chuối; quanh gốc cây tận dụng trồng đinh lăng, ngô, lạc, dâu tây và các loại cây hoa màu. Tất cả các giống cây được cô mua giống tại Học viện Nông nghiệp, tại các tỉnh: Hòa Bình, Thái Bình… Có nơi cô đã đến tận nơi để lựa chọn giống, chỗ xa thì nhờ con cháu mua giúp rồi tự tay đào đất trồng. Sáng nào cô cũng dậy từ 5 giờ sáng để đón xem chương trình Chào buổi sáng Bông lúa trên truyền hình để tham khảo cách gieo trồng, chăm sóc từng loại cây, rồi tìm hiểu cách nuôi tôm, cá. Trong số 5 ao cá của gia đình thì 3 ao cô thả cá, kết hợp nuôi gà, ngỗng, số ao còn lại mới được cải tạo cô dự kiến chỉ để nuôi tôm, ốc và hến. Cô cho biết, trong vụ xoài vừa qua, không tính số lượng để biếu, tặng, gần chục cây xoài cô trồng thử nghiệm đã cho thu gần 2 tấn quả, với 25 nghìn đồng/kg. Ngô, lạc, rau màu và số lượng cá nuôi cũng cho giá trị ngoài sức mong đợi. Kết quả đó khiến cô phấn khởi hơn bởi mục đích của cô chỉ để thỏa mãn ước mơ trồng trọt, chăn nuôi của mình, không tính nhiều đến giá trị kinh tế bởi hiện tại dù đã đầu tư một tỷ đồng cho ước mơ không để làm giàu cô chỉ mong sao mỗi giống cây đều ra trái đạt chất lượng để trên nền móng đó con cháu có thể tiếp tục kế thừa những gì mà cô đã tạo dựng. Giữa những luống cây đang lên mầm tươi tốt, dù đã ở tuổi ngoài 60 nhưng cô như một nông dân thực thụ thực hiện niềm say mê của mình. Tự mình thiết kế vườn ao chuồng, cô thỏa sức sáng tạo theo cách của mình với những ô, những khoảng đẹp mắt và có cả một bản đồ Việt Nam hình chữ S với những giống cây của nhiều vùng miền khác nhau.

Tuy chưa thực sự cho nhiều kết quả vì còn những giống cây mới đang thử nghiệm, đang chờ kết quả ở vụ thu hoạch sau nhưng mô hình VAC của cô giáo về hưu Phạm Thị Lý đã được nhiều người đến tham quan, được địa phương ủng hộ. Cô cho biết, đã thử nghiệm kỹ rồi mới nhân ra diện rộng nên tin là sẽ thành công. Nhưng, hơn tất cả cô muốn chứng minh cho bản thân, cho con cháu hiểu rằng, ai cũng nên có ước mơ và quyết tâm thực hiện ước mơ của mình thì chắc chắn sẽ thành công./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com