Bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) tạo công cụ pháp lý đắc lực nhằm bảo vệ và nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa. Đặc biệt trong hội nhập quốc tế, việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) có ý nghĩa quyết định sự thành bại trong kinh doanh. Những năm gần đây, hoạt động sử dụng, khai thác TSTT đã được khởi xướng mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa nói riêng. Đặc biệt, chương trình khai thác TSTT trong thời gian qua đã hỗ trợ xây dựng thành công phần mềm cơ sở dữ liệu và khai thác thông tin khoa học công nghệ (KHCN) và SHTT phục vụ quản lý, nghiên cứu và phát triển TSTT. Đây là cơ sở quan trọng giúp người dân và doanh nghiệp nâng cao nhận thức, chủ động đề xuất hỗ trợ phát triển TSTT. Chương trình cũng đã huy động được gần 7,7 tỷ đồng từ các nguồn để phát triển TSTT trên địa bàn. Trong giai đoạn 2016-2020, hoạt động phát triển TSTT tiếp tục được hỗ trợ mạnh mẽ hơn với các cơ chế mới theo Chương trình phát triển TSTT giai đoạn 2016-2020 của UBND tỉnh.
|
Sản xuất con giống cá bống bớp Nghĩa Hưng tại vùng nuôi xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng). |
Chương trình phát triển TSTT giai đoạn 2016-2020 hướng đến mục tiêu đẩy mạnh phát triển SHTT toàn diện từ việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân và các tổ chức dịch vụ về SHTT đến hỗ trợ tạo lập, quản lý, bảo vệ, phát triển TSTT đối với kết quả nghiên cứu khoa học, sản phẩm hàng hóa, cây con giống và các giải pháp sáng chế hữu ích nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ của địa phương trong tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm chiến lược có tiềm năng xuất khẩu. Đối tượng tham gia chương trình được áp dụng rộng rãi đối với tất cả các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (trừ các doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài), các sở, ngành, cơ quan, đơn vị và khối các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức KHCN trên địa bàn. Để chương trình phát huy hiệu quả tốt, Sở KH và CN đã tập trung điều tra, cập nhật thực trạng hoạt động SHTT trên địa bàn; quyết định lựa chọn địa chỉ cụ thể đề xuất với UBND tỉnh hỗ trợ phát triển TSTT. Đồng thời, nỗ lực khắc phục những tồn tại trong thực hiện chương trình phát triển TSTT giai đoạn trước như: hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển TSTT, thẩm định dự án, nghiệm thu và thanh quyết toán còn triển khai chậm; một số quy định của Luật SHTT về bảo hộ và sử dụng quyền SHTT còn chưa phù hợp. Nhiều văn bản về hướng dẫn sử dụng tem nhãn, bao bì sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý chưa sát với thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh… Chương trình hỗ trợ phát triển TSTT được tập trung vào 2 nội dung lớn là tuyên truyền nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ KH và CN; hỗ trợ trực tiếp cho các tập thể, cá nhân tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển TSTT đối với các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên địa bàn. Theo đó, Sở KH và CN phụ trách xây dựng 96 chuyên mục về SHTT trên Đài
PT-TH tỉnh; cập nhật dữ liệu, biên soạn tài liệu hướng dẫn tra cứu thông tin về SHTT phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và các hoạt động nghiên cứu, phát triển sản xuất. Tổ chức 25 lớp tập huấn về SHTT cho đối tượng là các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật, các tổ chức KH và CN, giáo viên, sinh viên các trường cao đẳng, đại học và các doanh nghiệp trên địa bàn. Chương trình cũng trực tiếp hỗ trợ đăng ký, tạo lập, quản lý, bảo hộ cho: 100 nhãn hiệu đối với các sản phẩm dịch vụ, 1 đối tượng nhãn hiệu cho sản phẩm dịch vụ của tỉnh ra nước ngoài, 10 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đối với các sản phẩm làng nghề truyền thống, 10 kiểu dáng công nghiệp, 1 giống cây trồng mới, 2 sáng chế, giải pháp hữu ích, 20 bản quyền tác giả của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm, định giá, kiểm toán TSTT cũng như tham gia bình chọn thương hiệu mạnh, thương hiệu bền vững và ứng dụng những sáng chế, giải pháp hữu ích, kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tế cuộc sống. Cùng với Sở KH và CN, các sở, ngành khác, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các làng nghề cũng đang nỗ lực thực thi quyết định của UBND tỉnh. Trong đó, Sở Tài chính tham mưu với UBND tỉnh phân bổ ngân sách sự nghiệp KHCN hằng năm, tham gia thẩm định tài chính, kiểm tra các dự án thuộc chương trình phát triển TSTT. Sở Công thương, Sở NN và PTNT, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về SHTT của doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân cũng như hướng dẫn các tập thể, cá nhân đủ điều kiện xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc sản của địa phương.
Tư vấn, xác lập, khai thác phát triển TSTT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành KH và CN trong những năm tới. Với những giải pháp cụ thể, chương trình hỗ trợ phát triển TSTT giai đoạn 2016-2020 sẽ tiếp tục góp phần quan trọng vào mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, làng nghề truyền thống và sản phẩm hàng hóa của địa phương trong hội nhập kinh tế quốc tế và tiến tới thực thi hợp tác, hội nhập quốc tế về SHTT./.
Bài và ảnh:
Nguyễn Hương