Trực Hùng phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp

07:02, 16/02/2017
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lâm Ngọc Hàn, Chủ tịch UBND xã Trực Hùng (Trực Ninh) phấn khởi cho biết: Năm 2016, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của xã có bước phát triển khả quan. Ngoài việc tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa tăng thu nhập cho người nông dân, xã còn chú trọng phát triển mạnh sản xuất CN-TTCN, dịch vụ. Nhờ đó, năm 2016 cơ cấu kinh tế của xã đã có sự chuyển dịch tích cực; tỷ trọng sản xuất CN-TTCN, dịch vụ chiếm gần 78%; tổng thu nhập từ sản xuất CN-TTCN, dịch vụ ước đạt trên 303 tỷ đồng; bình quân thu nhập đầu người gần 34,3 triệu đồng.
Sản xuất sợi PE tại cơ sở của ông Trần Văn Hài, xóm 18, xã Trực Hùng.
Sản xuất sợi PE tại cơ sở của ông Trần Văn Hài, xóm 18, xã Trực Hùng.
Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2015-2020), trong các năm 2015, 2016 Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với tiêu thụ sản phẩm; đồng thời tập trung phát triển mạnh sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn... Trong đó chủ trương khai thác tiềm năng phát triển sản xuất CN-TTCN thành ngành kinh tế “mũi nhọn”, làm đòn bẩy để phát triển NTM bền vững. Trên cơ sở đó, xã đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh như: quy hoạch xây dựng các công trình phúc lợi, các CCN, điểm công nghiệp tập trung. Trong đó, quy hoạch xây dựng CCN tập trung với tổng diện tích trên 12,8ha, điểm công nghiệp tại xóm 23 với tổng diện tích gần 3ha. Đến nay, CCN và điểm công nghiệp đã cơ bản được lấp đầy bởi trên 20 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất đầu tư vào. Trong đó các doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh nhiều ngành nghề như: Cty TNHH Cường Tân sản xuất lúa giống, lúa lai F1; các Cty TNHH: Minh Khai, Minh Phụng, Hoàng Trung chuyên nhận sửa chữa và đóng mới các phương tiện vận tải thủy pha sông biển với tải trọng đến 2.000 tấn; Cty Minh Thông kinh doanh bến bãi vật liệu xây dựng (VLXD), một số cơ sở sản xuất gạch không nung; trong đó có 3 cơ sở áp dụng công nghệ thân thiện môi trường… Các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trong CCN, điểm công nghiệp tập trung đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 500 lao động địa phương và hàng trăm lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng. Phát huy lợi thế có hơn 8km triền đê dọc sông Ninh Cơ, xã tập trung phát triển các nghề sản xuất VLXD, sửa chữa, đóng mới tàu thủy và khai thác kinh tế biển. Thực hiện chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công, xã đã tạo điều kiện, khuyến khích các cơ sở sản xuất đầu tư công nghệ mới (lò cải tiến) để sản xuất VLXD đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Cơ sở sản xuất gạch nung của ông Đoàn Văn Bằng, xóm 5, mỗi năm sản xuất khoảng 20 triệu viên gạch, tạo việc làm cho 20-25 lao động với thu nhập 3-5 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở sản xuất VLXD của ông Đặng Văn Sinh ở xóm 7 hằng năm sản xuất 30 triệu viên gạch nung theo công nghệ lò vòng nung liên tục, tạo việc làm, thu nhập ổn định từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng cho 35-40 lao động. Các cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn mỗi năm sản xuất khoảng 150 triệu viên, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Toàn xã có 4 cơ sở sản xuất sợi PE, trong đó cơ sở của các ông Trần Văn Hài, Lưu Văn Viễn ở xóm 18 đã tạo việc làm cho 20-25 lao động trực tiếp và gần 500 người thường xuyên nhận việc về làm tại nhà. Trong đó có trên 300 lao động chuyên nhận gia công sợi PE thành các loại dây, chão phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Sản phẩm phong phú về chủng loại, từ loại dây nhỏ nhất đường kính 1-2mm đến các loại dây thừng, chão có đường kính tối đa đến 4cm để khai thác thủy, hải sản, gói buộc hàng hóa. Nghề đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy cũng từng bước phục hồi, phát triển trở lại với các cơ sở sản xuất của các ông: Trần Văn Vĩnh, Trần Văn Chung, Nguyễn Văn Hướng... tạo việc làm cho khoảng 100 lao động địa phương, thu nhập 200-250 nghìn đồng/ngày. Ngoài ra, xã có gần 10 xưởng mộc, trong đó có 2 xưởng lớn của các ông: Đặng Văn Trương (xóm 6), Trần Văn Huy (xóm 3) thường xuyên tạo việc làm cho 5-6 lao động. Ngoài các ngành nghề truyền thống, trên địa bàn xã đã phát triển được 2 cơ sở may gia công, tạo việc làm, thu nhập cho trên 30 lao động là cơ sở của các bà: Vũ Thị Tuyết, xóm 20; Lâm Thị Hiển, xóm 18.
 
Ngành nghề phát triển, đời sống của người dân Trực Hùng đã được cải thiện, nâng cao; các công trình phúc lợi phục vụ sản xuất được đầu tư cải tạo, xây dựng đồng bộ; số hộ khá, giàu tăng nhanh. Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2017, xã Trực Hùng chủ trương tiếp tục phát triển sản xuất CN-TTCN bền vững; phấn đấu nâng tổng giá trị sản xuất CN-TTCN lên trên 130 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống từ 1,2-1,5%; bình quân thu nhập đầu người đạt mức 37 triệu đồng/năm./.
 
Bài và ảnh: Thành Trung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com