Nhằm hạn chế tác động xấu của việc khai thác tài nguyên và bảo vệ rừng, Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy phối hợp cùng các dự án và chính quyền địa phương khuyến khích người dân thực hiện, phát triển các mô hình sinh kế bền vững và thân thiện với môi trường. Các mô hình trồng nấm, nuôi ong, nuôi giun quế… với hoạt động sản xuất và tiêu thụ tập trung, dưới hình thức CLB đã và đang thu được nhiều kết quả khả quan.
|
Thu hoạch ngao tại VQG Xuân Thủy. |
Vườn quốc gia Xuân Thủy là vùng đất bãi bồi ngập nước rộng lớn có tổng diện tích tự nhiên là 7.100ha. Vùng đệm của VQG Xuân Thủy có diện tích trên 7.200ha thuộc 5 xã của huyện Giao Thủy là: Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải. Thời gian trước đây, các hoạt động sinh kế của người dân vùng đệm đã gây khó khăn, đe dọa đến việc bảo tồn rừng. Hoạt động chăn thả trâu, bò và dê tự do, phát triển nhanh chóng trong vùng lõi đã dẫm đạp, phá nát thảm thực vật, làm chết cây cối, cây con không thể tái sinh, nhiễu loạn sinh cảnh sống của chim… gây nguy hại cho rừng. Hoạt động chặt cây rừng ngập mặn làm củi đã dẫn tới sự hủy diệt của các cánh rừng. Kinh tế biển là một nguồn thu nhập lớn đối với nhiều hộ gia đình muốn vươn lên thoát nghèo ở vùng đất thuần nông này. Chính vì thế, các biện pháp khai thác tận thu và hủy diệt phát triển rầm rộ bất chấp sự ngăn cấm của Ban Quản lý (BQL) VQG cũng như chính quyền địa phương. Đồng chí Nguyễn Viết Cách, Giám đốc VQG Xuân Thủy cho biết: Trước tình hình đó, VQG đã hợp tác với Viện Nghiên cứu phát triển duyên hải (CORIN) trong Chương trình liên minh đất ngập nước quốc tế (WAP), triển khai tạo lập nhiều sinh kế mới cho cộng đồng địa phương, trên quan điểm chia sẻ lợi ích chính đáng với người dân ở vùng đệm để cả cộng đồng cùng có trách nhiệm, tiến tới thực hiện hiệu quả mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên môi trường ở vùng lõi VQG - Khu Ramsar quốc tế Xuân Thủy. Mô hình trồng nấm là một trong những mô hình sinh kế mới đang hoạt động rất hiệu quả. Khi thực hiện dự án, việc đầu tiên là giải toả đàn gia súc, BQL VQG thấy rõ yêu cầu cấp thiết cần một sinh kế thay thế thích hợp. Do vậy Dự án đã quyết định thử nghiệm mô hình trồng nấm cho 4 hộ chăn thả gia súc. Ngay từ những lần thu hoạch nấm đầu tiên, người trồng nấm đã thu được những sản phẩm có giá trị, hiệu quả cao hơn nhiều lần so với sản xuất nông nghiệp và chăn thả gia súc. Từ thành công ban đầu, mô hình tiếp tục được nhân rộng ra gần 70 hộ ở các xã vùng đệm. Và CLB trồng nấm đã được thành lập để các hộ cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh tốt nhất. Hiện tại, hầu hết các hộ đều trồng nấm sò và mộc nhĩ. Do thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch nên nhiều hộ đã có thu nhập cao. Điển hình là anh Vũ Nguyên Thu ở xóm 24, xã Giao Thiện thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Anh Thu cho biết: Không chỉ đem lại thu nhập cao, mô hình còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rơm rạ đốt sau mùa gặt hoặc vứt xuống sông trôi dạt ra cửa biển. Với sự trợ giúp của BQL VQG Xuân Thủy, CLB trồng nấm đã và đang triển khai các bước xây dựng thương hiệu để dần khẳng định vị thế trên thương trường. Các thành viên CLB đồng thời cũng là những tuyên truyền viên tích cực cho công tác bảo vệ tài nguyên môi trường ở khu vực. Bên cạnh việc trồng nấm cho nguồn thu nhập ổn định và giảm áp lực lên việc khai thác tài nguyên tại VQG Xuân Thủy, mô hình nuôi ong cũng đang dần khẳng định chỗ đứng của mình. VQG có thảm thực vật phong phú, bao la với rừng sú, vẹt; lại thêm vườn cây của các hộ gia đình, là nguồn thức ăn dồi dào của đàn ong, rất thuận lợi cho người dân phát triển nghề nuôi ong. Mặc dù có điều kiện thuận lợi và xuất hiện từ năm 2000 nhưng mô hình nuôi ong của Hội CCB Ba Lạt rất manh mún và nhỏ lẻ. Dự án đã hỗ trợ củng cố lại tổ chức CLB, tập huấn thêm kỹ năng chung và đặc biệt là kỹ năng nhân đàn, trang bị thêm các phương tiện thiết yếu, vận động bổ sung các tổ ong và kết nạp thêm các hội viên mới. Từ trên 20 hộ nuôi ong ban đầu, đến nay CLB nuôi ong đã có trên 70 hộ, điển hình có hộ đạt sản lượng tới 200kg, với thu nhập khoảng 15 triệu đồng/năm. Song song với việc duy trì phát triển nghề nuôi ong, dự án còn xúc tiến thêm một loạt các sinh kế bổ trợ khác như: “Phân loại thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, nuôi giun quế và tạo lập mô hình VAC thích hợp cho kinh tế hộ gia đình ở khu vực”. Mô hình du lịch cộng đồng do Trung tâm Bảo tồn biển và Phát triển cộng đồng (MCD) triển khai ở khu vực xã Giao Xuân - một xã thuộc vùng đệm VQG Xuân Thuỷ cũng là một sinh kế thay thế hiệu quả. Người dân địa phương sau khi được trang bị các kỹ năng cơ bản, được hỗ trợ cải tạo nhà cửa để đón khách du lịch đến nghỉ ở nhà mình (Homestay) đã dần làm chủ mô hình và tạo ra thu nhập thay thế tích cực. Nhiều hộ và các thành viên tham gia Ban du lịch cộng đồng đã có thêm được nguồn thu từ mô hình này. Mô hình được thực thi thành công ban đầu cũng đã hứa hẹn là một hướng đi đúng và sẽ đạt được hiệu quả thiết thực trong tương lai. Ở ngoài vùng triều BQL dự án WAP cũng triển khai các hoạt động thể nghiệm khác liên quan đến tập quán nuôi trồng và khai thác nguồn lợi thuỷ sản ở khu vực. Một nhóm cộng đồng đã được lựa chọn để thực hiện đề tài: “Cộng đồng nghiên cứu nhuyễn thể” nhằm đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn quý báu, từ đó hỗ trợ cho nghề nuôi trồng và khai thác nhuyễn thể của khu vực phát triển được lâu bền. Phòng NN và PTNT huyện đã tham gia thực hiện quy hoạch nghề nuôi ngao bền vững ở vùng triều theo hướng khoa học và khả thi. VQG Xuân Thủy cũng đã tiến hành nghiên cứu thể nghiệm quản lý nghề khai thác nguồn lợi thuỷ sản tự do ở vùng triều.
Mặc dù không đem lại những khoản lợi nhuận lớn nhưng những mô hình sinh kế này như thổi luồng gió mới vào cuộc mưu sinh của người dân vùng đệm VQG Xuân Thủy. Đây là phương thức quản lý mới, đem lại hiệu quả cao, hài hòa giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn gắn với đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân vùng đệm./.
Bài và ảnh:
Ngọc Ánh