"Quả ngọt" trên vùng đất mặn

08:02, 24/02/2017

Những năm gần đây, nông dân vùng đất nhiễm mặn xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) năng động trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, với việc đưa các loại cây rau màu có giá trị kinh tế vào trồng luân canh trên chân ruộng 2 lúa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đổi đời từ luân canh rau màu

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, một số địa phương ven biển bị nước mặn xâm nhập khá sâu. Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng của hạn mặn, thiếu nước, hầu hết diện tích sản xuất lúa ở xã Nam Điền đều kém hiệu quả, cho thu nhập thấp. Chỉ từ khi chuyển đổi từ trồng lúa sang luân canh rau màu trên vùng đất nhiễm mặn ven biển thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, nông dân xã Nam Điền mới tìm được hướng sản xuất hợp lý bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều hộ dân từ chỗ đời sống “thiếu trước hụt sau” đã sớm khắc phục được khó khăn, kinh tế ngày một ổn định và khấm khá hơn.

Những ngày này, về Nam Điền đến đâu cũng nghe bà con bàn tán xôn xao về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã làm thay đổi nhiều cảnh đời nông dân từng cơ cực trên vùng đất khó. Hiện tại ở xã Nam Điền, rau màu được trồng khắp nơi, trước sân nhà, ngay cạnh lối đi, trên vườn cao, dưới đất ruộng… Là một trong những người đi tiên phong trồng màu trên đất lúa, anh Nguyễn Văn Tăng, xóm 1 cho biết: Vùng đất lấn biển Nam Điền là một trong những nơi chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan nặng nề, đất nhiễm mặn rồi tình trạng hạn hán và thiếu nước sản xuất nên canh tác lúa ở đây thường kém hiệu quả. Trước thực tế này, anh Tăng suy nghĩ phải thay đổi tư duy kinh tế, đưa các cây trồng phù hợp khác thay cho cây lúa. Từ năm 2013, được UBND xã cho phép, anh đã cải tạo 9 sào đất lúa kém hiệu quả, đào ao lập vườn luân canh rau màu. Công thức luân canh được anh Tăng áp dụng trong những năm qua là vụ xuân hè trồng cà chua; sau 6 tháng trồng cà chua là gần 3 tháng trồng hành ở vụ thu rồi đến 3 tháng trồng rau mùi và rau xanh các loại. Với công thức luân canh trên, trừ chi phí mỗi năm gia đình anh lãi trên 150 triệu đồng. “So với trồng lúa, thu nhập từ các cây rau màu cao gấp hàng chục lần lại không lo hạn mặn xâm nhập” - anh Tăng chia sẻ. Chỉ sau 3 năm thực hiện công thức luân canh mới trên đất nhiễm mặn, gia đình anh Tăng đã có của ăn của để, tạo dựng cơ nghiệp vững vàng. Tiếp tục đi trên vùng đất chuyển đổi, chúng tôi bắt gặp bà Đỗ Thị Thúy ở xóm 11 đang thu hái những quả cà chua cuối cùng. Bà Thúy phấn khởi cho biết: Từ năm 2015, gia đình tôi bắt tay vào cải tạo 5,8 sào cấy lúa kém hiệu quả thành đất vườn để trồng màu. Sau hơn 1 năm miệt mài, vụ đông vừa qua tôi bắt đầu trồng cà chua. Ngay ở vụ đầu tiên, từ trồng cà chua, gia đình tôi đã lãi trên 40 triệu đồng, cao hơn rất nhiều lần so với trồng lúa cả năm trước. Thu hoạch xong cà chua vụ đông, tôi tiếp tục làm đất và trồng tiếp vụ cà chua xuân. Chị Lại Thị Duyên, cán bộ khuyến nông xã Nam Điền, cho biết: Nhờ những nông dân nhạy bén như anh Tăng, bà Thúy, các phương thức luân canh rau màu đang làm giàu cho vùng đất mặn. Hầu hết những hộ nông dân luân canh rau màu trên đất lúa đều thành công, có thu nhập khá. Hiện diện tích trồng màu tại xã Nam Điền đã mở rộng lên trên 220ha, trở thành địa phương có vùng luân canh rau màu lớn ở huyện, mang lại nguồn lợi kinh tế quan trọng.

Nông dân xã Nam Điền thu hoạch cà chua trồng trên đất lúa.
Nông dân xã Nam Điền thu hoạch cà chua trồng trên đất lúa.

Chuyển đổi thành công cho vùng đất mặn

Tại vùng chuyển đổi Nam Điền ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nông dân sản xuất giỏi như các ông: Trần Văn Tiều ở xóm 9, Nguyễn Văn Hiến ở xóm 6, Phạm Văn Quyền xóm 8… mỗi năm lãi hơn trăm triệu đồng từ luân canh rau màu. Những mô hình làm giàu từ luân canh rau màu nói trên đã đặt nền tảng để xã Nam Điền thực hiện thành công tái cơ cấu nông nghiệp địa phương với những mô hình và cây, con phù hợp, hiệu quả, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Đồng chí Nguyễn Xuân Tuyến, Chủ tịch UBND xã Nam Điền cho biết: Được tỉnh, huyện có chủ trương cho phép xã chuyển đổi 100% diện tích đất 2 lúa sang các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn. Những năm qua, xã Nam Điền đã thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa và khuyến khích, vận động nông dân chuyển đổi được gần 200ha diện tích cấy lúa sang luân canh rau màu, nuôi trồng thủy sản. Trong đó diện tích chuyển đổi sang luân canh rau màu là 70ha, cùng với diện tích đất màu vườn sẵn có đã đưa tổng diện tích đất trồng màu của Nam Điền lên trên 220ha. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, xã đã quy hoạch vùng trồng màu tập trung; xây dựng cơ cấu cây trồng để chủ động luân canh, xen canh tăng vụ; đẩy mạnh liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản. Xã phát triển trồng màu theo phương thức đa dạng hóa cây trồng, tập trung vào những cây dễ trồng, có năng suất cao, chất lượng, dễ tiêu thụ, giá trị kinh tế cao như: cà chua (giống cà chua Tre Việt số 1, Montavi, Tiền Phong, Trang Nông), dưa lê (giống dưa Nông Hữu, Bạch Ngọc), ngô (ngô lai LVN-4, LVN-145; ngô nếp MX2, MX4, nếp lù, G500), cây bí (bí xanh đá, bí sặt), rau mùi, thì là, hành, tỏi và rau các loại. Các hộ nông dân nơi đây áp dụng nhiều công thức luân canh như: cà chua (xuân) - cà chua (hè thu); cà chua (xuân) - ngô (hè thu) - rau (đông); dưa lê, mùi (xuân) - hành, tỏi (hè thu) - cà chua (đông); hành, tỏi (xuân) - rau, dưa (hè thu) - cà chua xen mùi, hành (đông)…

Trước mỗi vụ sản xuất, xã đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng; chỉ đạo HTXDVNN thực hiện tốt việc cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Đồng thời đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ nhu cầu tưới tiêu. Trong sản xuất, xã thường xuyên thông báo trên hệ thống loa truyền thanh về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại có nguy có ảnh hưởng tới năng suất cây trồng… Bên cạnh đó, xã cũng chỉ đạo các hộ nông dân tăng cường sử dụng phân hữu cơ (phân chuồng hoai mục) để cải tạo đất mới chuyển đổi từ lúa sang trồng màu nhằm tăng hàm lượng mùn trong đất, hạn chế ảnh hưởng của hiện tượng mặn, phèn với đất ven biển. Hiện HTXDVNN Nam Điền đã và đang xây dựng các mô hình đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Một số mô hình bước đầu đã khẳng định hiệu quả như: mô hình sử dụng màng phủ nông nghiệp đã hạn chế ảnh hưởng do mưa lớn, giảm cỏ dại, tiết kiệm công lao động, ngăn chặn rửa trôi, bay hơi của phân bón, giảm sâu bệnh hại…

Luân canh rau màu đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân Nam Điền. Bình quân mỗi ha đất canh tác của xã cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thành công, cùng với việc tận dụng quỹ đất, lách thời vụ bằng nhiều công thức luân canh linh hoạt; tích cực ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất của nông dân nên Nam Điền đang trở thành một trong những xã dẫn đầu huyện Nghĩa Hưng về giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Sản xuất phát triển, đời sống nông dân được cải thiện, diện mạo nông thôn đổi mới, kinh tế chuyển dịch góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở xã Nam Điền./.

Bài và ảnh:  Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com