Về Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) một ngày đầu năm, không khí Tết vẫn còn lan toả nhưng tinh thần lao động sản xuất của người dân vô cùng hồ hởi, háo hức. Tiếng nói cười rộn ràng trên những ruộng lúa, những ao, đầm nuôi trồng thủy sản. Nuôi thủy sản từ lâu đã trở thành một trong những nghề chính của người dân xã Nghĩa Bình, giúp đời sống của người dân được cải thiện đáng kể. Ai ai cũng say sưa phấn khởi mong một mùa vụ thắng lợi.
|
Chăm sóc đàn cá tại hộ ông Vũ Ngọc Quý, đội 12, xã Nghĩa Bình. |
Trong định hướng phát triển kinh tế của địa phương, Đảng ủy, UBND xã luôn xác định khai thác lợi thế tự nhiên để phát triển nuôi thủy sản, đa dạng các đối tượng nuôi, triển khai nhiều biện pháp giúp người dân đầu tư mở rộng diện tích, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ban Nông nghiệp xã phối hợp với Phòng NN và PTNT huyện phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật nuôi thủy sản, góp phần giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế. Xã Nghĩa Bình có khoảng 60 hộ nuôi thủy sản với tổng diện tích là 92ha; trong đó có 30ha chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả. Đối tượng nuôi chủ lực là các loại con nuôi nước mặn lợ như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá mú, cá bống bớp, cá diêu hồng… Nhiều hộ nuôi thủy sản cho giá trị kinh tế cao như hộ các ông Vũ Ngọc Quý, Vũ Mạnh Bằng, Trần Văn Đoàn, Vũ Văn Hiệp… Hộ ông Vũ Ngọc Quý, đội 12 là một trong những hộ nuôi thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao của xã. Ông Quý nuôi tôm thẻ chân trắng, cá diêu hồng là chủ yếu. Mỗi năm trung bình ông thu hoạch được khoảng 3 tấn cá diêu hồng, 8 tạ tôm. Chia sẻ về những kinh nghiệm trong nuôi thủy sản, ông Quý cho biết: “Để đảm bảo hiệu quả cũng như năng suất của vụ nuôi, ngoài việc chú trọng công tác cải tạo ao, đầm, vệ sinh sạch sẽ thì nguồn giống cũng là một yếu tố chủ chốt. Giống tôm, cá tôi đều nhập từ những cơ sở đáng tin cậy trên địa bàn huyện Hải Hậu. Những con giống được chọn phải là những con khỏe mạnh, nhanh nhẹn và có kích thước đồng đều. Con giống có khỏe thì mới có thể phát triển tốt và cho giá trị thương phẩm cao”. Ông cho biết thêm, từ ngày chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản thì hiệu quả kinh tế tăng gấp 10 lần so với trước kia trồng lúa. Thời điểm này, ông Quý đang tất bật chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho vụ nuôi mới. Ao, đầm nuôi thủy sản đang được vét bùn đáy, đắp lại bờ, khử trùng bằng vôi bột… với niềm hy vọng vụ nuôi mới sẽ tiếp tục thuận lợi, đạt hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh nuôi thủy sản, ông còn dành diện tích 3 sào đất để trồng thêm cà chua, mỗi năm thu hoạch được trên 10 tấn. Ngoài hộ của ông Quý, hộ ông Vũ Mạnh Bằng, đội 14 cũng là một hộ tiêu biểu về phát triển kinh tế thủy sản. Ông Bằng đã có thâm niên hơn chục năm trong việc nuôi cá bống bớp, cá mú. Ngoài ra ông còn sản xuất giống cá bống bớp tại chỗ nhằm phục vụ cho nhu cầu nuôi của bà con trong địa phương. Mỗi năm ông sản xuất khoảng 1 vạn con cá bống bớp giống. Số lượng đó vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người nuôi nên thời gian tới ông sẽ phấn đấu mở rộng thêm diện tích để nuôi được nhiều đối tượng khác cũng như tăng khả năng sản xuất cá bống bớp giống hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Với kinh nghiệm nuôi thủy sản nhiều năm, ông Bằng chia sẻ: “Nuôi cá bống bớp, cá mú hay các loại thủy sản khác cũng vậy, việc chủ động phòng chống dịch bệnh cho cá luôn được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy nên tôi thường xuyên theo dõi tình hình của cá cũng như theo dõi môi trường nước, tình hình thời tiết để có biện pháp phòng và chữa trị kịp thời nếu cá có dấu hiệu bị bệnh. Thức ăn cho cá không dùng sản phẩm công nghiệp mà chủ yếu là cá tạp, moi thu mua của bà con trong xã khai thác về”. Ngoài nuôi và sản xuất giống cá bống bớp, hộ ông Bằng còn trồng thêm đinh lăng, khai thác rau câu… Với sự cần mẫn lao động và những kinh nghiệm của bản thân, mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi khoảng trên 300 triệu đồng. Ông cho biết thêm, để có thể phát triển kinh tế như hiện nay, không thể không kể đến sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho người dân vay vốn Ngân hàng Nhà nước để đầu tư cơ sở vật chất cũng như đã tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kinh nghiệm cho người dân. Ông hy vọng, trong thời gian tới, các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm sát sao đến đời sống của người dân và có những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn nữa giúp người dân có thêm động lực để có thể yên tâm phát triển kinh tế.
Đồng chí Phạm Văn Hiện, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình cho biết: “Để đảm bảo cho việc nuôi thủy sản phát triển bền vững cũng như động viên tinh thần cho người nuôi thủy sản, trong vụ nuôi tới, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ cho người nuôi một phần giống các loại tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Nguồn giống được nhập từ Thành phố Đà Nẵng về và sẽ được kiểm tra chất lượng kỹ càng. Tuy không nhiều nhưng chúng tôi hy vọng điều đó sẽ tạo động lực giúp người dân có thêm ý chí phấn đấu trong lao động sản xuất. Mong rằng năm 2017, kinh tế thủy sản của xã tiếp tục thắng lợi để người dân nâng cao thu nhập, góp phần phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp”./.
Bài và ảnh:
Thanh Hoa