Năm 2017, tròn 10 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - một sự kiện quan trọng trong tiến hình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Tích cực nắm bắt các cơ hội trong tiến trình hội nhập đó, tỉnh ta đã đạt được nhiều thành tựu, tạo được bước chuyển đáng kể trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội: GDP tăng nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể so với trước, đầu tư trực tiếp của nước ngoài, xuất khẩu đều có những bước tăng trưởng nhảy vọt… Đó là những nền tảng quan trọng cho giai đoạn hội nhập tiếp theo trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới dự báo nhiều biến động.
Đoàn cán bộ nước ngoài tham quan mô hình sản xuất khoai tây giống theo công nghệ nuôi cấy mô tế bào ở Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN (Sở KH và CN). |
10 năm qua, để nắm bắt tốt nhất các cơ hội, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp để phát triển kinh tế nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới và đã cụ thể hóa các nội dung trong Nghị quyết cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng chú trọng công tác xây dựng pháp luật, thể chế; quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước; cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm hàng hoá; phát triển đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế thị trường; hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển nông thôn và đảm bảo công tác quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… Chương trình hành động của tỉnh đã được các cấp, các ngành tích cực thực hiện; nhiều chỉ tiêu hội nhập kinh tế quốc tế đã đạt được kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Trong đó, tiến trình đổi mới và cải cách thể chế đạt được nhiều bước tiến khả quan với môi trường pháp lý cho kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp ngày càng thông thoáng, hành lang pháp lý được xây dựng, hoàn thiện phù hợp với nguyên tắc cơ bản của WTO là “minh bạch, công khai và không phân biệt đối xử”. Theo đó, UBND tỉnh tích cực tham gia, đóng góp vào các dự thảo văn bản của Trung ương và địa phương trong các lĩnh vực tư pháp, đất đai, tố tụng dân sự, hình sự. Thường xuyên rà soát văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nhằm loại bỏ những quy định chồng chéo, không phù hợp với các cam kết WTO, ASEAN và những quy định không đảm bảo tự do kinh doanh hàng hóa và dịch vụ cho các chủ thể tham gia thị trường. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động “Một cửa liên thông” và đẩy mạnh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 tại các địa phương, cơ quan, đơn vị. Đến nay, 100% các sở, ngành, địa phương, đơn vị hành chính các cấp đã triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong tỉnh. Tỉnh ta đã chấp hành nghiêm túc các cơ chế chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với thông lệ quốc tế và tạo điều kiện cho thị trường phát triển: Loại bỏ bao cấp qua giá, trợ cấp theo cam kết thực hiện cơ chế thị trường cho hàng hóa, dịch vụ; quản lý và vận hành thị trường bất động sản hiệu quả, công khai, minh bạch, mở rộng quyền của nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường bất động sản theo các luật hiện hành; bảo đảm công bằng, thống nhất, đơn giản các chính sách thuế nhằm thuận tiện cho mọi chủ thể kinh doanh, không ngừng đổi mới chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán, bảo hiểm theo chuẩn mực quốc tế; xây dựng hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả; tạo điều kiện cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng mở các chi nhánh, văn phòng giao dịch trên địa bàn tỉnh và đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án thanh toán không dùng tiền mặt… Với những nỗ lực đổi mới cả về thể chế, chính sách, cải cách hành chính, tuyên truyền, nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ rệt theo hướng minh bạch, hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 10 dự án ODA đang triển khai thực hiện ở các lĩnh vực: nông nghiệp, đất đai, tài nguyên, môi trường, giao thông, y tế trị giá hàng trăm triệu USD. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tính đến hết năm 2016 toàn tỉnh đã có 19 dự án, với tổng số vốn đăng ký 1.113 tỷ đồng và 303 triệu USD. Tổng vốn đăng ký mới và vốn bổ sung là 99,713 triệu USD. Đây là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đặc biệt trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, nếu như trước đây giao thương chủ yếu qua loại hình chợ truyền thống thì nay tỉnh ta đã thu hút hàng chục dự án đầu tư phát triển thương mại, phân phối, bán lẻ theo phương thức hiện đại cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và phát triển sản xuất của nhân dân. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các cửa hàng tiện ích, cửa hàng chuyên doanh và hệ thống siêu thị các quy mô (1 siêu thị hạng I và 6 siêu thị hạng III); có 5 siêu thị chuyên doanh (Sách Ngọc Bình, Đồ gỗ Tùng Lâm, Đồ gỗ Hoa Phương, điện máy MediaMart, điện tử Trần Anh) và 4 siêu thị tổng hợp: Big C, Micom, Country mart (Hải Hậu), Thời trang (Nghĩa Hưng). Trong năm 2016 tỉnh ta đã được Trung ương đưa vào quy hoạch xây dựng một trung tâm hội chợ triển lãm quy mô cấp vùng; phát triển khu thương mại dịch vụ bám theo trục đường dẫn lên cầu Tân Phong (TP Nam Định). Đặc biệt trong Nghị quyết chuyên đề về phát triển thương mại của Tỉnh ủy đã bổ sung Đề án phát triển thương mại dịch vụ khu vực Thành phố Nam Định và các vùng phụ cận. Đồng thời, UBND tỉnh cũng chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp chứng nhận đăng ký đầu tư cho gần 20 dự án đầu tư trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh. Trong đó có nhiều dự án quy mô lớn như: Dự án trung tâm thương mại rộng 3ha tại xã Nghĩa An (Nam Trực) do Cty TNHH Xuất nhập khẩu Quảng Phát đầu tư; 3 dự án Trung tâm thương mại, khu du lịch nghỉ dưỡng và tổ chức sự kiện cùng được xây dựng tại phường Lộc Vượng (TP Nam Định) do các Cty CP Thương mại và sinh thái Lộc Vượng, Cty CP Đầu tư và phát triển Đại Nam, Cty TNHH Thương mại tổng hợp Liên Hùng đầu tư, dự án Vincom - Shophouse Nam Định do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư xây dựng tại trung tâm Thành phố Nam Định… Đây là những tín hiệu vui, đánh dấu bước khởi đầu thành công của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời cũng khẳng định định hướng đúng đắn trong chiến lược phát triển thương mại trên cơ sở khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, mở rộng các mối quan hệ thương mại giữa tỉnh ta với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo chuyển biến nhanh từ nền thương mại nhỏ, lạc hậu sang nền thương mại văn minh, hiện đại, chú trọng bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, các hộ kinh doanh nhỏ, các doanh nghiệp thương mại trong tỉnh, trong nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh ta còn nhiều hạn chế như: Chất lượng tăng trưởng của một số ngành chưa thật bền vững; công nghiệp chưa tạo được động lực phát triển, chưa hình thành được rõ nét các ngành mũi nhọn; lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ, kinh tế đối ngoại phát triển còn chậm; môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư; thu hút đầu tư chưa có tính liên kết vùng, khu vực… Để khắc phục hạn chế này, các ngành chức năng, các địa phương căn cứ nhiệm vụ chuyên môn triển khai 9 giải pháp cụ thể; từ việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ổn định tư tưởng của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân đến tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường quốc phòng, an ninh; bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc; giải quyết các vấn đề xã hội và tài nguyên, môi trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị sẵn sàng hội nhập cho giai đoạn mới với những hành trang cần như: hiểu sâu về hội nhập để khai thác được thông tin và biến cơ hội này thành hiện thực; phải đảm bảo liên kết tốt, quản trị tốt doanh nghiệp để thu hút đầu tư, trở thành doanh nghiệp lớn, có khả năng sản xuất, cung cấp dịch vụ đủ lớn về số lượng, đủ tốt về chất lượng, đủ độ tin cậy về thương hiệu doanh nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa và dịch vụ. Chủ động liên kết với nhau hoặc thông qua các hiệp hội ngành hàng để yêu cầu áp dụng các biện pháp tự vệ, các hàng rào kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Chủ động tham gia các vụ kiện, các tranh chấp quốc tế và trong nước… Áp dụng đầy đủ những biện pháp đó, doanh nghiệp mới tránh được những tác động tiêu cực từ hội nhập, chủ động vượt qua thách thức, biến thách thức thành cơ hội./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương