Quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, trong năm 2016, xã Nghĩa Thịnh đã tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế địa phương theo hướng xây dựng NTM.
Trong sản xuất nông nghiệp, nhờ tích cực áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như: cơ giới hóa các khâu làm đất, thu hoạch; gieo sạ hàng 100% diện tích; cơ cấu giống hiệu quả cao (10% giống lúa lai; 90% giống tám, nếp đặc sản) nên năng suất lúa bình quân cả năm của xã đạt trên 120 tạ/ha, với tổng sản lượng 6.150 tấn. Bên cạnh cây lúa, xã còn khuyến khích các hộ dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả và tận dụng diện tích mặt nước để nuôi thuỷ sản kết hợp với chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại tập trung. Đến nay, diện tích nuôi thủy sản của xã đạt trên 50,5ha. Hằng năm, các hộ nuôi thuỷ sản đã sản xuất được trên 30 nghìn con cá giống; tổng sản lượng cá thương phẩm đạt trên 70 tấn. Đến cuối năm 2016, tổng đàn lợn của xã có gần 2.200 con, đàn gia cầm gần 20 nghìn con. Cùng với việc tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, Đảng ủy, HĐND, UBND xã chú trọng việc đào tạo nghề cho nông dân; hỗ trợ thủ tục hành chính, mặt bằng, tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng để tăng năng lực tài chính mở rộng quy mô, phát triển đa dạng ngành nghề và tăng cường thu hút các doanh nghiệp trong tỉnh đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN tại địa phương. Nhờ chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất CN-TTCN, đến nay, xã Nghĩa Thịnh đã phát triển đa nghề phi nông nghiệp như: may công nghiệp; sản xuất vật liệu xây dựng; xây dựng dân dụng; sửa chữa phương tiện vận tải thủy; mộc dân dụng; cơ khí… thu hút trên 1.200 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân đạt từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Cty CP Vật liệu và Xây lắp Nghĩa Hưng ở xóm Đại Thành là doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng theo công nghệ lò tuy-nen đã phát động liên tục sâu rộng phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hành quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001-2000…
Sản xuất các sản phẩm xuất khẩu tại Nhà máy may Nghĩa Thịnh, Cty CP May 2 (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định), xã Nghĩa Thịnh. |
Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được áp dụng thành công vào thực tế sản xuất như: cải tiến khuôn mẫu chống cong vênh cho sản phẩm, góp phần tiết kiệm từ 10-15% nguyên liệu, điện năng trong sản xuất; sáng kiến cải tiến máy tạo hình đã góp phần nâng công suất máy từ 12 nghìn lên 15 nghìn viên/giờ, làm lợi cho Cty trên 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, Cty còn cải tiến thiết bị, sắp xếp lại sản xuất hợp lý hóa khối xếp sản phẩm, kỹ thuật nung đốt, tận dụng than qua lửa phế liệu làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm vật liệu không nung... giúp giảm thiểu đáng kể lượng chất thải ra môi trường. Các chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm của Cty đều hoàn thành; đảm bảo việc làm cho trên 120 công nhân với mức thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra trên địa bàn xã còn phát triển được 3 bãi tập kết cát, đá kết hợp với sản xuất các loại gạch ba-banh cung ứng cho nhu cầu xây dựng của người dân trong vùng với quy mô từ 15-20 lao động/cơ sở. Tận dụng ưu thế vùng bãi sông Đào, xã Nghĩa Thịnh còn phát triển thêm nghề đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy. Cơ sở của ông Trương Văn Doanh, xóm Long Yến thường xuyên nhận được các hợp đồng sửa chữa, đóng mới phương tiện vận tải pha sông biển có tải trọng lên đến 1.000 tấn. Hiện tại, cơ sở thu hút trên 20 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân đạt từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Nghề trồng nấm thương phẩm vẫn được duy trì và phát triển. Anh Đới Văn Giang, đội 1, HTX Đại Thắng, chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh nấm Giang - Liễu cho biết: cơ sở có tổng diện tích trên 3.500m2 chuyên sản xuất và chế biến các loại nấm thương phẩm và nấm dược liệu như: nấm mỡ, nấm sò, nấm linh chi… Mỗi năm, cơ sở tiêu thụ trên 100 tấn nguyên liệu để sản xuất ra trên 20 tấn nấm thương phẩm các loại. Hiện nay, cơ sở đã tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng trở lên. Ngoài duy trì và phát triển đa dạng ngành nghề nông thôn, trên địa bàn xã Nghĩa Thịnh còn thu hút được dự án hàng chục tỷ đồng của Cty CP May 2 (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định). Nhà máy may Nghĩa Thịnh được hoàn thành và chính thức hoạt động từ năm 2014, tạo việc làm cho trên 130 lao động địa phương với mức lương bình quân từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Kinh tế phát triển, nhân dân xã Nghĩa Thịnh đã có điều kiện đóng góp kinh phí cùng với ngân sách xã đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi “điện, đường, trường, trạm” theo hướng xây dựng NTM bền vững.
Năm 2017, để phát triển kinh tế nông thôn toàn diện, bền vững, xã Nghĩa Thịnh chủ trương tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; tăng cường phát triển sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn để tăng cao thu nhập cho nhân dân. Phấn đấu thực hiện và hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu như: bình quân thu nhập đầu người đạt 37 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn hộ nghèo đa chiều) giảm xuống dưới 2%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp giảm xuống 33%; sản xuất CN-TTCN, xây dựng, dịch vụ tăng lên 67%. Phấn đấu củng cố chất lượng các tiêu chí nhằm xây dựng NTM bền vững./.
Bài và ảnh: Thành Trung