Khuyến khích phát triển nghề lưới rê kết hợp chụp mực

05:02, 18/02/2017
Những năm gần đây, đổi mới trong tổ chức sản xuất ở ngành khai thác thủy sản đã phát huy hiệu quả tích cực cả trong kết quả khai thác và công tác quản lý. Mô hình tổ hợp tác nghề lưới rê kết hợp chụp mực được Chi cục Thủy sản đánh giá là một trong những mô hình sản xuất thích hợp, có hiệu quả.
Ngư dân huyện Hải Hậu chuẩn bị ngư lưới cụ sẵn sàng ra khơi.
Ngư dân huyện Hải Hậu chuẩn bị ngư lưới cụ sẵn sàng ra khơi.
Thời gian qua, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện ven biển xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất như: tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển; mô hình liên kết giữa ngư dân với các tổ chức, doanh nghiệp thu mua, chế biến tiêu thụ sản phẩm… giúp ngư dân tích cực vươn khơi bám biển. Cơ cấu nghề cũng có sự thay đổi, một số tàu thuyền của các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng đã chuyển đổi sang đánh bắt kiêm nghề lưới rê kết hợp chụp mực mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nghề lưới rê hoạt động trên nguyên tắc dùng lưới, thả trôi chắn ngang hướng di chuyển của đàn cá để cá mắc vào lưới nên hạn chế gây hại đến nguồn lợi thủy sản. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, từ kinh nghiệm đánh bắt các loại cá ngư lưới rê với chụp mực giúp tăng hiệu quả sản xuất và giảm thời gian đánh bắt. Mỗi mẻ lưới chỉ diễn ra trong vòng 4-5 tiếng nên ngư dân sản xuất chủ động hơn, chi phí nhiên liệu cũng giảm. Tổ hợp tác nghề lưới rê kết hợp chụp mực ở xã Hải Lý (Hải Hậu) đã được thành lập từ chục năm nay, hiện có hơn 70 thành viên được chia làm 3 tổ nhỏ là tổ rê cước, tổ rê thưa và tổ rê mau. Ông Trần Văn Khuyến, xóm 10 là thành viên của tổ hợp tác cho biết: “Tôi đã tham gia hoạt động nghề từ những ngày đầu tiên tổ hợp tác được thành lập. Anh em cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và động viên nhau để sản xuất đạt hiệu quả cao, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Bên cạnh đó, tham gia vào tổ hợp tác không chỉ tăng hiệu quả công việc mà còn giúp tiết kiệm chi phí sản xuất. Ngoài ra tổ hợp tác cũng giúp ngư dân chúng tôi đoàn kết, yêu thương nhau vì thấu hiểu được những khó khăn của nhau để cùng vươn lên”. Là ngư dân có kinh nghiệm lâu năm, ông Khuyến cho rằng khai thác bằng lưới rê kết hợp chụp mực ngày càng được ngư dân xã Hải Lý áp dụng rộng rãi vì hiệu quả đánh bắt hơn hẳn với khai thác riêng lẻ và giúp ngư dân bội thu trong thời gian gần đây. Ông Trần Văn Huynh cũng là thành viên của tổ hợp tác nghề lưới rê kết hợp chụp mực xã Hải Lý cho biết: “Nghề biển nào cũng vất vả, nhưng nghề này được lợi thế là có thể khai thác quanh năm, trừ những ngày biển động mạnh. Bên cạnh đó, tinh thần đoàn kết đã giúp chúng tôi có thêm động lực để gắn bó với nghề. Anh em trong tổ hợp tác hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình lao động trên biển; trao đổi thông tin về ngư trường, thị trường hay hỗ trợ nhau khi vận chuyển sản phẩm vào bờ, khi gặp sự cố về lưới hay các thiết bị khác. Hiện nay nghề này giúp ngư dân có thu nhập khá ổn định; mỗi chuyến biển chúng tôi thu được trung bình khoảng 20 triệu đồng”. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, không chỉ Tổ hợp tác nghề lưới rê kết hợp chụp mực của xã Hải Lý mà tại một số địa phương như các xã Hải Chính, Hải Triều (Hải Hậu) tổ hợp tác nghề lưới rê kết hợp chụp mực cũng giúp người dân đạt hiệu quả kinh tế cao. Mỗi chuyến biển có lãi từ 30-40 triệu đồng, đặc biệt có tàu thu lãi tới 150-200 triệu đồng. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hiệu quả của các tổ hợp tác lưới rê kết hợp chụp mực là tín hiệu vui, với ưu điểm là ngư trường đánh bắt rộng và thu được nguồn lợi đa dạng, ngoài mực còn có thêm nhiều loại cá khác. Do vậy cần tiếp tục phổ biến nhân rộng nghề này đến ngư dân trong tỉnh.
 
Từ thực tế sản xuất của các tổ hợp tác cho thấy, nghề lưới rê kết hợp chụp mực ít tác động đến môi trường, hạn chế ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, cường độ lao động giảm, phù hợp với khả năng của ngư dân. Sở NN và PTNT chỉ đạo sâu sát, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn giúp ngư dân nâng cao ý thức và kiến thức về nghề, vấn đề bảo vệ môi trường… để khai thác hiệu quả, lành mạnh. Nếu có nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa của các cơ quan chức năng sẽ khuyến khích ngư dân chuyển đổi sang nghề này, bảo đảm hiệu quả đồng bộ cả cho ngư dân và công tác quản lý./.
 
Bài và ảnh: Thanh Hoa


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com