Giải pháp cho vùng đất lúa kém hiệu quả

10:02, 13/02/2017
Những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh việc chuyển đổi vùng đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình canh tác hiệu quả cao hơn. Đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.
 
Nhằm tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác, nâng cao thu nhập cho nông dân, Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) tập trung chỉ đạo nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ sản xuất, đặc biệt là chuyển đổi diện tích đất 2 vụ lúa kém hiệu quả sang trồng màu. Đến nay, Quỹ Nhất đã chuyển đổi được hơn 50ha đất 2 lúa sang trồng 3 vụ màu, tập trung vào các loại cây chủ lực, dễ trồng, có thị trường tiêu thụ ổn định và có hiệu quả kinh tế cao như: cà chua, bí xanh, bí đỏ, rau màu các loại. Theo tính toán của các hộ nông dân nơi đây, mỗi sào bí xanh, bí đỏ, rau cải bắp có bình quân thu nhập từ 4,5-5 triệu đồng… Nổi bật về hiệu quả kinh tế là cây cà chua mỗi sào cho năng suất khoảng 2 tấn quả, thu lãi từ 8-10 triệu đồng. Bình quân 1 sào chuyển đổi từ đất lúa sang trồng 3 vụ màu ở Quỹ Nhất mỗi năm cho thu nhập từ 10-13 triệu đồng; tương đương 270-291 triệu đồng/ha/năm. Ông Nguyễn Văn Hoành, đội 8 cho biết: “Việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu là hướng thay đổi tích cực, phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế tại địa phương. Cách làm này đã cơ bản khắc phục được tình trạng mất mùa, mất giá, nâng cao thu nhập và cuộc sống nông dân. Gia đình tôi có gần 1 mẫu ruộng chuyển sang trồng màu. Vụ đông và vụ xuân trồng cà chua, bí xanh; vụ hè thu trồng ngô và đậu tương. Mỗi năm gia đình tôi thu nhập trên dưới 100 triệu đồng, cao hơn 3 lần so với cấy lúa”. Nói về kinh nghiệm để thành công trong công tác chuyển đổi cây trồng trên đất lúa ở Quỹ Nhất, lãnh đạo thị trấn cho biết, công tác quy hoạch phải bảo đảm chi tiết, cụ thể cho từng cánh đồng, gắn với quy hoạch sản xuất trong xây dựng NTM. Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xây dựng cụ thể, trong đó từng chân đất khuyến cáo mô hình canh tác phù hợp, cả điều kiện canh tác với thị trường tiêu thụ. Ưu tiên mở rộng những mô hình canh tác các cây trồng có “đầu ra” ổn định như: cà chua, bí xanh, bí đỏ, ngô, đậu tương... Gắn kết chặt chẽ “4 nhà”, trong đó mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân là rất quan trọng, giúp giảm bớt các khâu trung gian trong chuỗi giá trị sản phẩm nông sản, nâng cao giá trị gia tăng và sản xuất bền vững hơn. 
Chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cà chua tại Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng).
Chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cà chua tại Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng).
Xã Tân Khánh (Vụ Bản) quy hoạch chuyển đổi gần 30ha diện tích đất trũng cấy lúa kém hiệu quả ven đê sông Sắt sang phát triển mô hình trang trại, gia trại tổng hợp và nuôi thủy sản. Hiện nay, xã có hơn 50 hộ tham gia sản xuất tại vùng chuyển đổi. Nhiều hộ tiếp thu, đưa vào sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: bưởi Diễn, thanh long ruột đỏ, vịt siêu trứng, ngan đẻ, trâu, bò, cá chép Koi Nhật Bản, cá vàng, cá trắm đen… Hầu hết các trang trại, gia trại ở vùng chuyển đổi của xã Tân Khánh đạt được những hiệu quả nhất định. Điển hình là hộ các ông: Ngô Văn Say, Phạm Đức Thuần, Trần Viết Toàn, Ngô Văn Tài… mỗi năm lãi từ 200-300 triệu đồng. Các trang trại, gia trại ở vùng chuyển đổi này đều khá xa khu dân cư, bảo đảm vệ sinh môi trường, thuận lợi để kiểm soát vệ sinh thú y và phòng chống dịch bệnh. Để đạt được thành công trong chuyển đổi, ngoài thực hiện tốt việc quy hoạch sản xuất, bố trí cây trồng, vật nuôi hợp lý, xã còn thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh tổ chức các buổi hội thảo, các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, giới thiệu các giống cây, con mới cho năng suất, chất lượng cao và hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, xã vận động, khuyến khích nông dân thuê đất các vùng chuyển đổi; hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư. Giá trị sản xuất ở vùng đất trũng cấy lúa kém hiệu quả của Tân Khánh sau chuyển đổi cao gấp 3-5 lần so với cấy lúa.
 
Huyện Hải Hậu chuyển đổi 900ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Các xã Hải Nam, Hải Đông, Hải Lý, Hải Chính, Hải Triều… cùng nông dân tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật như: hệ thống đường giao thông nội đồng, kênh mương, đường điện… cho các vùng chuyển đổi theo quy hoạch để phục vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng chí Vũ Văn Triển, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện cho biết: Ở các vùng chuyển đổi sang nuôi thủy sản nước ngọt đi vào ổn định và nâng cao được năng suất, sản lượng, giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác. Nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như cá diêu hồng, cá lóc bông, trắm đen… đạt 500-600 triệu đồng/ha được giữ vững và phát triển qua từng năm. Diện tích nuôi cá diêu hồng tập trung chủ yếu ở các vùng chuyển đổi của xã Hải Châu, Hải An, Thị trấn Cồn… Diện tích nuôi cá lóc bông tập trung ở các vùng chuyển đổi của xã Hải Hòa, Hải Xuân và Thị trấn Thịnh Long. Tại các vùng chuyển đổi sang nuôi thủy sản mặn lợ của các xã ven biển, các hộ đã tích cực đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi, giá trị sản xuất đạt 1 tỷ đồng/ha/năm. Ngoài tôm thẻ chân trắng, tại các xã Hải Triều, Hải Hòa các đối tượng nuôi như: tôm sú, cua xanh, cá song, cá mú… được các hộ nuôi quảng canh cải tiến, vốn đầu tư thấp cũng cho hiệu quả khá. Các vùng chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản đều đã thành lập các tổ hợp tác, CLB để các hộ nông dân cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, kiến thức khoa học kỹ thuật, quản lý môi trường nuôi trồng và thống nhất thả cùng một loại giống nhằm tạo ra các vùng nuôi chuyên canh tập trung theo xu hướng sản xuất hàng hoá, tạo ra môi trường, hiệu quả nuôi bền vững…
 
Trong những năm qua, ngành NN và PTNT phối hợp với các địa phương xây dựng mô hình và thực hiện chuyển đổi trên 5.000ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, con nuôi có giá trị và cho hiệu quả kinh tế. Các diện tích trồng lúa chân đất cao khó khăn về nước tưới được chuyển sang trồng rau màu, trồng cây dược liệu hoặc luân canh lúa - màu. Các diện tích ruộng thấp trũng được chuyển đổi sang mô hình lúa - cá; kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp; nuôi thủy sản. Vùng đất lúa bị nhiễm mặn được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản với các đối tượng nuôi mặn lợ giá trị kinh tế cao; trồng cây dược liệu, cây rau màu kết hợp với nuôi thủy sản… Với việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất như trên đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản tập trung cho sản lượng lớn, sạch và thân thiện với môi trường. Giá trị lợi nhuận cao hơn trồng lúa từ 3-10 lần đã góp phần cải thiện đời sống dân cư nông thôn và đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM trong toàn tỉnh.
 
Đây là những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã khẳng định được hiệu quả kinh tế cần được nhân rộng ra các địa phương có những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả dựa theo nhóm cây trồng, con nuôi phù hợp với điều kiện từng vùng nhằm góp phần tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác, nâng cao thu nhập cho nông dân và thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com