Nằm ở vị trí trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, giáp Biển Đông với chiều dài 72km bờ biển; lại có 4 dòng sông lớn là: sông Đào, sông Ninh Cơ, sông Hồng, sông Đáy chảy qua địa bàn… Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có nhiều làng nghề cơ khí truyền thống nổi tiếng với đội ngũ lao động đông đảo, cần cù… Đó là những lợi thế để phát triển ngành công nghiệp đóng tàu thành một trong những mũi nhọn công nghiệp của tỉnh.
Tết sớm trên những công trường
Từ năm 2014 đến nay, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế và các chính sách quyết liệt tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh của Trung ương, của tỉnh, ngành công nghiệp đóng tàu tỉnh ta đã từng bước được khôi phục. Nhu cầu về gia công, đóng mới, sửa chữa các phương tiện vận tải thủy tăng cao đã giúp các doanh nghiệp đóng tàu ký và hoàn thành nhiều hợp đồng đóng mới phương tiện vận tải thủy. Trong tiết trời xuân se lạnh, Giám đốc Cty CP Hoàng Vinh Trần Đức Hoằng đưa chúng tôi đi tham quan công xưởng đóng tàu rộng trên 3,6ha tại CCN Đóng tàu Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường). Ngoài sân bãi, gió từ triền sông Ninh Cơ hun hút thổi qua 2 âu neo đậu tàu thuyền, tràn qua khu vực sân bãi rộng, nơi hơn 100 công nhân đang miệt mài hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để kịp bàn giao 3 phương tiện vận tải thủy có tải trọng 2.000 tấn cho khách hàng. Anh Hoằng cho biết: Cty thành lập năm 2006, chuyên nhận đóng mới và sửa chữa các loại phương tiện vận tải thủy hoạt động trên vùng biển quốc tế có tải trọng tới 7.200 tấn theo Giấy phép của Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) cấp. Để vượt qua được yêu cầu khắt khe của tiêu chuẩn đóng mới, sửa chữa phương tiện vận tải biển quốc tế (2 năm Cục đánh giá năng lực toàn diện một lần; trong quá trình lưu thông không có phương tiện bị lưu giữ ở nước ngoài) Cty đã đầu tư trên 300 tỷ đồng xây dựng: 2 âu tàu rộng 48m; dài từ 127-150m để neo đậu được 2 phương tiện có tải trọng đến 5.000 tấn/âu; hệ thống hạ tầng kỹ thuật gồm: hệ thống cẩu, các loại máy hàn, cắt chuyên dụng… được đầu tư đồng bộ. Nhờ đó, trong năm 2016, Cty đã hoàn thành đóng mới 12 phương tiện vận tải thủy có tải trọng từ 800-5.000 tấn, trong đó có 3 tàu loại 5.000 tấn; 6 tàu loại 2.000 tấn; còn lại là các tàu có tải trọng từ 800, 1.500, 1.700 tấn. Ngoài ra, trong năm 2016, Cty còn tiến hành sửa chữa lớn cho 10 phương tiện vận tải biển quốc tế có tải trọng 3.000-5.000 tấn và 25 phương tiện vận tải nội địa loại từ 3.000 tấn trở xuống. 10 năm hoạt động trong lĩnh vực đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy, Cty hiện thu hút trên 350 lao động lành nghề với mức thu nhập bình quân từ 6-10 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến, trong năm 2016, với 17 phương tiện đóng mới và các hợp đồng sửa chữa, Cty sẽ đạt mức doanh thu trên 365 tỷ đồng.
Sửa chữa và đóng mới các phương tiện vận tải thủy tại Cty CP Đóng tàu thủy Hoàng Phong, xã Xuân Ninh (Xuân Trường). |
Không chỉ Cty CP Hoàng Vinh có thành tích sản xuất, kinh doanh khả quan, trong năm 2016, nhiều doanh nghiệp đóng tàu của huyện Xuân Trường tại CCN Đóng tàu Thị trấn Xuân Trường và các xã: Xuân Vinh, Xuân Ngọc cũng tiếp tục khởi sắc như các doanh nghiệp: Cty CP Đóng tàu thủy Hoàng Phong; các Cty TNHH: Việt Tiến và Đại Nguyên Dương… Thành lập từ năm 2006, Cty CP Đóng tàu thủy Hoàng Phong đã đầu tư trên 50 tỷ đồng xây dựng hệ thống triền đà ngang, dọc; hệ thống 3 cẩu nâng 25-50 tấn và hệ thống cầu cảng dài trên 300m… đủ năng lực đóng mới, sửa chữa các loại phương tiện vận tải thủy có tải trọng từ 2.000-6.000 tấn. Trong năm 2016, Cty thực hiện và hoàn thành 26 tàu cá đóng theo chương trình Nghị định 67 của Chính phủ, trong đó có 9 tàu của ngư dân trong tỉnh; các tàu còn lại của ngư dân các tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình… và 5 phương tiện vận tải thủy pha sông biển loại trên 2.000 tấn. Dự kiến năm 2016, doanh thu của Cty đạt gần 450 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 100 lao động địa phương. Đồng chí Ngô Doãn Thọ, Giám đốc Trung tâm Phát triển CCN huyện Xuân Trường cho biết: Theo kế hoạch, năm 2016 các doanh nghiệp đóng tàu huyện Xuân Trường phấn đấu thực hiện và hoàn thành tổng số 117 phương tiện vận tải thủy với tổng tải trọng 105.700 tấn; trong đó có 61 tàu cá (theo Nghị định 67 của Chính phủ); 28 phương tiện vận tải thủy pha sông biển có tải trọng từ 2.000 tấn trở lên; 26 phương tiện vận tải có tải trọng từ 1.000-2.000 tấn, tạo việc làm ổn định cho gần 1.000 lao động. Không chỉ ở huyện Xuân Trường, trên khắp các triền đê sông Đáy, sông Ninh Cơ, sông Sò thuộc các địa phương như: Thịnh Long (Hải Hậu); Nghĩa Sơn, Nghĩa Thịnh, Liễu Đề (Nghĩa Hưng); Trực Hùng, Cát Thành, Việt Hùng (Trực Ninh); Ngô Đồng, Quất Lâm (Giao Thủy)... các doanh nghiệp đóng tàu đều đang hối hả hoàn thành nốt các hợp đồng để kịp bàn giao cho khách hàng khi kết thúc năm.
Trong 3 năm qua, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, ngành công nghiệp đóng tàu của huyện Giao Thủy đã có sự khôi phục và phát triển trở lại trên cả hai lĩnh vực đóng mới và sửa chữa tàu thuyền thép và tàu vỏ gỗ. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 6 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngành công nghiệp đóng tàu ở các thị trấn: Ngô Đồng, Quất Lâm và xã Giao Thịnh. Ông Nguyễn Trung Bộ, Giám đốc Cty TNHH Đóng tàu Trung Bộ ở khu 1, Thị trấn Ngô Đồng cho biết: Với sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cộng với sự quan tâm đồng hành cùng doanh nghiệp của các cấp, các ngành, Cty đã không ngừng nỗ lực tập trung xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000, ISO 14000, SA 8000, bảo đảm các sản phẩm sản xuất ra đều đạt chất lượng. Cty đã xây dựng được đội ngũ nhân lực có chất lượng cao và được xếp trong tốp doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh trong lĩnh vực đóng mới, nâng cấp, hoán cải tàu cá vỏ thép và các phương tiện vận tải thủy. Cty đã được Đăng kiểm Việt Nam xác nhận đủ năng lực đóng mới tàu vỏ sắt có trọng tải từ 3.000-5.000 tấn. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm và thời hạn giao hàng, Cty đã đầu tư thêm gần 3 tỷ đồng để mua 40 máy hàn xoay chiều, 2 máy hàn chuyên dụng và cải tạo hệ thống triền ngang, cẩu… đáp ứng yêu cầu sản xuất. Ngoài 2 doanh nghiệp đóng tàu vỏ thép, huyện Giao Thủy còn có nghề đóng tàu vỏ gỗ truyền thống phát triển mạnh ở Thị trấn Quất Lâm, xã Giao Thịnh… Với lịch sử hình thành và phát triển cả trăm năm, nghề đóng tàu cá vỏ gỗ đã góp phần quan trọng phục vụ nhu cầu của ngư dân trong huyện, trong tỉnh vươn khơi bám biển khai thác thủy, hải sản. Là một trong 3 huyện giáp biển của tỉnh, lại được bao bọc bởi 3 con sông lớn là sông Đào, sông Đáy và sông Ninh Cơ, kênh quốc gia Quần Liêu nối sông Đáy với sông Ninh Cơ, huyện Nghĩa Hưng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành công nghiệp đóng tàu. Trong đó, xã Nghĩa Sơn là địa phương có nghề đóng tàu truyền thống lâu năm. Nghề đóng thuyền thép truyền thống của xã Nghĩa Sơn phát triển mạnh với 2 doanh nghiệp, gần 30 cơ sở sản xuất chuyên nhận đóng các loại phương tiện pha sông biển có tải trọng từ 300 đến trên 2.000 tấn. Các doanh nghiệp, cơ sở đóng tàu trong xã đã tạo việc làm cho trên 600 lao động với mức lương bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Với 3 xưởng sản xuất rộng trên 5.000m2, Cty TNHH một thành viên Sản xuất Thương mại Đức Chiến, xóm Bơn Ngạn đủ năng lực thực hiện cùng lúc 10 hợp đồng đóng mới phương tiện vận tải thủy tải trọng 500-2.000 tấn cho khách hàng… Cty đang có 120 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có nhiều cơ sở đóng tàu ở các xóm 2 thôn Quần Liêu; xóm Ngòi Voi, khu vực cống Lý Nhân… đang tấp nập triển khai đóng mới, sửa chữa các loại phương tiện vận tải thủy.
Làng “tỷ phú” bên những triền sông
Định cư bên triền sông, cửa biển; mưu sinh qua nhiều thế hệ từ những con nước ròng, nước cạn, hình thành từ nghề chài lưới, rồi vận tải thủy bằng những phương tiện thô sơ và hiện tại là nghề đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy đã góp phần quan trọng mang lại ấm no cho biết bao gia đình, vùng quê và trở thành mũi nhọn, đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương và cả tỉnh. Nhờ có nghề đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy, nhiều vùng quê bình dị bên những triền sông như các thị trấn: Cát Thành, Xuân Trường, Ngô Đồng hay các xã: Xuân Trung, Xuân Vinh, Nghĩa Sơn, Giao Thịnh… đã hình thành những “làng tỷ phú”. Sinh ra và lớn lên bên triền sông Ninh Cơ, tại quê hương Xuân Trung (Xuân Trường), gắn bó với những con tàu, cánh buồm và nghề vận tải từ khi thơ bé đến khi trở thành giám đốc một doanh nghiệp với cơ ngơi hàng trăm tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động, anh Trần Đức Hoằng cho biết: Bố anh, cụ Trần Đức Phú (thường gọi là cụ Phú Rô) những năm 1960 của thế kỷ trước đã từng là đội trưởng đội tàu vận tải của HTX Vận tải Trung Hải chỉ huy đội tàu vận tải hàng chục chiếc chuyên chở nhu yếu phẩm, vật tư, thiết bị phục vụ đại công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Ngày ấy, đội tàu vận tải của HTX và cả miền Bắc chỉ có những chiếc thuyền “vo” đóng bằng gỗ, tải trọng nhỏ từ 5-20 tấn, chạy bằng sức gió (2-3 cột buồm) và sức người (kéo khi ngược dòng, ngược gió). Mỗi năm, dịp Tết đến, dọc các cống trên sông Ninh Cơ, sông Hồng như: Trà Thượng, Cát Xuyên, Bùi, Ngô Đồng… thuyền về neo đậu kín. Ngày ấy, người dân Xuân Trung có kinh nghiệm và thâm niên nghề sông nước cộng với sự nhanh nhạy thị trường đã hình thành một số xưởng chuyên nhận đóng mới và chủ yếu là sửa chữa các loại tàu vận tải vỏ gỗ. Khi đất nước thống nhất, những chiếc thuyền vo cũ kỹ đã được thay thế bằng những loại thuyền thép, thuyền tôn gắn máy, tải trọng của các thuyền đã được nâng lên đến 40-50 tấn. Nhờ có máy móc hỗ trợ, sức lao động được giải phóng, hiệu quả kinh tế và năng suất được nâng lên. Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường đã tạo “đòn bẩy” quan trọng cho nghề vận tải thủy phát triển mạnh. Thoát khỏi cơ chế quản lý tập thể cào bằng lạc hậu trói buộc, nhiều chủ tàu và người dân Xuân Trung đã tận dụng tốt ưu thế kinh nghiệm để thích nghi với cơ chế làm ăn mới. Khởi đầu với những chuyến tàu vận tải từ cảng Hải Phòng chở các loại vật tư nông nghiệp (phân bón, giống), lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng (quần áo, đồ điện tử)… về phân phối trong tỉnh và cả các tỉnh trong vùng. Cũng xuất phát từ nghề vận tải thủy bằng những phương tiện thô sơ, đến nay, làng Phú An, Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) hiện có 60 doanh nghiệp, trong đó có 47 doanh nghiệp vận tải thủy, nhiều doanh nghiệp đã có doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm như các Cty: TNHH Thương mại Gia Bảo đạt doanh thu 82,2 tỷ đồng; TNHH Vận tải và Thương mại Đại Lục và CP Minh Trường đạt doanh thu trên 34 tỷ đồng. Ước tính, nghề vận tải biển của làng Phú An tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 1.000 lao động, trong đó có đến 60% là người địa phương với mức từ 5-30 triệu đồng/người/tháng. Từ 1-2 con tàu ban đầu, nhiều hộ như các ông Trần Văn Dĩnh đã có đội tàu vận tải biển lên đến 30 chiếc; ông Trần Văn Thạch có đội tàu vận tải biển 15 chiếc; còn khoảng chục hộ có từ 3-4 tàu vận tải pha sông biển. Hiện nay, đội tàu vận tải biển (tải trọng từ 2000-5.500 tấn) làng Phú An có khoảng 70 chiếc, còn lại là tàu sông (tải trọng tối đa đến 1.500 tấn); trong đó có khoảng 200 phương tiện vận tải thủy chở công-ten-nơ chuyên tuyến Hải Phòng - Quảng Ninh. Từ năm 2007, làng Phú An đã có một số hộ như các ông: Trần Văn Hiệp, Phạm Văn Thạch, Trần Văn Dĩnh… đầu tư 20-70 tỷ đồng đóng tàu vận tải lớn có tải trọng từ 2.000-5.500 tấn để tham gia thị trường vận tải biển xuyên quốc gia. Cùng với nghề vận tải biển phát triển, 4 hộ các ông Ninh Văn Tiên, xóm Liên Phú; Phạm Văn Thạch, Trần Văn Hiệp, Trần Văn Dĩnh đều ở xóm Phú Thọ đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng thành lập Cty đóng mới các phương tiện vận tải thủy tại CCN Cát Thành với tổng diện tích 8ha. Theo ước tính chưa đầy đủ của UBND thị trấn, mỗi chuyến tàu sông sau khi trừ chi phí cho thu nhập thực tế khoảng 100 triệu đồng/tháng; còn tàu biển mỗi tháng có thu nhập thực tế từ 500-600 triệu đồng/tháng. Mỗi tàu vận tải biển cần tối thiểu 12 lao động thường xuyên; mỗi tàu sông cần tối thiểu 4-5 lao động thường xuyên. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi ở làng tỷ phú Phú An có tổng số 650 hộ thì có đến 60% số hộ xây được biệt thự, nhà cao tầng trị giá thấp nhất cũng khoảng 2 tỷ đồng. Không phát triển mạnh bằng các thị trấn: Cát Thành, Xuân Trường nhưng nghề đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy ở xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) đã góp phần quan trọng để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đồng chí Đỗ Minh Hải, Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã hiện có khoảng 1.000 lao động đang làm việc trong 31 doanh nghiệp, cơ sở đóng tàu hai bên triền sông Đáy và sông Ninh Cơ; bình quân thu nhập của người lao động đạt từ 200-250 nghìn đồng/người/ngày, khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Như vậy, mỗi tháng, xã có thêm từ 6-7 tỷ đồng tiền công của lao động tham gia nghề đóng tàu. Nhờ đó, xã Nghĩa Sơn đã thực hiện và hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM từ năm 2014, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp chỉ còn 24,1%; công nghiệp - xây dựng đạt 51,7%...; năm 2016, bình quân thu nhập đầu người của xã ước đạt 42 triệu đồng, cao nhất huyện và đứng ở tốp đầu toàn tỉnh.
Một mùa xuân mới đang về mang theo kỳ vọng và niềm tin về sự “trỗi dậy” của ngành công nghiệp đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy để ngày càng có thêm những làng tỷ phú trên những triền sông quê hương tôi./.
Bài và ảnh: Thành Trung