Thanh niên Mỹ Tân phát triển kinh tế từ nghề trồng hoa

07:01, 05/01/2017
Khởi nguồn từ vùng đất Vị Khê, Điền Xá (Nam Trực) từ thế kỷ XIII, nghề trồng hoa, cây cảnh đã trở thành thế mạnh của nhiều địa phương trong tỉnh. Từ Vị Khê, nghề trồng hoa phát triển ra nhiều xã, huyện khác trong đó có xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc)… Phát huy truyền thống làng nghề, nhiều thanh niên ở Mỹ Tân đang gắn bó với nghề trồng, kinh doanh hoa, cây cảnh, coi đó là hướng đi phù hợp phát triển kinh tế gia đình.
 
Năm 2007, sau thời gian dài đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, anh Đặng Văn Quyết, xóm Hồng Hà 1, Mỹ Tân quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Được bố là ông Đặng Văn Phương động viên, Quyết từ bỏ ý định đi làm ăn ở tỉnh ngoài mà về quê tập trung cùng gia đình phát triển nghề truyền thống. Theo đó, hằng ngày Quyết theo bố ra đồng làm đất, học cách chăm sóc, bón phân, phát hiện sâu bệnh, phun thuốc trừ sâu, ươm mầm… cho hoa cúc. Một năm 2 vụ, hầu như ngày nào Quyết cũng có mặt ở ngoài đồng. Nỗ lực của Quyết đã được đền đáp xứng đáng khi anh là một trong những thanh niên trồng hoa cúc đạt hiệu quả kinh tế cao nhất trong xã. Từ đầu năm 2016 đến nay, theo tính toán, trừ chi phí, Quyết thu được từ 300-400 triệu đồng tiền lãi. Ngoài ra, với diện tích đất canh tác rất lớn, Quyết còn tạo việc làm cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập 130 nghìn đồng/người/ngày. Sản phẩm hoa cúc của gia đình có thị trường tiêu thụ rất rộng, không chỉ ở trong tỉnh mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố khác như: Hà Nội, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa… Bên cạnh hoa cúc, vài năm trở lại đây, Quyết còn mạnh dạn xuống những vùng trồng hoa, cây cảnh như Điền Xá, Nam Phong… để học hỏi thêm về cách trồng hoa ly, cây cảnh, ươm và bán cây giống… 
Mạnh dạn đầu tư trồng hoa cúc, hằng năm anh Đặng Văn Quyết, xóm Hồng Hà 1 thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.
Mạnh dạn đầu tư trồng hoa cúc, hằng năm anh Đặng Văn Quyết, xóm Hồng Hà 1 thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.
Có xuất phát điểm lập nghiệp gần giống như Quyết, anh Nguyễn Thành Hòa, xóm Hồng Hà 1 cũng có thời gian đi xuất khẩu lao động khá lâu tại Đài Loan. Năm 2009, khi thời điểm sinh vật cảnh đang ở vào thời kỳ “hoàng kim”, được gia đình động viên, Hòa về quê cùng với bố chăm sóc vườn cây cảnh trong nhà. Vốn chịu ảnh hưởng từ bố - một người chơi cây cảnh có tiếng ở Mỹ Tân, từ nhỏ Hòa đã thích trồng cây cảnh, theo bố đi cắt tỉa, tạo thế cho cây trong vườn nhà. Vì vậy, khi bắt tay vào công việc, Hòa không gặp nhiều bỡ ngỡ. Trên diện tích 1 mẫu đất đấu thầu, gia đình Hòa tập trung phát triển các loại sanh cảnh, tùng, lộc vừng. Ngoài ra, Hòa còn đầu tư trồng 5 sào hoa cúc. Hòa cho biết, năm 2015 từ vườn cây cảnh của gia đình, anh thu về 100 triệu đồng. Cây cảnh của Hòa được xuất đi nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó chủ yếu bán cây phôi.
 
Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm mô hình trồng hoa, cây cảnh đạt kinh tế cao của thanh niên xã Mỹ Tân. Với số lượng ĐVTN gần 2.700 người, trong đó có đến 1/3 thanh niên trong xã chọn nghề trồng hoa, cây cảnh để phát triển kinh tế gia đình. Ngoài việc tập trung vào trồng, kinh doanh các loại hoa như: cúc, ly, dơn, cát tường, các hộ còn khai thác giá trị kinh tế của các mặt hàng cây bon sai, các loại cây cảnh truyền thống như sanh, si, tùng… Vốn có lợi thế của vùng đất bãi bồi sông Hồng màu mỡ phì nhiêu, từ năm 2011, xã Mỹ Tân đã chuyển 123ha đất trồng màu sang trồng hoa, với giống chủ yếu là hoa cúc. Xã hiện có nhiều xóm trồng hoa nhưng tập trung chủ yếu ở xóm Hồng Hà 1 và 2. Theo thống kê tính toán bình quân mỗi sào trồng hoa chi phí đầu tư khoảng 5 triệu đồng, thu nhập khoảng 30 triệu đồng/vụ, cao gấp chục lần so với cấy lúa. Từ hiệu quả kinh tế trên, Mỹ Tân hiện có khoảng 150-200 mô hình thanh niên trồng hoa cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, trong đó có từ 5-7 mô hình trồng hoa, cây cảnh của thanh niên cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm.
 
Có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu như: mô hình trồng hoa cúc trên diện tích đất 2 mẫu của 2 anh em: Trần Thanh Hưởng, Trần Bá Thường hằng năm thu lãi 200-300 triệu đồng; mô hình trồng hoa cúc và bán cây mầm của anh Phan Doãn Lăng, cho thu nhập 200 triệu đồng/năm; Trần Như Chi, xóm Hồng Hà 2 chuyên giống cây mầm trên diện tích 1 mẫu đất cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng/năm… Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh là một hướng đi đúng đắn và có nhiều triển vọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của xã. Để nghề trồng hoa, cây cảnh ngày càng phát triển, chính quyền, tổ chức Đoàn sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay, hỗ trợ giống, quy hoạch đất đai… nhằm khuyến khích thanh niên phát triển kinh tế từ nghề trồng hoa, cây cảnh truyền thống. Bên cạnh đó, UBND xã, BCH Đoàn xã thường xuyên có những chương trình phối hợp với Hội Sinh vật cảnh của huyện, tỉnh mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới cho thanh niên, từ đó giúp thanh niên nâng cao tay nghề, kỹ năng, tiếp cận các xu hướng mới của thị trường”…
 
Từ vùng bãi bồi bị ngập úng, hiện nay trên nhiều cánh đồng xã Mỹ Tân đã hình thành được những cánh đồng hoa bát ngát, mang giá trị kinh tế cao. Góp phần làm thức dậy tiềm năng của đất đai, làng nghề có một phần đóng góp không nhỏ của những người trẻ tuổi năng động, dám nghĩ dám làm, khẳng định nỗ lực của thanh niên nông thôn trong công cuộc làm giàu, xây dựng quê hương./.
 
Bài và ảnh: Hoa Xuân


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com