Thành Nam - Diện mạo mới, sức bật mới

02:01, 31/01/2017

Diện mạo mới của đô thị xưa

 Những ngày giáp Tết Đinh Dậu 2017, đưa người bác đi xa lâu năm mới về dạo một vòng Thành phố Nam Định, bác tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi thấy sự đổi khác so với Thành Nam trong ký ức. Đứng ở đài phun nước trên đường Đông A bác trầm trồ ngỡ ngàng, nơi đây ngày xưa còn là khu đất ruộng, hoang sơ. Ai ngờ giờ xây dựng lên thành khu đô thị mới khang trang to đẹp thế… Bác xa thành phố từ khi còn phà Tân Đệ, ngày ấy đi lên mạn này, rồi xã Mỹ Tân thấy xa lắm. Nay về, không chỉ có Quốc lộ 10, cầu Tân Đệ lừng lững, mà con đê nhỏ xưa nơi trạm bơm Quán Chuột giờ đã là đường nhựa to đẹp, rồi cầu Tân Phong như còn thơm mùi nhựa mới nên bác thấy lạ với thành phố cũng phải. Tuyến đường nối cầu Tân Phong hoàn thiện không chỉ góp phần làm thay đổi diện mạo thành phố to hơn, rộng hơn và trẻ trung hiện đại hơn mà còn góp phần nối liền đường vành đai Thành phố Nam Định, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện giao thông di chuyển theo hướng từ các huyện Nam Trực, Cổ Lễ, Xuân Trường, Hải Hậu đi Thái Bình, Hải Phòng và theo chiều ngược lại sẽ rút ngắn được 10km so với trước kia. Đồng thời, giảm tải lưu lượng giao thông trên cầu Đò Quan và tăng cường phát huy hiệu quả khai thác tuyến Quốc lộ 10, Quốc lộ 21 và hệ thống giao thông liên vùng. Mang theo tình cảm và sự xúc động về sự đổi thay của nơi mình đã sinh ra và lớn lên, bác tôi còn được biết thêm nhiều điều về sự chuyển biến tích cực của đô thị trẻ khi có dịp trò chuyện, thăm hỏi những người bạn tuổi trung niên của mình, với gia đình họ hàng, với hàng xóm láng giềng nơi cư trú cũ…

Một góc Thành Nam.
Một góc Thành Nam.

Hơn 12 năm tập trung đầu tư, kiến thiết, phát triển kinh tế - xã hội, ngày 28-11-2011, từ đô thị loại II Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2016/QĐ-TTg công nhận Thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Trong 5 năm qua, Thành phố Nam Định tiếp tục có những bước chuyển quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành, phát triển của một đô thị trẻ. Thành phố Nam Định được Trung ương, tỉnh đầu tư cơ bản hệ thống hạ tầng giao thông, kết nối với hệ thống giao thông toàn quốc, gỡ “nút thắt” cản trở phát triển về vị trí địa lý. Hạ tầng đô thị được đầu tư đồng bộ, bộ mặt đô thị ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, nếp sống đô thị được từng bước nâng cao trong nhân dân thành phố. Phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng thành phố trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng”; trọng tâm là xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị được người dân thành phố tích cực hưởng ứng. Đến nay, thành phố duy trì tốt 130 tuyến phố đã được công nhận là tuyến phố văn minh đô thị và xây dựng thêm 3 tuyến phố để công nhận mới. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành được UBND thành phố và các phường, xã coi trọng đầu tư cả về cơ sở vật chất và tạo điều kiện cho cán bộ, công chức học tập nâng cao trình độ đã góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như tăng cường công tác giám sát cộng đồng từ phía người dân. Trong 5 năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, bưu điện, nhà văn hoá ở các xã ngoại thành được đầu tư, phát huy hiệu quả. Riêng năm 2016, trong công tác chỉnh trang đô thị, thành phố tiếp tục lựa chọn đầu tư có hiệu quả nguồn ngân sách; tập trung xây dựng hoàn thiện một số tuyến đường trục chính như: đường Trần Thánh Tông, đường Trần Bích San, đường nối Quốc lộ 10 với Đầm Bét, đường tây 38. Cơ bản hoàn thiện hạ tầng các Khu đô thị Hòa Vượng, Thống Nhất và xây dựng hạ tầng khu tái định cư Phúc Tân - Bãi Viên diện tích 32ha, khu tái định cư phường Cửa Nam diện tích 6ha. Nâng cấp hệ thống thoát nước cấp 1, cấp 2 và các ngõ, xóm; trong đó, ngầm hóa các tuyến mương nội thành qua các địa bàn phường Năng Tĩnh, Văn Miếu… Xây dựng các trạm y tế phường, nâng cấp hạ tầng trong các khu dân cư thu nhập thấp theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Nam Định đến năm 2025 và xây dựng Thành phố Nam Định thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, thành phố đã khẳng định được vai trò, chức năng là trung tâm vùng ở một số lĩnh vực, một số ngành công nghiệp; trung tâm đào tạo và trung tâm thể thao. Cùng với đó, nhiều chính sách ưu đãi của tỉnh đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển. Trong bối cảnh những tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu chưa giảm, thành phố vẫn duy trì phát triển sản xuất, đảm bảo tăng trưởng khá. Với 3 ngành công nghiệp trọng điểm là dệt may, cơ khí chế tạo - đóng tàu, sản xuất thuốc và hóa dược; Thành phố Nam Định đã cơ bản hoàn thành chức năng trung tâm vùng của một số ngành công nghiệp. Về chức năng trung tâm đào tạo, Thành phố Nam Định đã trở thành trung tâm nằm trong tốp 10 cả nước với 4 trường đại học, 5 trường cao đẳng, 11 trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, thu hút hơn 50 nghìn học sinh, sinh viên từ các tỉnh. Thành phố Nam Định đã chỉ đạo 5 xã ngoại thành nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng NTM, bảo đảm đúng kế hoạch đề ra. Theo đó, các xã Nam Vân và Lộc An về “đích” NTM trong năm 2016; các xã Nam Phong, Mỹ Xá, Lộc Hòa hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trong năm 2017.

Phát huy lợi thế tạo sức bật mới

Thành phố Nam Định nằm ở vị trí trung tâm của vùng Nam đồng bằng sông Hồng, có vị trí quan trọng và thuận lợi của vùng tam giác phát triển kinh tế Bắc Bộ, nơi tiếp giáp với nhiều đầu mối giao thông trong và ngoài tỉnh; cách Thủ đô Hà Nội 90km về phía Tây Bắc, cách cảng Hải Phòng 80km về phía Đông Bắc và nằm giữa các thành phố tỉnh lỵ như: Thái Bình (19km), Ninh Bình (28km), Phủ Lý (30km). Ngoài ra, Thành phố Nam Định cũng nằm trong vùng ảnh hưởng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và duyên hải Bắc Bộ. Do đó, Thành phố Nam Định có vị thế quan trọng trong trục hành lang phát triển kinh tế ven biển của vùng duyên hải Bắc Bộ. Các định hướng về phát triển hạ tầng kỹ thuật quốc gia, đặc biệt là giao thông có liên quan đến Nam Định cũng góp phần khẳng vị thế và vai trò của thành phố đối với chùm đô thị động lực phía Nam đồng bằng sông Hồng. Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Thành phố Nam Định tiếp tục bám sát các mục tiêu Nghị quyết số 06-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX, Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 1-7-2016 của UBND tỉnh Nam Định để tập trung xây dựng, phát triển Thành phố Nam Định, hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng (giai đoạn 2016-2020).

Để đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ được giao, từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng thành phố. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng thành phố trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng”; trọng tâm là xây dựng nếp sống “văn minh đô thị”, “văn hóa giao thông” thường xuyên liên tục; phát huy vai trò của người dân là chủ thể để xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp - văn minh, tiến tới hiện đại. Xây dựng đề án mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập 5 xã của huyện Nam Trực, 3 xã của huyện Vụ Bản và toàn bộ huyện Mỹ Lộc về Thành phố Nam Định để phấn đấu đến năm 2020, thành phố có không gian đô thị mở rộng theo Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Nam Định đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2084/QĐ-TTg ngày 22-11-2011, đảm bảo quy mô, không gian và các điều kiện đô thị trung tâm vùng. Lựa chọn các đơn vị tư vấn có uy tín (kể cả đơn vị tư vấn nước ngoài) rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch chung xây dựng thành phố có tầm nhìn dài hạn theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững và khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Tại các tuyến phố mới, khu đô thị mới từng bước xây dựng quy hoạch thiết kế đô thị. Xây dựng “Chương trình phát triển đô thị mở rộng trong giai đoạn 2016-2020” có sự gắn kết với các vùng phụ cận; cải tạo nâng cấp các khu đô thị cũ; xây dựng mới các khu đô thị hiện đại có kết cấu hạ tầng đồng bộ như: khu đô thị Dệt may, khu đô thị phía nam sông Đào…, hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật tại khu đô thị mới Thống Nhất, Mỹ Trung; khuyến khích, tạo điều kiện để tăng nhanh dân cư sinh sống tại các khu đô thị này. Nghiên cứu đầu tư xây dựng khu hành chính tổng hợp thành phố, một số công trình công cộng, thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí… Xác định trọng tâm, trọng điểm để xây dựng hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng vào năm 2020: một số ngành công nghiệp; ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ; thương mại; dịch vụ du lịch tâm linh, du lịch sinh thái; văn hóa; giáo dục - đào tạo chất lượng cao; một số môn thể thao thành tích có thế mạnh. Riêng đối với các ngành công nghiệp, sẽ rà soát quy hoạch phát triển CN-TTCN, đẩy mạnh xúc tiến và thu hút đầu tư, kêu gọi các dự án lớn, công nghệ cao, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách; lựa chọn dự án, phát triển một số ngành công nghiệp có thế mạnh (dệt may, cơ khí chế tạo, dược phẩm, chế biến gỗ, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao…). Trong đó, coi trọng xây dựng, quảng bá các thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm công nghiệp của tỉnh, thành phố có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Đẩy nhanh chuyển giao và hoàn thành xây dựng KCN Mỹ Trung; nghiên cứu, triển khai các thủ tục xây dựng KCN Mỹ Thuận để phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ. Xây dựng cơ chế để thu hút đầu tư các dự án thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao tại hai bên tuyến đại lộ Thiên Trường; khu đô thị thương mại dịch vụ nam sông Đào (đoạn giữa cầu Tân Phong và Quốc lộ 21 và đường Lê Đức Thọ), hai bên Quốc lộ 10 đoạn đi qua thành phố, đường nối cầu Tân Phong với Quốc lộ 10 và Quốc lộ 21… theo quy hoạch đã được phê duyệt. Thúc đẩy kinh tế phát triển gắn với kết cấu hạ tầng đô thị hiện đại; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân, phấn đấu cao hơn mức bình quân chung của cả nước và vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Nâng cao ý thức xây dựng nếp sống văn minh của người dân thành phố theo hướng xanh - sạch - đẹp, tiến tới hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị, an ninh trật tự./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com