Thành công của các mô hình khuyến công năm 2016

07:01, 12/01/2017
Năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ta tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 9,2%; tổng giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 43.230 tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm 2015; tổng giá trị hàng xuất khẩu ước 1.110 triệu USD, vượt kế hoạch và tăng 13% so với năm 2015. Để có được kết quả khả quan trên, ngoài các cơ chế, chính sách hỗ trợ quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương thực hiện quyết liệt công tác hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chương trình, đề án khuyến công. 
Sản xuất phương tiện vận tải thủy tại Cty TNHH Đóng tàu Việt Tiến, CCN Đóng tàu Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường).
Sản xuất phương tiện vận tải thủy tại Cty TNHH Đóng tàu Việt Tiến, CCN Đóng tàu Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường).
Để các chương trình, dự án từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh thực sự hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN nông thôn phát triển sản xuất, UBND tỉnh đã giao Sở Công thương phối hợp với các ngành chức năng nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tham mưu cho tỉnh ban hành “quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến công” (theo Thông tư số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18-2-2014 của liên bộ Tài chính - Công thương). Ngày 26-10-2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 35/2015/QĐ-UBND quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến công. Ngay từ đầu năm 2016, Sở Công thương đã phối hợp với UBND các huyện, Thành phố Nam Định nghiên cứu, đề xuất các biện pháp đổi mới phương thức thực hiện và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công. Sở Công thương đã giao Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp phối hợp với Phòng Công thương, Phòng Kinh tế các huyện và Thành phố Nam Định triển khai rà soát, xây dựng kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn thực hiện có hiệu quả các đề án dạy nghề cho lao động nông thôn; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức… Quyết định của UBND tỉnh tạo hành lang pháp lý để ngành Công thương đổi mới thực hiện có hiệu quả hơn nữa hoạt động khuyến công, trong đó nổi bật là nâng mức hỗ trợ cho các chương trình, đề án khuyến công. Cụ thể nâng mức hỗ trợ tối đa từ 250 triệu đồng/mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới lên mức 400 triệu đồng/mô hình. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng quyết định hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/đề án ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Trong năm 2016,  UBND tỉnh đã phê duyệt 3 đợt hỗ trợ kinh phí cho 22 chương trình, đề án khuyến công với tổng số tiền là trên 1 tỷ 237 triệu đồng. Điểm nhấn của công tác khuyến công năm 2016 là các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới: tủ hấp, nấu cơm công nghiệp tại cơ sở sản xuất Nguyễn Thế Chiều, xã Liêm Hải (Trực Ninh); sản xuất các sản phẩm bỉm giấy, tã giấy của Cty CP Thương mại Chiềng Mai, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc); sản xuất cửa ca-bin phương tiện vận tải thủy của Cty TNHH Việt Tiến, CCN Đóng tàu Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường) và sản xuất tôn ép xốp chất lượng cao của Cty CP Vật tư kim khí Tùng Nam, Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) với mức hỗ trợ tối đa 400 triệu đồng/mô hình. Cty TNHH Việt Tiến là doanh nghiệp có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy có tải trọng lên đến 3.500 tấn; tạo việc làm thường xuyên cho trên 100 lao động. Trước đây do không đủ thiết bị nên cửa ca-bin tàu thủy thường phải mua từ Hải Phòng, khi đưa về lắp ráp thường phải tốn nhân công để chỉnh sửa mới lắp được hoàn chỉnh nên vừa kéo dài thời gian, vừa tốn kém chi phí ở mỗi hợp đồng. Từ năm 2014, Cty đã quyết định đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến để sản xuất một số linh phụ kiện của tàu thủy nhằm giảm giá thành sản phẩm, giảm một số lượng lớn nhân công không cần thiết trong các khâu sản xuất. Cty đã đầu tư trên 8,5 tỷ đồng trang bị hệ thống máy ép thủy lực vạn năng (trọng lực ép 6.000 tấn, ép được các loại cửa có độ dày từ 3-8mm), tổng bơm thủy lực vạn năng, ben thủy lực và khuôn mẫu để chuyên sản xuất sản phẩm cửa ca-bin tàu thủy. Đây là sản phẩm mới dùng để lắp cho ca-bin các phương tiện vận tải thủy của Cty, đồng thời cung cấp cho các doanh nghiệp đóng tàu thủy trên địa bàn chưa có năng lực để đầu tư máy móc thiết bị sản xuất sản phẩm này. Hiện tại, mỗi năm Cty sản xuất được từ 400-420 tấn cửa ca-bin phương tiện vận tải thủy, tạo việc làm thêm cho 10 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Cùng với việc đầu tư sản xuất thành công sản phẩm cửa ca bin tàu thủy, năm 2016, Cty đã hoàn thành đóng mới 20 phương tiện (tàu cá, tàu hàng); tổng doanh thu đạt trên 340 tỷ đồng. Từ năm 2009 đến nay, các sản phẩm máy chế biến thực phẩm (máy làm bún, máy tráng bánh phở, máy tráng bánh cuốn, máy xay gạo, máy ép ly tâm) của cơ sở sản xuất Nguyễn Thế Chiều đã được thị trường tín nhiệm và tiêu thụ tốt với sản lượng gần 400 chiếc/năm. Năm 2016, cơ sở đã nghiên cứu, sản xuất thành công sản phẩm tủ hấp, nấu cơm công nghiệp phục vụ cho các doanh nghiệp có số lượng lao động lớn với những ưu điểm: buồng hấp thụ gas bằng i-nốc 304, hấp thu đến 90% lượng nhiệt, tiết kiệm đến 40% lượng nhiên liệu tiêu thụ. Tủ hấp, nấu cơm công nghiệp của cơ sở Nguyễn Thế Chiều có 12 khay, công suất tối đa 40kg thực phẩm (gạo, mì, thịt…) trong vòng từ 30-40 phút đảm bảo phục vụ được từ 230-250 suất ăn công nghiệp cùng lúc. Sau khi nghiên cứu thành công, cơ sở Nguyễn Thế Chiều đã đầu tư trên 5 tỷ đồng trang bị các loại máy móc để mỗi năm sản xuất được 50 sản phẩm tủ hấp, nấu cơm công nghiệp, tạo thêm việc làm cho 35-40 lao động với mức thu nhập bình quân đạt trên 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, nhiều Cty, hộ cá thể đã được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí chuyển giao công nghệ sản xuất tiên tiến như: đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất: khuôn mẫu của Cty TNHH Mai Văn Đáng, KCN Hòa Xá; màng nhựa mỏng (dùng trong các khâu sản xuất của ngành may công nghiệp) của Cty TNHH Thanh Ngân, xã Lộc An (TP Nam Định); bu-lông của Cty TNHH Vinh Thực, CCN Đồng Côi, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực); sản xuất than củi trấu của cơ sở sản xuất Quang Hạnh, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng)… với mức từ 150-200 triệu đồng/đề án. 
 
Với mức hỗ trợ được nâng lên, hình thức hỗ trợ đa dạng theo chỉ đạo của UBND tỉnh đã khuyến khích các doanh nghiệp, hộ sản xuất có điều kiện đầu tư hoàn thiện hệ thống máy móc, thiết bị sản xuất và tổ chức hội nghị trình diễn kỹ thuật sản xuất các sản phẩm mới đảm bảo các yếu tố: thiết thực, đảm bảo chất lượng, được thị trường chấp nhận và tiêu thụ tốt. Nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh đã tạo động lực thiết thực thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN đầu tư thiết bị, dây chuyền, đổi mới công nghệ sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, tạo thêm việc làm mới và thu nhập cho nhiều lao động nông thôn./.
 
Bài và ảnh: Thành Trung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com