Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi

07:01, 05/01/2017
Năm 2016, ngành chăn nuôi của tỉnh duy trì tốc độ phát triển ổn định, chất lượng sản phẩm động vật phục vụ tiêu dùng ngày một nâng cao, giá sản phẩm chăn nuôi cao, đặc biệt chăn nuôi lợn, đảm bảo có lợi cho người sản xuất. Nhiều hộ chăn nuôi đã tích cực đầu tư xây dựng chuồng trại, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ, đưa con giống chất lượng cao vào sản xuất. Tổng đàn lợn của tỉnh đạt gần 784 nghìn con, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt trên 145 nghìn tấn; tổng đàn trâu, bò đạt 39 nghìn con, sản lượng thịt trâu, bò đạt 3.807 tấn; đàn gia cầm đạt 7,7 triệu con, tổng sản lượng thịt gia cầm ước đạt 19 nghìn tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt trên 277 triệu quả. Góp phần không nhỏ cho kết quả trên là công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi được tăng cường.
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm tra một cửa hàng kinh doanh thuốc thú y ở xã Liêm Hải (Trực Ninh).
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm tra một cửa hàng kinh doanh thuốc thú y ở xã Liêm Hải (Trực Ninh).
Nhờ làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp; sự phối hợp, hỗ trợ của các chương trình dự án và nhận thức của người chăn nuôi ngày một nâng cao nên tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi đã từng bước được cải thiện. Tổng số công trình bi-ô-ga trên địa bàn tỉnh đạt trên 15 nghìn công trình. Ngoài việc xây lắp các công trình bi-ô-ga, các hộ chăn nuôi còn áp dụng các biện pháp khác để xử lý chất thải, bảo vệ môi trường như làm đệm lót sinh học, làm phân bón cho cây trồng, làm thức ăn cho cá, sử dụng chế phẩm sinh học… Sở NN và PTNT phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, các quy định của Nhà nước về lĩnh vực chăn nuôi, thú y. Tổ chức 168 cuộc hội thảo, tập huấn phổ biến Luật Thú y, hướng dẫn quy trình chăn nuôi an toàn, biện pháp phòng, chống dịch bệnh, cách sử dụng thuốc thú y an toàn, hiệu quả, hướng dẫn xử lý chất thải trong chăn nuôi, tuyên truyền không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi… cho 8.768 lượt người. In 11.300 tờ rơi tuyên truyền, phổ biến tới hộ chăn nuôi, hộ kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, hộ giết mổ gia súc, gia cầm. Yêu cầu 10.574 hộ chăn nuôi, hộ kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi ký cam kết không sử dụng, kinh doanh chất cấm trong chăn nuôi. Do số lượng điểm giết mổ nhỏ lẻ quá lớn (trên 2.000 điểm) nên hiện tại cơ quan chuyên ngành chưa tổ chức thực hiện được việc kiểm soát toàn diện hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm. Trong điều kiện đó, Sở NN và PTNT chỉ đạo tổ chức thực hiện việc quản lý giết mổ nhỏ lẻ: chủ động phối hợp với các địa phương, các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y đối với hộ kinh doanh, giết mổ động vật; phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung theo nội dung Quyết định số 72/QĐ-UBND ngày 20-1-2015 của UBND tỉnh. Trong công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực chăn nuôi, đồng chí Nguyễn Trọng Tấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, cơ sở sản xuất giống, cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm… Đồng thời phối hợp với thanh tra Sở NN và PTNT thực hiện thanh tra chuyên ngành lĩnh vực chăn nuôi, thú y trên địa bàn tỉnh. Kết quả đã thực hiện 3 đợt thanh tra tại 60 cơ sở, lấy 13 mẫu thuốc thú y gửi kiểm tra chất lượng, phát hiện 3 sản phẩm thuốc thú y của Cty CP Thuốc thú y Marphavet; Cty CP Thiên Quân; Cty TNHH Thuốc thú y Bình Minh không đảm bảo hàm lượng theo đăng ký đã xử phạt vi phạm hành chính gần 44,8 triệu đồng. Tiến hành 4 đợt kiểm tra 329 cơ sở gồm: 162 cơ sở chăn nuôi, 26 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, 18 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, 82 cơ sở giết mổ, 6 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, 35 cơ sở sản xuất, kinh doanh tổng hợp. Lấy 311 mẫu (265 mẫu nước tiểu, 29 mẫu thức ăn chăn nuôi, 17 mẫu thịt lợn). Qua kiểm tra phát hiện 1 sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chứa chất cấm Salbutamol và tiêu hủy 1.375kg thức ăn chăn nuôi có chứa chất cấm; xử lý tiêu hủy 15 sản phẩm thuốc thú y hết hạn sử dụng với tổng số 590 lọ và 644 gói thuốc tại 2 cửa hàng kinh doanh thuốc thú y. Ngoài ra Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cấp phát 100 test cho các huyện, thành phố thực hiện kiểm tra chất cấm Salbutamol, kết quả tất cả các test đều âm tính. Chi cục thẩm định, cấp giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y cho 85 cơ sở (37 cơ sở giết mổ, 6 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, 8 cơ sở chăn  nuôi, nuôi trồng thủy sản, 34 cơ sở sơ chế, bảo quản, kinh doanh sản phẩm động vật); cấp 46 chứng chỉ hành nghề kinh doanh thuốc thú y, 151 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc thú y. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi vẫn còn gặp những hạn chế, khó khăn. Sản xuất con giống của tỉnh còn hạn chế, chưa chủ động được đủ nhu cầu con giống nên người chăn nuôi phải nhập con giống từ nơi khác về, trong đó có cả con giống không rõ nguồn gốc, có nguy cơ làm phát sinh dịch bệnh. Chưa tổ chức thực hiện được kiểm soát giết mổ động vật, tiến độ triển khai xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung còn chậm. Hình thức chăn nuôi vẫn chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán theo hướng tự phát, do vậy công tác quản lý đàn vật nuôi còn gặp nhiều khó khăn. Chuồng trại của các hộ nuôi lẻ xây dựng không đúng quy định, nằm trong khu dân cư, không đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường.
 
Thời gian tới, Sở NN và PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Thú y, Nghị định của Chính phủ, các thông tư quy định về công tác chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho động vật nuôi tới toàn thể nhân dân, lãnh đạo chính quyền cơ sở, người hành nghề chăn nuôi, thú y; kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm… Hướng dẫn các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch và thực hiện đúng các quy hoạch về chăn nuôi, xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; khuyến khích, tạo điều kiện chuyển đổi chăn nuôi nhỏ lẻ kém hiệu quả sang chăn nuôi quy mô trang trại trong khu quy hoạch. Thực hiện tốt công tác quản lý đàn vật nuôi trên địa bàn, nhất là đàn giống của tỉnh; thực hiện thống kê, lập danh sách quản lý trang trại chăn nuôi, cơ sở kinh doanh con giống. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm; tăng cường công tác quản lý sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi; tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhất là vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường, làm lây lan dịch bệnh… Tuyên truyền, hướng dẫn các trang trại chăn nuôi thực hiện xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, thực hiện chăn nuôi an toàn theo VietGAHP; khuyến khích, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi trong việc phát triển kinh tế gia đình phải gắn với xử lý tốt chất thải trong chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com