Công nghiệp chế biến nông sản có vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp bởi sẽ giúp nâng cao giá trị nông sản… Sau dồn điền đổi thửa, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa và chuyên canh cao như: vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao được quy hoạch ở tất cả các chân ruộng 2 vụ lúa chủ động nước; vùng sản xuất khoai tây tập trung; vùng sản xuất rau; vùng trồng lạc; vùng trồng cà chua… với tổng sản lượng từ 900 nghìn đến 1 triệu tấn/năm. Đó là những tiềm năng, lợi thế lớn để ngành công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh ta mở rộng và phát triển.
|
Sản xuất và đóng gói sản phẩm gạo sạch tại Cty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên). |
Trước đây, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: lúa, ngô, lạc, cà chua, rau màu... sau khi thu hoạch, ngoài số lượng bán được ngay, số còn lại chủ yếu chỉ được sơ chế phơi khô rồi đóng bao và tích trữ theo phương pháp lạc hậu gây ảnh hưởng đến chất lượng, sản lượng, thời gian bảo quản sản phẩm ngắn. Từ năm 2013 đến nay, cùng với sự quan tâm tạo điều kiện về cơ chế chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, ngành công nghiệp chế biến nông sản đã có bước phát triển mạnh. Số lượng doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển sản xuất trong lĩnh vực chế biến nông sản sau thu hoạch đã tăng qua từng năm, phân bố rộng khắp ở nhiều địa phương như: Thành phố Nam Định và các huyện: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy… với đa dạng sản phẩm từ: lúa, ngô, khoai… Năm 2010 Cty CP Thương mại Hương Giang triển khai dự án xây dựng nhà máy chế biến gạo xuất khẩu với dây chuyền hiện đại, khép kín công suất đạt 4,3-4,5 tấn gạo/giờ, tổng kinh phí hơn 17 tỷ đồng trên diện tích 1,1ha tại KCN Hòa Xá (TP Nam Định). Đầu năm 2012, Cty tiếp tục đầu tư hơn 2 tỷ đồng mua máy tách màu để loại bỏ hạt vàng, hạt đen kém chất lượng. Bên cạnh đó, Cty xây dựng quy trình chế biến gạo xuất khẩu chất lượng cao với hệ thống kiểm soát chất lượng chặt chẽ từng khâu, từ đầu vào đến đầu ra. Trong quá trình chế biến gạo, một nguồn phế liệu lớn là vỏ trấu, trước đây chỉ làm nguyên liệu trồng nấm và làm chất đốt phục vụ sinh hoạt của người dân. Cty đã đầu tư thiết bị, công nghệ tiên tiến nghiền trấu thành chất phụ gia cho ngành chế biến thức ăn gia súc, vừa đem lại giá trị kinh tế vừa giải quyết được vấn đề môi trường. Do được đầu tư những thiết bị sản xuất hiện đại như: sàng tạp chất, sàng phân ly 8 lớp, hệ thống hút bụi, thổi trấu Airlock; máy xát trắng, sàng đảo; hệ thống sấy ủ… nên sản phẩm có độ bóng rất đều và đẹp, gạo không bị gãy nát, tỷ lệ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Năm 2016, Cty đã sản xuất, tiêu thụ 5.000 tấn cám, gần 20 nghìn tấn gạo các loại, tạo việc làm ổn định cho 50 công nhân với mức thu nhập bình quân hằng tháng đạt từ 4 triệu đồng/người. Cty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên) là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh đầu tư xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo an toàn tại tỉnh ta. Để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, ngay từ đầu vụ xuân năm 2016, được sự hỗ trợ của Sở NN và PTNT, Cty đã đàm phán và ký hợp đồng xây dựng chuỗi liên kết với 10 HTX và một số hộ nông dân trên địa bàn tỉnh tập trung ở các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy… Đến nay, sau 2 vụ sản xuất, Cty đã ký kết hợp đồng sản xuất với tổng diện tích trên 400ha ở 17 HTX và 7 hộ nông dân. Sau khi đảm bảo được nguồn cung ổn định, Cty đã đầu tư trên 20 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà xưởng, kho hàng khép kín, đảm bảo tiêu chuẩn sạch để bảo quản lúa - gạo gồm lò sấy sử dụng công nghệ máy sấy vỉ ngang hiện đại, công suất 200 tấn/mẻ; 400 tấn/ngày. Thóc khô được chế biến thành gạo trên dây chuyền bóc vỏ, xay xát hiện đại nhất Đông Nam Á đảm bảo giữ được dưỡng chất tối đa cho người tiêu dùng, việc xay xát không được bóc vỏ cám quá mức sẽ làm mất đi lượng vitamin A có trong lớp vỏ cám của gạo. Trên bao bì mỗi sản phẩm đều in đầy đủ ngày sản xuất và hạn sử dụng để người tiêu dùng kiểm tra thông tin khi mua hàng. Hiện sản phẩm gạo sạch mang thương hiệu “Toản Xuân” của Cty đã đưa ra thị trường và được người tiêu dùng đón nhận. Ngoài các doanh nghiệp chế biến lúa gạo, trong các năm 2015, 2016 trên địa bàn tỉnh ta còn phát triển thêm được một số doanh nghiệp tham gia chế biến các sản phẩm nông sản chủ lực khác như: ngô, khoai lang, khoai tây… như các Cty: TNHH một thành viên Minh Dương, CCN An Xá (TP Nam Định); TNHH Thương mại Thành Nam, Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng)… Năm 2015, Cty TNHH Minh Dương đầu tư trên 10 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà xưởng trang bị công nghệ sấy chân không với hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại như: kho lạnh cấp đông bảo quản nguyên liệu theo đúng quy trình kỹ thuật, dây chuyền sấy chân không, đóng gói... thực hiện khép kín từ nguyên liệu đầu vào đến hoàn thiện sản phẩm, chuyên chế biến các sản phẩm rau, củ, quả sấy ăn liền như: ngô sấy, khoai tây sấy, hạt điều, cà chua, mít… Với công nghệ sản xuất tiên tiến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất nên thành phẩm đầu tiên ngô nếp sấy xuất xưởng đã đạt những ưu điểm vượt trội như: giòn xốp, độ thẩm thấu dầu thấp; không đổi màu, không caramel hóa, giữ được màu, mùi vị tự nhiên của thực phẩm và đặc biệt là không bị vi khuẩn xâm nhập trong suốt quá trình chế biến. Công suất trung bình của hệ thống sơ chế khoai tây, ngô nếp… là 4-5 tấn/ngày, tổng công suất 1 tháng là 110-130 tấn. Để đảm bảo nguồn cung ứng nguyên liệu ổn định, vụ đông năm 2016, Cty đã ký hợp đồng với HTXNN Bảo Xuyên, xã Liên Bảo (Vụ Bản) trồng 17ha ngô nếp giống HN88. Dự kiến trong năm 2017, Cty tiếp tục mở rộng thêm khoảng 50ha vùng cung ứng nguyên liệu ngô nếp tại các xã Tam Thanh (Vụ Bản); Yên Đồng (Ý Yên). Năm 2016, tổng sản lượng của Cty đạt 130 tấn, tổng doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng, tạo việc làm cho 30 lao động với mức lương từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Theo tính toán của chuyên gia kinh tế thì mỗi sản phẩm hàng hóa chế biến từ nguồn nông sản tại chỗ do địa phương sản xuất góp phần ổn định sản xuất và nâng lãi suất lên 300% so với việc bán nguyên liệu thô. Phát triển chế biến nông sản còn là giải pháp hữu hiệu góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, các doanh nghiệp chế biến nông sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình đầu tư sản xuất như: mặt bằng, nguồn vốn đầu tư và nhất là nguồn nguyên liệu ổn định để sản xuất… Những khó khăn này rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng, người dân khu vực đặt cơ sở chế biến và sự hợp tác của bà con nông dân vùng nguyên liệu sản xuất./.
Bài và ảnh:
Thành Trung