Nông dân Mỹ Hà phát triển kinh tế trang trại, gia trại

08:01, 03/01/2017
Những năm qua, Hội Nông dân (HND) xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) đã tổ chức vận động hội viên nông dân trong xã thành lập tổ các mô hình kinh tế trang trại, gia trại nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai,  kỹ thuật, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập giảm nghèo bền vững.
 
Hiện nay ở Mỹ Hà đã hình thành nhiều mô hình trang trại như: trang trại trồng trọt kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm; trang trại nuôi thuỷ sản nước ngọt, trang trại VAC... tập trung ở khu vực đồng Lướt, đồng Vu... Việc hình thành nhiều mô hình trang trại đã góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác và sử dụng đất trống, ao, hồ, đầm, bãi bồi ven sông… để sản xuất nông, ngư nghiệp theo hướng chuyên canh sản xuất hàng hoá. Để thực hiện mô hình này, HND xã đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm khai thác tối đa tiềm năng đất đai, nhân lực, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Phối hợp với Ban Nông nghiệp, HTX đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi và nuôi thủy sản. Trên cơ sở diện tích 60ha đất trũng cấy lúa kém hiệu quả, UBND xã đã quy hoạch để chuyển đổi sang phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp. Với sự hỗ trợ của HND và chính quyền địa phương, nhiều hộ đã đấu thầu và thuê đất để phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Điển hình như hộ anh Trần Văn Quyên, xóm 1 là một trong những trang trại có quy mô lớn nhất của vùng chuyển đổi với diện tích 1,4ha. Nói chuyện với chúng tôi, anh Quyên cho biết, ngay sau khi có mặt bằng tổng thể, anh đã đầu tư đào ao, đắp bờ, xây dựng chuồng trại. Với 5 ao có tổng diện tích mặt nước 1ha, anh nuôi các giống cá truyền thống như: trắm, trôi, chép, mè… Mỗi năm gia đình anh xuất bán ra thị trường trên 8 tấn cá thương phẩm, doanh thu đạt 800-900 triệu đồng. Ngoài ra, trang trại của anh còn thường xuyên nuôi 30 con lợn nái kết hợp trồng cây cảnh và một số loại cây ăn quả… Ước tính, mỗi năm từ mô hình chuyển đổi, gia đình anh có thu nhập 200-300 triệu đồng. Còn đối với hộ gia đình anh Trần Nga, ở xóm 14, sinh ra và lớn lên ở vùng quê thuần nông, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh về quê phát triển kinh tế. Được sự hỗ trợ của HND xã và chính quyền địa phương, năm 2012, anh quyết tâm đầu tư xây dựng mô hình kinh tế trang trại VAC trên diện tích hơn 1ha để chăn nuôi lợn, gà, nuôi cá truyền thống và trồng cây lâu năm như chuối goòng, trồng rau sạch… Đến nay, với sự cần cù, chịu khó, gia đình anh đã có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm. Đến tham quan mô hình trang trại nhà ông Trần Công Lộc với quy mô được mở rộng hơn 6.000m 2. Ông Lộc cho biết, để xây dựng trang trại, ông quy hoạch hơn 3.000m 2 đầu tư chăn nuôi gà theo mô hình liên kết với doanh nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP; diện tích còn lại ông đầu tư đào ao nuôi cá trắm đen, mỗi năm thu nhập từ 350-400 triệu đồng. Không những làm kinh tế giỏi, ông Lộc còn tích cực vận động mọi người cùng phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Đồng thời giúp đỡ các thành viên trong tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản về giống, vốn, kỹ thuật sản xuất trong chăn nuôi.
 
Đến nay, trên địa bàn xã đã có 120 trang trại, gia trại; trong đó 12 trang trại đạt tiêu chí do Bộ NN và PTNT quy định. Tổng đàn lợn của xã ước đạt trên 4.000 con; tổng đàn gà, vịt là 25.800 con. Tổng diện tích nuôi thủy sản của xã được mở rộng lên trên 60ha, chủ yếu là nuôi cá truyền thống, sản lượng cá ước đạt 300 tấn/năm. Để phát triển chăn nuôi hợp lý, HND xã đã phối hợp, hướng dẫn các hộ gia đình từng bước ứng dụng công nghệ, quy trình chăn nuôi sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Khuyến khích các hộ gia đình thực hiện liên kết trong chăn nuôi, từ việc trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm đến việc liên kết tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, ngăn ngừa cạnh tranh không lành mạnh. Trong quá trình nuôi, các hộ đều thực hiện đầy đủ các quy trình, nguyên tắc kỹ thuật. Thực hiện nghiêm việc tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và phun thuốc khử trùng, tiêu độc chuồng trại theo đúng hướng dẫn kỹ thuật của ngành chức năng. Vì vậy, đàn gia súc, gia cầm, thủy cầm của xã luôn được đảm bảo an toàn, không bị nhiễm dịch bệnh, Mỹ Hà đã trở thành vùng cung cấp thủy sản cho thị trường Thành phố Nam Định và nhiều địa phương trong khu vực. 
 
Nhờ tập trung phát triển kinh tế trang trại, gia trại nhiều hộ gia đình trong xã đã thoát nghèo, có hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Kinh tế trang trại, gia trại từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, khẳng định sự đúng đắn, kịp thời của chủ trương khuyến khích, đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt trên 27 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,94% xuống còn 2,91%.
 
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Đức Sáng, Chủ tịch HND xã Mỹ Hà cho biết, HND xã xác định vận động nông dân đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Trong thời gian tới HND xã Mỹ Hà tiếp tục vận động nông dân đẩy mạnh phát triển kinh tế mô hình trang trại, gia trại; thành lập tổ hợp tác nuôi thủy sản góp phần thực hiện đồng bộ giải pháp về giống, kỹ thuật, phương thức tổ chức sản xuất; nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho các hộ gia đình hội viên góp phần cùng với Đảng bộ và nhân dân Mỹ Hà hoàn thành mục tiêu xây dựng xã NTM trong năm 2017./.
 
Hoàng Tuấn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com