Nhọc nhằn nghề bán cây cảnh rong

10:01, 06/01/2017

Hằng ngày, bắt đầu từ khoảng 8h sáng các khu vực đường Mạc Thị Bưởi, đường Hàn Thuyên, đường Trần Phú (TP Nam Định)… đã xuất hiện những xe cây cảnh bán rong của bà con nông dân vào thành phố buôn bán. Hàng hóa đơn giản, dăm cây hoa giấy, vài cây nguyệt quế, phong lan, ít cây cảnh để bàn loại “mi ni”, ngày nắng cũng như mưa, những người bán cây cảnh dạo đang cố bám trụ vào phố phường để kiếm sống.

Một buổi sáng mát mẻ, giữa sự tấp nập của dòng người qua lại trên đường Trần Phú, chị Đặng Thị Tươi, huyện Vũ Thư (Thái Bình) vừa tranh thủ giới thiệu hàng với khách đến xem cây vừa trò chuyện cùng chúng tôi: “Xã tôi vốn có truyền thống làm cây cảnh, nhà nhà đều kinh doanh, buôn bán hoa, cây cảnh. Ngoài bán cất tại nhà, hằng ngày tôi đi bán dạo thêm kiếm tiền nuôi con cái học hành, chi phí sinh hoạt. Hầu hết những người bán cây cảnh rong tại Thành phố Nam Định đều là dân các vùng trồng hoa, cây cảnh từ Thái Bình sang. Mặc dù được giá hơn bán cất tại nhà nhưng nói chung khi chúng tôi đi bán rong, yếu tố rủi ro vẫn cao hơn và đương nhiên là rất vất vả”. Nói đến những nghề khó nhọc thì bán cây cảnh rong là một trong số đó”. Hàng hóa cồng kềnh, nặng nề, người bán còn không có một chỗ bán hàng ổn định. Họ thường chở theo một xe cây nặng, luồn lách khắp nơi vào những ngõ phố để bán. Khác với loại cây cảnh được bán tại vườn, cây cảnh của những người đi bán rong, bán dạo thường là loại nhỏ, giá trị kinh tế không cao độ vài trăm nghìn trở lại. Thậm chí có những cây có mức giá chỉ từ 10 nghìn đồng. Nguyên nhân là những người bán hàng rong không có vốn để lấy những loại cây đắt tiền. Một nguyên nhân khác nữa là đối tượng họ hướng đến thường là khách hàng bình dân. Những người cần cây cảnh trang trí, tạo màu xanh trên ban công hoặc trong nhà. Cũng có người mua để trồng trong góc vườn nhỏ xinh của gia đình. “Nhà nào ở phố dường như cũng có nhu cầu sử dụng cây xanh, không ít thì nhiều. Bởi thế mà chúng tôi có “đất” sống, buôn bán. Bây giờ không ít người còn trồng cả cây ớt cảnh, ớt ăn, chanh, khế, ổi, rau thơm… vừa để làm cảnh lại vừa có thể dùng làm gia vị, rất tiện”, chị Tươi vui vẻ nói. Khác với các chủ nhà vườn, thường có kiến thức sâu rộng về các loại cây, thế cây, người bán rong cây cảnh không cần có quá nhiều hiểu biết về cây cảnh. “Làm nghề này không cần phải có nhiều vốn liếng, học thức, chỉ cần có một chút hiểu biết về nghệ thuật chơi cây cảnh, có sức khoẻ, cần cù, chịu khó là có thể buôn bán được”, chị Tươi cho biết thêm. Tuy nhiên, nhiều người bán rong cũng cho biết, muốn bán hàng tốt họ phải hiểu tâm lý của đối tượng khách mà mình hướng đến. Để phục vụ người lớn tuổi thì phải chịu khó lặn lội đi sâu vào các ngõ ngách, các khu chợ cóc, chợ tạm. Vì người dân tiện gần nhà thì mua luôn về trồng. Một số người còn chia sẻ, nghề bán rong cây cảnh cũng phải tạo mối quen. Nhớ nhà và tên của người từng mua hàng để thi thoảng đi qua mời mua hoặc nhờ giới thiệu thêm cho họ hàng, bạn bè cùng mua… Rất nhiều hộ dân có nhu cầu trồng nhiều loại cây nhưng ngại đi xa nên khi nhìn thấy người bán hàng rong vào mời chào tận ngõ sẽ sẵn sàng mua. Đấy là những “chiêu thức” để giữ khách mà ai bán cây cảnh dạo cũng nằm lòng.

Một “điểm” bán cây cảnh rong trên đường Phạm Hồng Thái (TP Nam Định).
Một “điểm” bán cây cảnh rong trên đường Phạm Hồng Thái (TP Nam Định).

Thông thường, người bán cây cảnh rong thường đi theo nhóm. Sau khi chở cây về thành phố, họ sẽ chia ra các khu vực để bán rồi cuối ngày tập hợp vào chỗ hẹn để cùng về. Mặc dù vất vả nhưng theo nghề này, đa số đều là phụ nữ. Cũng như những nghề bán dạo khác, nghề bán cây cảnh rong cũng có nhiều buồn vui. Vui nhất đương nhiên là bán được hàng. “Một cây sứ Nhật Bản loại nhỏ lấy giá 100 nghìn đồng, có khi chị bán được 150 nghìn đồng. Một cây thiên tuế loại vừa, lấy giá 145 nghìn đồng, bán được 200 nghìn đồng. Cây hoa giấy loại nhỡ có giá gốc 200 nghìn đồng, chị bán được 300 nghìn đồng… Sau một ngày vất vả, ngược xuôi, trừ tiền xăng xe, ăn uống chị cũng để dành ra được từ 150-200 nghìn đồng. Hôm nào may mắn có thể hơn. Cũng có hôm “ế” lại gặp được khách quen là một bác về hưu tốt bụng. Bác hỏi thăm, sau mua cho vài cây nho nhỏ chống ế cũng thấy vui vui”, chị Tươi cho biết. Tuy nhiên, không ít những ngày người bán cây cảnh rong lâm vào tình trạng hẩm hiu. Đặc biệt là những ngày thời tiết khắc nghiệt như mưa hoặc nóng quá. Xuôi ngược qua rất nhiều con ngõ, những khu nhà mới xây dựng, tiêu tốn khá nhiều tiền xăng mà chẳng bán được cây nào. Đến cuối ngày lại phải mang theo xe hàng nặng trở về. Trời tạnh ráo còn đỡ, gặp hôm trời mưa to gió lớn, cây cối rũ rượi, chẳng ai hỏi đành phải mang về chăm sóc chờ ngày phục hồi lại… Anh Nguyễn Văn Khải, một người bán cây rong đứng trên đường Mạc Thị Bưởi tâm sự: “Việc đi bán rong vốn đã vất vả nên chỉ mong buôn bán thuận lợi. Nếu cuối ngày, xe còn nặng, cây còn nhiều thì chúng tôi buồn lắm. Nhưng đã theo nghề thì phải làm, phải chịu khó để kiếm tiền nuôi gia đình. Tôi nói thật, nhiều chuyến lỗ chẳng đủ bù tiền xăng”. Đó là chưa kể đến những “tai nạn” hay xảy ra với người đi bán cây cảnh rong như chở hàng cồng kềnh dẫn đến va quệt, tai nạn giao thông trên đường đi. Chỉ một chiếc xe máy, hay ô tô đâm vào, thì cả xe cây cảnh sẽ đổ, dập nát, hoặc vỡ bầu đất, thiệt hại gần như toàn bộ chuyến đi. Những lần bị phạt do đứng sai địa điểm bán hàng. Những ngày mưa gió phải bán tống bán tháo để kịp về nhà...

Lam lũ, nhọc nhằn kiếm sống, dầm mưa dãi nắng để nuôi gia đình, con cái học hành, người bán cây cảnh rong cũng nhiều nỗi niềm. Giữa phố phường ồn ào, giữa nhịp sống bận rộn, những xe cây xanh tươi, nở bung sắc hoa rực rỡ. Nghề bán cây cảnh rong cũng đang góp phần mang lại một nguồn thu nhập không nhỏ cho những người nông dân và còn tạo nên những sắc thái cho phố phường./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com