“Trong làn nắng ửng khói mơ tan/Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng/Sột soạt gió trêu tà áo biếc/Trên giàn thiên lý bóng xuân sang” (Hàn Mặc Tử). Xuân đã về muôn nơi, trời đất bao la đang chuyển mình, từng làn gió xuân mơn chớn trên những cành lộc non, hương vị Tết đang dần len lỏi trong từng ngóc ngách ngõ phố đến những con đường làng làm lòng người nôn nao, háo hức một cảm giác khó tả! Không gì hạnh phúc bằng niềm vui sum họp quây quần bên gia đình trong thời khắc đất trời chuyển mình. Thế nhưng, ở ngoài khơi xa, nơi biển bạc bao la vẫn có những ánh mắt của ngư dân đang dõi về “hậu phương”, về mái ấm nơi đất liền, và có biết bao nhiêu trái tim đang rung lên những nhịp đập yêu thương nhung nhớ của những người đi biển ngày Tết!
Không khí nhộn nhịp tại Cảng cá Ninh Cơ, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) những ngày cuối năm. |
Những ngày cuối năm hối hả, cái lạnh se sắt từ biển thổi về khiến người ta chỉ nghĩ đến về nhà trốn rét trong chăn ấm, nhưng tại các cảng cá Ninh Cơ, Thịnh Long (Hải Hậu), bến cá Quần Vinh (Nghĩa Hưng)… vẫn nhộn nhịp tàu ra vào. Những ngày giáp Tết, khác với nhiều nơi tíu tít người đi xa trở về quê hương, ở các làng quê vùng biển chỉ thấy đa số là người già, phụ nữ, trẻ em, còn đàn ông, thanh niên trai tráng đều tranh thủ đi biển phiên cuối năm để có thêm thu nhập sắm Tết vì tôm cá mùa này rất được giá. Thường thì ngư dân sẽ tranh thủ ra khơi chuyến cuối năm từ 10 đến 15 ngày và cố gắng tính toán cập bến trước Tết từ 3 ngày đến 1 tuần kịp sắm Tết. Chị Phạm Thị Bích, xã Hải Triều (Hải Hậu) có chồng đi đánh bắt xa bờ, cho biết: “Những nơi khác, qua 20 tháng Chạp mới sắm Tết là hơi muộn nhưng với những người dân làng biển như chúng tôi là điều bình thường. Chồng tôi tranh thủ cùng các anh em ra khơi những ngày cuối năm, thường thì 27, 28 Tết mới trở về đất liền. Khi đó, vợ chồng tôi mới có thêm thu nhập để mua sắm Tết, sắm sửa quần áo mới cho các con. Cuối năm, biển như hiểu được mong ước của ngư dân chúng tôi nên chưa chuyến biển cuối năm nào bị thua lỗ, chuyến nào trở về cũng đầy ắp “lộc biển”, gia đình ai nấy có thêm thu nhập rủng rỉnh sắm sửa Tết cho đủ đầy”. Đồng chí Hoàng Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Mặc dù thời tiết hiện nay có nhiều biến động làm ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng đánh bắt trên ngư trường truyền thống của ngư dân tỉnh ta nhưng với ngư dân, biển cả như nguồn sống, như gia đình của họ, nghề biển đã ngấm vào máu thịt nên dẫu khó khăn, ngư dân vẫn miệt mài lao động, kiên cường bám lấy biển”. Ngư dân căng buồm ra khơi mang theo hy vọng tôm cá đầy khoang, phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Không chỉ đi chuyến biển cuối năm khi cận Tết mà có những ngư dân còn tranh thủ ra khơi cả trong những ngày Tết đang rộn ràng khắp nơi, người người nhà nhà đoàn tụ, quây quần bên nhau. Sau Tết, giá các mặt hàng thủy sản bao giờ cũng cao hơn hẳn nên nhiều ngư dân không thể để lỡ cơ hội kiếm thêm thu nhập. Cả một năm “hồn treo cột buồm” có lẽ thời điểm này ra khơi là thuận lợi nhất với họ. Anh Trần Văn Hán (Giao Thủy) cho biết: “Chuyến đi biển trong những ngày Tết là để chuẩn bị hàng cho thị trường sau Tết, vì thế chuyến này ngắn hơn các chuyến ngày thường, trung bình từ 1 tuần đến 10 ngày. Đêm mùng 1 Tết năm trước, mỗi mẻ cá chúng tôi thu được vài tấn, toàn cá thu. Cũng bởi giá thủy hải sản sau Tết tăng từ 2-3 lần ngày thường nên chúng tôi mới có động lực để rời xa gia đình trong khoảng thời gian quan trọng thiêng liêng của năm”. Đi biển ngày Tết, không tránh được cảm giác chống chếnh buồn, nhớ vợ con, họ hàng, làng xóm, “thèm” lắm cái không khí được quây quần bên nhau trong tiếng nói cười, chúc tụng, những ánh mắt lấp lánh niềm yêu thương. Người trên biển đã vậy, người ở đất liền, tuy đón Tết trên quê hương nhưng tâm trí cũng luôn bồn chồn, trông ngóng theo chồng, theo cha, anh đang lênh đênh trên sóng biển lớn. Chàng thanh niên Nguyễn Văn Huynh, xã Giao Hải (Giao Thủy) năm nay mới ngoài đôi mươi tâm sự: “Gia đình và người yêu em không muốn cho đi biển vào dịp Tết nhưng vì cuộc sống mưu sinh, muốn tranh thủ cơ hội để kiếm thêm thu nhập có tích lũy chuẩn bị cho tương lai nên em vẫn quyết định đi. Hơn nữa, anh em trên tàu sống với nhau bấy lâu, gắn bó như ruột thịt, buồn vui có nhau, nên mọi người đi biển, em ở nhà một mình ăn Tết sao đành lòng”.
Giữa biển cả bao la, để khỏa lấp nỗi buồn, nhớ gia đình, anh em trên tàu thường động viên và kể cho nhau nghe những câu chuyện vui, tâm sự về gia đình, tâm sự bộc bạch những trăn trở, chia sẻ những ước mong, kỳ vọng cho nghề đi biển. Những “đứa con” lao động của biển cả, theo nghề “cha truyền con nối” này từ những ngày mới mười tám, đôi mươi nên họ thấu hiểu nhau, thấm thía và sẵn sàng sẻ chia những cực nhọc, nỗi buồn và cả niềm vui nơi đầu sóng. Trên những con tàu vươn khơi dịp Tết cũng rộn ràng sắc xuân với hoa tươi rực rỡ, những cặp bánh chưng xanh rờn… Đón Tết trên biển cũng đầy đủ nghi lễ thủ tục truyền thống như ở đất liền vào đêm Giao thừa, sáng mùng Một. Chỉ khác là không rôm rả những lời chúc tụng, cũng chẳng có lì xì mà anh em thủy thủ, thuyền viên thường lặng lẽ chia sẻ cùng nhau chén rượu xuân và miếng bánh chưng quê nhà. “Sáng mùng Một thức dậy không có khung cảnh quen thuộc với khói hương trầm vấn vương trong mưa xuân và những lời chúc xông đất, xông nhà đầu năm mà chỉ thấy mênh mông biển trời. Nhưng nhìn trời yên biển lặng hứa hẹn một vụ cá thắng lợi thì nỗi nhớ nhà cũng vơi đi phần nào”, anh Kim Ngọc Tế (Hải Hậu) tâm sự. Mọi người không quên chuẩn bị một mâm cơm cúng đầu năm trên tàu thật chu đáo và kỹ càng để cầu mong một năm mới thuận buồm xuôi gió, đánh bắt được nhiều tôm, cá. Trước kia còn thiếu thông tin liên lạc, mỗi khi ra khơi dịp Tết thì người nhà thấp thỏm lo âu. Còn bây giờ, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hầu hết các tàu đánh bắt xa bờ đã được trang bị máy dò tìm nguồn cá, thông tin liên lạc, lúc trời báo bão hay thời tiết không tốt đã có dự báo trước cả 10 ngày để ngư dân biết cập bờ hoặc tìm nơi trú ẩn. Có máy dò tìm nguồn cá, các thiết bị định vị phát hiện cá không chỉ dưới đáy tàu mà còn ở tất cả các hướng đi, tốc độ di chuyển của đàn cá để chọn thời điểm thả lưới thích hợp cho những mẻ lưới đầy ắp cá và tránh được các sự cố hư hỏng lưới. Qua thực tế đi biển, những tàu trang bị máy dò ngang đánh cá khá thành công nên bà con ngư dân đánh bắt xa bờ cũng phấn khởi hơn rất nhiều. Chính vì vậy nên cả người ra khơi lẫn “hậu phương” đều yên tâm hơn. Gắn trọn cuộc đời với nghề đi biển, với tinh thần lao động hăng say, đi biển những ngày đầu xuân biển vắng, họ có thời gian lắng lại để thấm thía hơn tình yêu biển của mình, không đơn thuần là yêu cái nguồn sống, mà cả ý thức, trách nhiệm và lòng yêu nước. Với họ, “biển bạc” không chỉ là nơi vươn xa khai thác tôm, cá để mưu sinh mà còn là một phần lãnh thổ thiêng liêng máu thịt của Tổ quốc. Biển mùa xuân phơi phới, căng tràn sức sống, thắp lên hy vọng về những mùa đánh bắt bội thu, đền đáp cho những con người cần cù và lao động hăng say.
Một mùa xuân mới lại về, cầu mong trời yên biển lặng, nguồn hải sản dồi dào để trên mỗi con tàu ngư dân ra khơi trở về đều chở nặng lộc của “bà mẹ” biển, để những mùa xuân trên biển luôn tràn ngập niềm vui ấm no hạnh phúc./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa