Chạm khắc gỗ - Nghề thoát nghèo ở Yên Mỹ

08:01, 04/01/2017

“Nhờ nghề chạm khắc gỗ phát triển khoảng hai chục năm nay, mỗi ngày, hai vợ chồng tôi đều đặn có khoản thu nhập từ 500-600 nghìn đồng, tháng nghỉ dăm ngày, tính ra mỗi tháng, trừ chi phí sinh hoạt của 4 người cũng để ra được 3-4 triệu đồng”. Anh Bùi Đăng Ánh, xóm Giữa, xã Yên Mỹ (Ý Yên) tâm sự về nghề chạm khắc gỗ, nghề được coi là cứu cánh thoát nghèo của hàng trăm hộ gia đình ở vùng quê này.

Chạm khắc sản phẩm vai sập tại hộ anh Bùi Đăng Ánh, xóm Giữa, xã Yên Mỹ.
Chạm khắc sản phẩm vai sập tại hộ anh Bùi Đăng Ánh, xóm Giữa, xã Yên Mỹ.

Là xã thuần nông, trước đây quanh năm ngày tháng người dân Yên Mỹ chỉ gắn bó với sản xuất nông nghiệp. Ngặt nỗi, ở vùng đất trũng “chiêm khê, mùa thối”; bình quân ruộng đất thấp (chỉ 1,1 sào/khẩu) nên mặc dù có nhận cấy thêm hàng mẫu ruộng thì đời sống của gia đình anh Ánh và nhiều hộ trong xã vẫn khó khăn, thu chẳng đủ chi. Học xong lớp 9, Ánh quyết định bỏ ngang, theo chân các anh lớn trong xóm sang làng nghề La Xuyên (xã Yên Ninh) xin học nghề chạm khắc gỗ. Để được nhận vào học nghề, thời gian đầu, Ánh và các bạn phải mang tiền, gạo sang góp với chủ để ăn, học. Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như: mài dụng cụ, rồi học cách cầm đục, cầm dùi cho đến đục phá, đục thô... Dụng cụ của nghề chạm khắc gỗ chỉ có 2 loại là dùi và đục nhưng lại lắm chủng loại. Bộ đục của nghề chạm khắc gỗ thường có từ 36-40 chiếc, to nhỏ khác nhau, có cái cong, cái thẳng… để đáp ứng hàng loạt những thao tác tỉ mỉ của nghề như: đục phá, đục moi, tách bông, kênh bông, tỉa, gọt. Người mới học nghề phải học cách phân biệt từng loại đục; sau đó là thao tác những công đoạn đơn giản nhất để phối hợp hai tay (tay trái cầm đục, tay phải cầm dùi) cho nhuần nhuyễn. Sau đó, khi đã quen việc mới bắt đầu thực hiện các công đoạn khó hơn theo mẫu của thợ chính phác thảo trên gỗ. Từ những khúc gỗ tự nhiên, muốn biến thành một tác phẩm hoàn chỉnh đòi hỏi người làm nghề phải có con mắt quan sát và óc tư duy hình khối quyết định đến sự thành công, giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật cho sản phẩm. Để tạo ra sản phẩm bước đầu, người làm nghề cần trải qua các công đoạn: phác thảo hình, vỡ cho ra hình vẻ (gọi là đục thô), gọt cho mềm và cuối cùng là “quật” cho mịn. Công đoạn vẽ mẫu (những thợ lâu năm không cần vẽ ước lượng bằng mắt) có đúng, chuẩn, công đoạn vỡ mới dễ dàng và bớt vất vả. Dù ở công đoạn nào, người làm nghề quan trọng nhất cần phải có sự kiên trì, say mê với công việc. Họ phải cặm cụi tối ngày, tỉ mẩn bóc tách, bỏ phần gỗ thừa, tạo ra những hình ảnh sống động, tinh xảo. Sự thông minh, ứng biến linh hoạt của những người làm nghề sẽ tạo ra một sản phẩm tinh tế mang tính nghệ thuật. Các bộ bàn, ghế, tủ chè, sập gụ, hoành phi, câu đối… giả cổ được chạm, khảm trang trí họa tiết tinh vi với các chủ đề, tích cổ thể hiện các triết lý của cuộc sống và quy luật vận hành của thiên nhiên được cha ông đúc kết qua hàng nghìn năm lịch sử như: ngũ phúc, sĩ - nông - công - thương, tứ bình, tứ quý, vinh quy bái tổ... đã góp phần thể hiện tài hoa, thẩm mĩ của người làm nghề chạm khắc gỗ ở Yên Mỹ. Sau gần 3 năm học nghề ở làng nghề La Xuyên, từ chỗ phải mang gạo, tiền góp cho chủ để học nghề đến được bao ăn một bữa rồi có một phần lương thợ phụ, Ánh bắt đầu “ra nghề” bằng việc đi làm thuê ở khắp nơi để tích lũy kinh nghiệm, nắm bắt xu hướng thị trường. Bắt đầu từ năm 2010, anh quyết định về quê tận dụng diện tích sân nhà để làm nghề. Bước đầu, anh chỉ nhận làm thuê phần chạm khắc các loại bàn ghế giả cổ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở làng nghề La Xuyên. Sau một thời gian, khi đã có kinh nghiệm và tay nghề vững, anh chuyển sang làm các loại sập gụ với các loại hoa văn: ba bông (tùng - cúc - trúc - mai); chữ phúc - lá nho; cây cổ - chim điểu… Sập gụ lối cổ thường phải chạm trang trí ở 3 vai, 4 chân; vai sập có kích thước từ 1,92-2,12m, rộng từ 40cm, dầy khoảng 10cm. Từ khối gỗ phẳng, anh và những người làm nghề phải tạo hình qua chạm, đục sâu đến 6-7cm để nổi bật các chi tiết trang trí. Nghề không phụ công người, từ chỗ chỉ có một vài hộ như các anh Bùi Định Hiếu, Nguyễn Văn Hiệp… đều ở xóm Giữa, đến thế hệ thứ hai như các anh Bùi Đăng Trọng, Bùi Đăng Ánh… đến nay, nghề chạm khắc gỗ đã phát triển ra cả 9 xóm của xã Yên Mỹ, xóm nào cũng có từ 7-10 tay đục lành nghề như các xóm: Lẻ, Ba, Chùa, Cầu… Riêng xóm Giữa, nơi xuất phát nghề chạm khắc gỗ có khoảng 50 thợ chính. Nghề chạm khắc gỗ sau gần 20 năm hình thành và phát triển ở Yên Mỹ đã có sự phân công chuyên môn hóa cao, có thợ chỉ nhận phần đục thô (vỡ hình, phác thảo), có thợ lại chỉ nhận phần gọt, “chuốt” tỉ mỉ, tinh xảo; có hộ chuyên nhận làm sập, có hộ lại chỉ nhận làm các loại đồ thờ. Lao động làm các công đoạn vỡ, gọt, mỗi tháng thu nhập 5-6 triệu đồng; phụ việc gọt thô (thường phụ nữ cũng có thể làm) cũng thu nhập 3 triệu đồng. Anh Bùi Đăng Trọng, một thợ chạm có “thâm niên” ở xóm Giữa lại chuyên nhận làm các loại đồ thờ, từ hoành phi, câu đối, bàn thờ, cuốn thư… với các loại hoa văn tứ linh (long, ly, quy, phượng; tùng, cúc, trúc, mai; mai hóa rồng…) và hoa lá trang trí… Sau khi nhận hợp đồng và nguyên liệu với chủ, anh Trọng tự thiết kế mẫu, thi công hoàn thiện sản phẩm với giá trị ngày công khoảng 250-300 nghìn đồng. Sau khi lập gia đình, hai vợ chồng anh cùng làm nghề. Chồng vỡ, vợ gọt, hai anh chị thu nhập 7-8 triệu đồng/tháng. Nhờ số tiền ấy, anh chị tích cóp vay mượn thêm từ gia đình đôi bên xây dựng được căn nhà mái bằng rộng rãi, khang trang.

Nhờ có nghề chạm khắc gỗ, kinh tế của nhiều hộ gia đình ở xã Yên Mỹ đã dần phát triển, có tiền dành dụm để xây dựng, kiến thiết, đời sống vật chất, tinh thần của người làm nghề cũng đầy đủ hơn. Ước tính toàn xã hiện có khoảng 150 tay đục lành nghề, với mức thu nhập bình quân từ khoảng 200-300 nghìn đồng/người/ngày, bình quân mỗi tháng, người làm nghề cũng có khoản thu nhập từ 4-5 triệu đồng. Không chỉ góp phần thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương, nghề chạm khắc gỗ ở Yên Mỹ còn góp phần giữ gìn và phát triển thương hiệu các sản phẩm mộc mỹ nghệ ở các làng nghề: La Xuyên, Ninh Xá, Ninh Thượng…

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com