Xuân Ninh tập trung phát triển kinh tế nông thôn

08:12, 15/12/2016
Năm 2016, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề của xã Xuân Ninh (Xuân Trường) ước đạt 280 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập cho gần 4.000 lao động địa phương. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của xã đã có sự chuyển dịch tích cực; tỷ trọng sản xuất nông nghiệp giảm xuống còn 30%; sản xuất CN-TTCN và thương mại - dịch vụ đều chiếm 35%. Đạt được kết quả nêu trên là do Đảng uỷ, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện phát triển đa dạng ngành nghề, trong đó có các nghề chủ yếu như: sản xuất vật liệu xây dựng, dệt chiếu, trồng nấm, may công nghiệp, đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy…
Đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy tại Cty CP Hoàng Phong, xã Xuân Ninh.
Đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy tại Cty CP Hoàng Phong, xã Xuân Ninh.
Để phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, những năm qua, xã Xuân Ninh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đào tạo nghề miễn phí cho lao động, khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Xã đã chỉ đạo Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, phát triển ngành nghề cho hội viên và bà con nông dân. Dệt chiếu, vê đay là nghề truyền thống, với thương hiệu chiếu cói Xuân Dục nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Năm 2012, làng nghề dệt chiếu Xuân Dục đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống theo các tiêu chí của Bộ NN và PTNT. Hiện nay, làng Xuân Dục có gần 300 hộ làm nghề với trên 200 dàn dệt chiếu. Mỗi ngày, các hộ dân trong làng nghề tiêu thụ từ 1-2 tấn cói nguyên liệu để sản xuất gần 1.000 lá chiếu các loại, tạo việc làm cho gần 500 lao động với thu nhập bình quân từ 50-70 nghìn đồng/người/ngày. Sản phẩm của làng nghề cũng rất đa dạng với các loại chiếu khổ rộng từ 0,8-1,8m, dài từ 1,8-2m, giá từ 250-400 nghìn đồng/đôi. Ngoài các loại chiếu thường, điều làm nên thương hiệu chiếu cói Xuân Dục, chứa đựng tinh hoa của làng nghề chính là loại chiếu “đậu” phục vụ các lễ hội truyền thống, các dịp cưới hỏi. Toàn xã đã hình thành một hệ thống đại lý chuyên cung ứng nguyên liệu, thu gom sản phẩm, tìm kiếm thị trường bao tiêu sản phẩm cho bà con, như hộ các ông: Trần Văn Giả, xóm 1; Nguyễn Ngọc Tuynh, xóm 2; Đinh Văn Cảnh, xóm 4… Bên cạnh các dàn dệt chiếu thủ công truyền thống, các ông Tuynh, Giả còn đầu tư hàng trăm triệu đồng mua 7 máy dệt chiếu để sản xuất khối lượng hàng hóa lớn. Với công suất từ 40-45 lá chiếu/máy/ngày, bình quân mỗi ngày, cơ sở của ông Tuynh sản xuất được từ 240-250 lá chiếu. Ngoài lượng chiếu của nhà, ông còn thu mua từ 30-50 lá chiếu cho các hộ sản xuất xung quanh. Hiện nay, cơ sở sản xuất chiếu của ông Tuynh thu hút trên 20 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân khoảng 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm chiếu của Xuân Ninh trước đây chỉ tiêu thụ trong phạm vi hẹp thì nay đã có mặt tại nhiều tỉnh như: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, một số tỉnh phía Nam và được xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Đài Loan… Ngoài nghề truyền thống là dệt chiếu, vê đay, hiện xã Xuân Ninh còn phát triển được đa dạng ngành nghề như: may công nghiệp, mộc mỹ nghệ, cơ khí (đóng mới, sửa chữa phương tiện vận tải thủy và phục vụ nhu cầu dân dụng), xây dựng dân dụng… tạo việc làm cho gần 1.000 lao động tại chỗ. Cơ sở may công nghiệp của ông Nguyễn Trung Thành (xóm 2) tổ chức sản xuất từ năm 2010, tạo việc làm ổn định cho 50 lao động địa phương, với thu nhập từ 3-4 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra ở xã đã phát triển thêm được 3 cơ sở may công nghiệp quy mô từ 20 lao động/cơ sở trở lên. Các cơ sở may công nghiệp của xã chuyên nhận gia công sản phẩm cho các Cty may trong và ngoài tỉnh, luôn bảo đảm việc làm cho người lao động. Nghề mộc cũng phát triển với hơn 10 cơ sở quy mô từ 3-5 lao động, phân bố rải rác ở các thôn: Nghĩa Xá, Hưng Nhân, Hoàng Diệu… Thành lập từ năm 2006, Cty CP Đóng tàu thủy Hoàng Phong đã đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở để đủ năng lực đóng mới, sửa chữa các loại phương tiện vận tải thủy có tải trọng từ 2.000-6.000 tấn. Trong năm 2016, Cty thực hiện và hoàn thành 26 tàu cá (theo Nghị định 67 của Chính phủ) trong đó có 9 tàu của ngư dân trong tỉnh; các tàu còn lại của ngư dân các tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình… và 5 phương tiện vận tải thủy pha sông biển loại trên 2.000 tấn. Dự kiến năm 2016, doanh thu của Cty đạt gần 450 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 100 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. 
 
Nhờ phát triển đa dạng các ngành nghề, nên cơ cấu kinh tế ở xã Xuân Ninh đã được chuyển dịch tích cực, đời sống của nhân dân trong xã từng bước được nâng lên. Năm 2016, xã Xuân Ninh phấn đấu nâng mức bình quân thu nhập đầu người của xã lên 44-45 triệu đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt xấp xỉ 10%. Trong năm 2017 và các năm tiếp theo, xã Xuân Ninh chủ trương tiếp tục phát triển đa dạng ngành nghề sản xuất CN-TTCN, phát triển kinh tế nông thôn bền vững, nâng cao thu nhập cho nhân dân để được UBND tỉnh công nhận là xã NTM bền vững vào năm 2020./.
 
Bài và ảnh: Thành Trung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com