Xuân Đài khai thác lợi thế phát triển thương mại dịch vụ

03:12, 24/12/2016
Nằm ở vị trí trung tâm cụm kinh tế số 2 của huyện Xuân Trường (gồm các xã Xuân Tân, Xuân Thành, Xuân Phú, Thọ Nghiệp, Xuân Đài), ngoài lợi thế trong sản xuất nông nghiệp với giống lúa đặc sản truyền thống, xã Xuân Đài còn có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại dịch vụ như chợ Láng, bến dừng đỗ xe khách với lưu lượng 15 chuyến xuất bến mỗi ngày đi các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, một trường THPT, Đài Viễn thông và Chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT. Những thuận lợi này giúp Xuân Đài hội tụ đầy đủ yếu tố của một thị tứ năng động với lợi thế phát triển thương mại dịch vụ, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, góp phần tiêu thụ nông sản, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Trang trại chăn nuôi của gia đình bác Nguyễn Văn Thang, xóm 8, xã Xuân Đài.
Trang trại chăn nuôi của gia đình bác Nguyễn Văn Thang, xóm 8, xã Xuân Đài.
Để phát huy lợi thế về thương mại dịch vụ trong điều kiện người dân vốn chỉ quen với sản xuất nông nghiệp, UBND xã đã khuyến khích phát triển kinh tế hộ theo hướng đa ngành nghề, đẩy mạnh việc nhân cấy nghề mới và phát triển các loại hình dịch vụ. Xã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh; hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế. Trong đó, đã quy hoạch các khu vực: hành chính, thương mại dịch vụ tập trung ở các xóm 3, 4; khu vực sản xuất lúa đặc sản, khu phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn phát triển sản xuất và tổ chức các lớp hướng nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm, hướng dẫn người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất, kinh doanh. Từ chủ trương đúng đắn đó, diện mạo kinh tế trên địa bàn xã đã có thay đổi tích cực. Trên địa bàn xã đã có hàng chục doanh nghiệp được thành lập với các ngành nghề như may mặc, xây dựng, cơ khí, chế biến lương thực, thực phẩm, kinh doanh vận tải… giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 500 lao động địa phương/năm với mức thu nhập từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều ngành nghề đã trở thành thế mạnh của địa phương như: may công nghiệp, cơ khí, mộc, xây dựng… Tiêu biểu như cơ sở may gia công Đoàn Nguyên của gia đình chị Nguyễn Thị Ánh, cơ sở may của chị Trịnh Thị Bình, xóm 3… Trong đó, cơ sở may Đoàn Nguyên đã hợp đồng gia công quần áo cho một số doanh nghiệp lớn như Cty CP May 10 (Hà Nội), Cty TNHH Nhàn Yến (Hải Phòng) với khoảng 4-10 nghìn sản phẩm/tháng, tạo việc làm ổn định cho 25 lao động với mức lương từ 3-6 triệu đồng/người/tháng. Trong lĩnh vực nông nghiệp xã định hướng chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; tập trung nâng cao chất lượng và phát triển kênh thương mại cho những sản phẩm truyền thống đặc trưng của quê hương, đặc biệt là vận động nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp kỹ thuật nhằm giữ gìn chất lượng truyền thống trong sản phẩm gạo tám ấp bẹ và rượu nếp Tam Long. Đây là điều kiện cơ bản để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm đặc trưng quê nhà so với các sản phẩm cùng loại khác trên thị trường. Hiện tại sản phẩm gạo tám ấp bẹ Xuân Đài chất lượng cao không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa sản phẩm đã được người dân thực hiện nhanh chóng. Hiện tại trên địa bàn xã có 2 trang trại VAC lớn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của Bộ NN và PTNT; 8 gia trại tổng hợp. Trang trại chăn nuôi tổng hợp rộng 3ha của bác Nguyễn Văn Thang, xóm 8 có quy mô nuôi 70 con lợn nái ngoại, 300 con lợn thịt cùng hàng nghìn m 2 ao nuôi cá truyền thống. Trung bình mỗi năm, trang trại của bác đã xuất bán ra thị trường hàng chục tấn lợn hơi, vài nghìn con lợn giống và vài chục tấn cá thịt. Ngoài trang trại của bác Thang, nhiều gia trại khác ở trong xã đều phát triển ổn định với thu nhập lớn từ 150-200 triệu đồng/năm. Nhiều chủ gia trại chăn nuôi tâm sự: khi thực hiện chủ trương phát triển đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi tại địa bàn nông thôn, ngoài điều kiện môi trường, kỹ thuật thì người nông dân lo ngại nhất là đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên ở Xuân Đài có lợi thế khu chợ dân sinh và bến xe khách quy mô cấp vùng nên chúng tôi thuận lợi trong việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm từ đó thu hút khách hàng về tận trang trại. Nhờ mạng lưới vận tải liên tỉnh phát triển thuận lợi nên hàng hóa của địa phương được lưu thông thuận tiện đi các tỉnh, thành phố khác và ngược lại hàng hóa các nơi khác được vận chuyển về phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất ở địa phương. Chính vì thế mà chi phí sản xuất cũng giảm đi rất nhiều. Các sản phẩm nông nghiệp của chúng tôi cũng vì thế mà đa dạng hơn. Hiện tại ngoài gạo đặc sản, rượu nếp, chúng tôi còn nhiều sản phẩm được thương mại hóa như thủy sản, gia súc, gia cầm, hàng may mặc, cơ khí và hàng thủ công. Xã Xuân Đài trở thành điểm tập trung hàng hóa, phương tiện cung ứng cho các xã lân cận miền sông Hồng của huyện Xuân Trường. Năm 2016, giá trị canh tác bình quân toàn xã đạt 98 triệu đồng/ha, tăng 33 triệu đồng/ha so với năm 2011. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn xã đạt trên 9,2 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 34 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm xuống còn 4%.
 
Với quyết tâm phấn đấu xứng đáng là trung tâm chính trị, văn hóa, thương mại dịch vụ cụm kinh tế số 2 của huyện, giải pháp của xã trong thời gian tới là tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ dân đã và đang đầu tư trên địa bàn phát triển sản xuất, kinh doanh. Xây dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi. Đẩy mạnh việc triển khai các tuyến đường thương mại và nâng cấp khu chợ trung tâm cho nhân dân kinh doanh hàng hóa, thực hiện văn minh thương mại. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương./. 
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com