Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa (DĐĐT) là nhiệm vụ quan trọng trong quản lý đất đai; giúp người sử dụng đất yên tâm đầu tư, khai thác tiềm năng đất đai, thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Sau DĐĐT, toàn tỉnh cần cấp đổi 449.344 GCN QSDĐ nông nghiệp với diện tích 72.436,56ha. Để bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác cấp GCN QSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT, ngay từ năm 2015 UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu toàn tỉnh phải hoàn tất cấp 212.500 GCN, chỉ tiêu của năm 2016 toàn tỉnh phải hoàn tất cấp đổi thêm 200 nghìn GCN. Sau DĐĐT, toàn tỉnh cần chỉnh lý 5.166 tờ bản đồ. Ngày 27-4-2015, Sở TN và MT đã ban hành Hướng dẫn số 899/HD-STNMT về chỉnh lý bản đồ, lập hồ sơ dữ liệu địa chính, cấp đổi GCN QSDĐ, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đất nông nghiệp sau DĐĐT trên địa bàn tỉnh; đồng thời phân công lãnh đạo Sở trực tiếp phụ trách địa bàn và cán bộ phụ trách từng huyện để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Nắm bắt tình hình vướng mắc phát sinh khi thực hiện cuối năm 2015, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu UBND các huyện bắt buộc phải lập Ban chỉ đạo và tổ công tác giúp việc phân công nhiệm vụ và địa bàn cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo để chủ động chỉ đạo, đôn đốc thực hiện; hằng tuần kiểm điểm tiến độ thực hiện. Các huyện phải dành 10% kinh phí trích từ nguồn thu tiền SDĐ để phục vụ cho công tác lập hồ sơ địa chính, cấp đổi sổ đỏ, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đất nông nghiệp ngoài đồng sau DĐĐT… Tuy nhiên, tiến độ cấp GCN QSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT của các địa phương rất chậm.
Thống kê lũy kế đến hết tháng 8-2016, toàn tỉnh mới lập được 249.955 hồ sơ và ký quyết định cấp 103.968 GCN. Vì vậy, ngày 29-8-2016, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Công văn số 533/UBND-VP3 yêu cầu các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ. Ngày 26-8-2016, Sở TN và MT đã có Quyết định số 2136/QĐ-STNMT ủy quyền cho UBND các huyện, thành phố ký cấp đổi GCN QSDĐ nông nghiệp do thực hiện DĐĐT. Dù tỉnh liên tục chỉ đạo quyết liệt, song do nhiều nguyên nhân, tiến độ cấp GCN tại các địa phương vẫn không chuyển biến. Cụ thể như huyện Vụ Bản đến đầu tháng 11-2016 vẫn còn xã Tân Khánh chưa triển khai lập hồ sơ để cấp GCN. Huyện Hải Hậu, đến đầu tháng 11-2016, toàn huyện mới chỉnh lý được 11.624 GCN; cấp đổi được 14.083 GCN. Huyện Trực Ninh, đến hết tháng 11-2016, toàn huyện lập được 11.530 hồ sơ, thẩm định được 7.802 hồ sơ và phê duyệt được 7.342 hồ sơ cấp đổi.
|
Dồn điền đổi thửa góp phần giúp huyện Vụ Bản phát triển mô hình cánh đồng lớn, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. |
Qua tìm hiểu thực tế được biết tình trạng chậm tiến độ của cấp GCN QSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT là do tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Tại xã Hải Vân (Hải Hậu) là một trong những địa phương tiêu biểu, bám sát tinh thần chỉ đạo của tỉnh, huyện; tích cực triển khai cấp GCN QSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT theo đúng hướng dẫn và đạt kết quả khá tích cực. Ngay từ năm 2011, xã đã thực hiện công tác hoàn thiện hồ sơ và đã cơ bản hoàn thiện hồ sơ cấp GCN, đang thực hiện nốt phần việc thu GCN cũ để cấp GCN mới. Tuy nhiên, do đặc thù địa phương có rất đông hộ dân đi làm xa quê từ lâu năm, xã không đủ điều kiện để phổ biến thông tin đến người dân về việc cấp đổi lại GCN QSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT nên đến nay toàn xã còn vướng mắc trên 200 hộ chưa giao trả lại GCN cũ để tiến hành cấp đổi GCN mới. Tại Thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc) nguyên nhân của việc chậm tiến độ được xác định là do trong quá trình triển khai DĐĐT năm 2014 chưa thực hiện bài bản, thu thập tài liệu nguồn gốc đất chưa rõ ràng, việc giao đất trên thực địa chưa chính xác. Thậm chí, khi thuê đơn vị tư vấn về triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính thì có những vị trí, tờ thửa, cánh đồng phải đo đạc, khảo sát lại toàn bộ. Ngoài ra, do huyện Mỹ Lộc là địa bàn giáp ranh Thành phố Nam Định nên có tình trạng người dân “bán chui” đất nông nghiệp cho người nơi khác mua tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất phi nông nghiệp, dẫn đến tình trạng huyện Mỹ Lộc tồn tại nhiều trường hợp không thể xử lý, cấp GCN QSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT. Sở TN và MT cho biết một số địa phương khi triển khai công tác DĐĐT chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, còn nóng vội, chưa tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân; cá biệt ở một số nơi, UBND xã, các thôn, đội khi DĐĐT có vận động nhân dân góp đất, dồn đổi vào nơi có vị trí sinh lợi cao nhưng không tổ chức sản xuất, khai thác đúng mục đích sử dụng mà bán thu tiền để kiến thiết công trình hạ tầng của địa phương nên phát sinh đơn thư khiếu kiện, dẫn đến không thực hiện được việc giao đất thực địa theo kế hoạch. Nhân sự lãnh đạo và cán bộ địa chính cấp xã của một số địa phương thay đổi; trình độ chuyên môn của cán bộ một số nơi còn yếu hoặc không tham gia công tác DĐĐT ngay từ đầu nên khi tiếp quản công việc còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Hệ thống bản đồ, hồ sơ địa chính được thành lập từ lâu, hiện trạng đã sai lệch nhiều nên khi chỉnh lý mất nhiều thời gian; hệ thống hồ sơ giao ruộng khi DĐĐT còn thiếu, không đồng bộ gây nhiều khó khăn khi chỉnh lý bản đồ. Nhiều địa phương diện tích thực tế sai khác với bản đồ, hồ sơ địa chính và hồ sơ giao ruộng nên việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn, kéo dài.
Để tháo gỡ những bất cập, tồn tại trên, theo Sở TN và MT thời gian tới UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc UBND các huyện tập trung thực hiện công tác cấp GCN QSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT. Cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa với nhận thức nếu không kịp thời đo đạc, chỉnh lý và cấp đổi GCN QSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT sẽ khó khăn cho công tác quản lý và việc thực thi các quyền luật định của người SDĐ cũng như giải quyết khi có tranh chấp. UBND tỉnh đã chỉ đạo có biện pháp xử lý trách nhiệm đối với địa phương, đơn vị chậm tiến độ và người đứng đầu. Trường hợp phương án DĐĐT thực sự phù hợp, khách quan, đảm bảo công bằng, được đại đa số nhân dân đồng tình nhất trí thì tích cực tổ chức tuyên truyền và vận động để người dân hiểu và chấp hành theo phương án đã được thông qua từ cơ sở và được UBND xã phê duyệt. Trường hợp có biểu hiện làm sai hoặc vụ lợi thì phải chỉ đạo kiểm tra, làm rõ và lập phương án sửa chữa, khắc phục trên cơ sở dân chủ, công khai, minh bạch, đảm bảo thực hiện đúng Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở và đúng hướng dẫn về công tác DĐĐT, kiểm điểm xử lý nghiêm cán bộ có sai phạm. Trường hợp cố tình cản trở gây khó khăn trong công tác DĐĐT, yêu cầu UBND huyện, thành phố chỉ đạo kiểm tra, công khai kết quả kiểm tra và thực hiện nghiêm túc phương án DĐĐT đã được phê duyệt./.
Bài và ảnh:
Thanh Thúy