Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14 doanh nghiệp sản xuất gạch không nung (GKN) với sản phẩm chủ yếu là gạch xi măng cốt liệu với tổng công suất thiết kế là 145 triệu viên gạch tiêu chuẩn/năm. Ngoài ra, có một số doanh nghiệp đang tiến hành thủ tục đầu tư sản xuất GKN, trong đó Cty CP Đóng tàu Phú Hưng (Yên Thịnh - Yên Bằng) đầu tư 1 dây chuyền sản xuất bê tông nhẹ với công suất thiết kế là 32 triệu viên/năm; Cty TNHH Sông Giang (Hải Giang) đầu tư 4 dây chuyền sản xuất gạch xi măng cốt liệu với tổng công suất thiết kế là 70 triệu viên/năm; Cty CP Xây lắp Hải Hậu (Hải Quang), Cty CP Công nghiệp thương mại Giao Thủy (Hồng Thuận), mỗi Cty đầu tư 1 dây chuyền sản xuất gạch bê tông khí chưng áp với tổng công suất là 120 nghìn m
3/năm. Thời gian qua, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền khuyến khích người dân sử dụng GKN, yêu cầu đưa GKN vào thiết kế công trình theo đúng quy định tại Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28-11-2012 của Bộ Xây dựng. Cùng với đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 13/2014/QĐ-UBND ngày 5-6-2014 về lộ trình và mức hỗ trợ xóa bỏ lò gạch thủ công, lò đứng truyền thống trên địa bàn tỉnh nhằm tạo “hành lang” thúc đẩy loại vật liệu xây dựng mới này tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường. Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nam Định được xây dựng tại huyện Hải Hậu có tổng công suất 2.400MW đang được các cấp, ngành nỗ lực xúc tiến đầu tư; dự kiến đến năm 2020, với 3 tổ máy đi vào hoạt động thì lượng tro xỉ trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 1,89 triệu tấn/năm; trong đó có khoảng 0,6 triệu tấn xỉ và 1,3 triệu tấn tro bay sẽ là lợi thế lớn về nguồn nguyện liệu cho ngành sản xuất GKN của tỉnh ta trong tương lai. Mặc dù vậy, hiện tại, GKN vẫn rất chật vật tìm chỗ đứng và chưa được sử dụng rộng rãi trong xây dựng ở tỉnh ta. Ngoài các nguyên nhân khách quan như thói quen dùng gạch của chủ đầu tư và người tiêu dùng, đội ngũ công nhân có tay nghề sử dụng thành thạo các kỹ thuật xây lắp đối với GKN còn thiếu, các đơn vị chưa tiếp cận được các chính sách ưu đãi trong đầu tư phát triển vật liệu xây không nung thì chất lượng sản phẩm của GKN vẫn còn bị hoài nghi. Qua khảo sát tại các công trường và đánh giá của cơ quan chuyên môn, do thành phần chủ yếu là đá mạt, cát và xi măng, đặc biệt là công nghệ sản xuất thấp nên nhược điểm của GKN dễ dàng thấm nước gây tăng tải trọng công trình, chịu ảnh hưởng nhiều về điều kiện thời tiết khi thi công…
|
Dây chuyền sản xuất gạch bê tông xây cao cấp tại Cty TNHH Hòa Phát, CCN An Xá (TP Nam Định). |
Trao đổi với chúng tôi, anh Vũ Mạnh Trường, Giám đốc Cty TNHH Hòa Phát tại CCN An Xá (TP Nam Định) cho biết: “Qua nghiên cứu thị trường, đánh giá ưu nhược điểm các loại gạch kết hợp với tham quan nghiên cứu các mô hình sản xuất GKN trên toàn quốc, Cty đã phát triển các dòng sản phẩm gạch mới đa dạng hơn về mẫu mã, vượt trội về chất lượng, với giá cả hợp lý dễ dàng tiếp cận nhu cầu xây dựng dân dụng với phương châm “Chất lượng tạo nên giá trị sản phẩm”. Năm 2016, Cty đã đầu tư hơn 12 tỷ đồng để hoàn thiện dây chuyền sản xuất gạch bê tông xây cao cấp áp dụng công nghệ hoàn toàn tự động của I-ta-li-a với công suất hơn 60 triệu viên/năm. Hiện tại, mỗi tháng Cty có thể sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường với công suất hơn 5 triệu viên gạch bê tông xây theo TCVN 6477:2011, gạch terrazzo 2.000m
2/tháng và gạch đá nhân tạo 10 nghìn m
2/tháng. Riêng gạch bê tông xây, ngoài hai dòng sản phẩm truyền thống là gạch đặc và gạch hai lỗ, Cty đã nghiên cứu phát triển 4 dòng sản phẩm gạch rỗng mới với thể tích lớn hơn từ 5 đến 8 lần so với gạch tiêu chuẩn truyền thống. Điểm nổi bật của loại gạch bê tông xây mới này là một mặt viên gạch được thiết kế tạo rãnh (2-3 rãnh) với tiết diện đều nhau tạo không gian rỗng giúp tường xây bổ sung được cả 2 yếu tố: cách âm và cách nhiệt, đồng thời vẫn đảm bảo về kết cấu chịu lực và bền vững cho công trình, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công. Ngoài ra, với thể tích lớn hơn gạch xây truyền thống sẽ giúp tiết kiệm vữa trát và chi phí nhân công do khi thi công, thợ xây chỉ cần xây úp mặt rỗng xuống dưới, ngửa mặt đáy lên trên, mỗi m
2 tường sẽ sử dụng ít gạch hơn từ 30-40% so với xây dựng bằng gạch tiêu chuẩn (210x100x60mm) truyền thống. Hiện nay, gạch bê tông xây cao cấp của Cty đã được các chủ đầu tư tin tưởng sử dụng trong một số dự án lớn tại Thành phố Nam Định như dự án Khu đô thị Dệt may, kè hồ Hàng Nan, xây dựng nhà xưởng Cty Giấy vở Hưng Thịnh, Cty CP Cửa Hòa Phát... Cùng với gạch bê tông xây cao cấp, Cty còn cung ứng ra thị trường loại gạch terrazzo đá nhân tạo sử dụng để lát vỉa hè, sân vườn và các hạng mục công trình ngoài trời với độ bền vững trong môi trường tự nhiên cao. Theo anh Trường, gạch đá nhân tạo là sản phẩm đặc biệt được sản xuất từ bê tông trộn keo melamin, ứng dụng công nghệ rung định hình trong khuôn, tạo ra bề mặt chịu được độ mài mòn gấp 3 lần so với sản phẩm dùng bê tông thường. Đặc biệt công nghệ này còn cho phép phối trộn đa dạng màu sắc, lớp keo phát huy tác dụng giữ cho màu sắc đồng đều, cách ly với môi trường bên ngoài tăng độ bền màu, hệ số ma sát tốt tránh trơn trượt khi ướt. Để thúc đẩy GKN tiếp cận với các công trình, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, Cty đều bố trí nhân viên tư vấn xây lắp GKN tại mỗi công trường sử dụng sản phẩm của Cty đồng thời nghiên cứu hoàn thiện quy trình quản lý chất lượng ở mọi khâu sản xuất nhằm tạo ra các dòng sản phẩm mới đa dạng và chất lượng hơn, phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Ngoài Cty TNHH Hòa Phát, các doanh nghiệp khác như Cty CP Coma 19 (CCN An Xá); Cty TNHH Hùng Mến (Giao Thủy); Cty TNHH Xây dựng Việt Cường (Hải Hậu)… cũng từng bước tiến hành đầu tư các dây chuyền sản xuất GKN và các sản phẩm khác như bê tông bọt khí chưng áp, gạch AAC chất lượng cao với công suất thiết kế hơn 20 triệu viên/năm để đáp ứng nhu cầu sử dụng tại địa phương và đón đầu xu thế xây dựng mới.
Theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh ta đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, dự báo nhu cầu vật liệu xây đến năm 2020 đối với gạch xi măng cốt liệu là 440 triệu viên/năm, gạch bê tông bọt là 32 triệu viên/năm, gạch AAC (bê tông khí chưng áp) là 70 triệu viên/năm... Như vậy yêu cầu đặt ra là phải không ngừng tuyên truyền về lợi ích sử dụng GKN, đồng thời xây dựng cơ chế chính sách với những ưu đãi cụ thể, lâu dài về vốn, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, hoàn thiện về công nghệ để phát triển các chủng loại vật liệu xây dựng mới tiên tiến phù hợp với xu thế hiện đại này. Có như vậy, GKN mới nhanh chóng đi vào đời sống, góp phần phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng tỉnh ta hiện đại, bền vững./.
Bài và ảnh:
Đức Toàn