Thị trấn Yên Định phát triển công nghiệp, làng nghề

08:12, 19/12/2016
Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của huyện Hải Hậu, lại có vị trí địa lý thuận lợi với 2 quốc lộ là 21 và 37B chạy ngang địa bàn; lực lượng lao động dồi dào, người dân cần cù, chịu khó nên Thị trấn Yên Định có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế nông thôn. Phát huy tối đa lợi thế, những năm qua, Thị trấn Yên Định chủ trương tập trung phát triển mạnh sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn với đa dạng ngành nghề như: sản xuất bánh kẹo; chế biến lương thực - thực phẩm; sản xuất thức ăn chăn nuôi; may công nghiệp... 
Sản xuất bánh nhãn tại cơ sở của anh Nguyễn Văn Cơ, tổ dân phố số 6, Thị trấn Yên Định.
Sản xuất bánh nhãn tại cơ sở của anh Nguyễn Văn Cơ, tổ dân phố số 6, Thị trấn Yên Định.
Để phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống và nhân cấy, phát triển nghề mới, UBND Thị trấn Yên Định đã xây dựng đề án bảo tồn và phát triển nghề truyền thống; thành lập tổ quản lý làng nghề; phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hộ sản xuất và lao động làm nghề… cải thiện điều kiện lao động sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, đáp ứng yêu cầu thị trường, tiêu thụ thuận lợi. Bên cạnh đó, UBND thị trấn còn chủ động sắp xếp, tạo điều kiện về mặt bằng; hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi với tổng dư nợ hằng năm lên đến trên 50 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh. Với những giải pháp đồng bộ nêu trên, trong 3-4 năm gần đây, tình hình sản xuất CN-TTCN, làng nghề ở thị trấn đã phát triển mạnh với các nghề: may công nghiệp, sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến lương thực - thực phẩm... Làng nghề sản xuất bánh kẹo, chế biến lương thực truyền thống Đông Cường (tổ dân phố số 6) có trên 70 hộ làm nghề. Hiện, các hộ làm nghề đã sản xuất được trên 20 loại bánh, kẹo như: bánh nhãn, bánh khảo, bánh nướng, bánh dẻo, bánh đa, kẹo vừng, kẹo lạc, kẹo dồi… Các sản phẩm bánh, kẹo của làng nghề Đông Cường không chỉ được tiêu thụ mạnh trong tỉnh mà còn cung cấp cho thị trường các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Hồng và được người tiêu dùng đánh giá cao về độ thơm ngon và hương vị đặc trưng địa phương. Làng nghề sản xuất bánh kẹo truyền thống phát triển mạnh mẽ với doanh thu mỗi năm vài chục tỷ đồng đã đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách của địa phương. Nhiều hộ trong làng nghề đã đủ năng lực sản xuất được từ 2-3 tạ bánh, kẹo/ngày; tạo việc làm cho 5-7 lao động với mức thu nhập từ 100-120 nghìn đồng/người/ngày như hộ các ông: Vũ Hữu Thọ, Vương Văn Vinh, Nguyễn Bắc Việt, Nguyễn Văn Cơ, Vũ Văn Đỉnh, Nguyễn Thế An… Theo ước tính của ông Vũ Văn Thắng, tổ trưởng tổ dân phố số 6, trưởng ban điều hành làng nghề sản xuất bánh kẹo Đông Cường, bình quân mỗi ngày, các hộ trong làng nghề sản xuất được từ 2-3 tấn sản phẩm. Vào vụ chính trong năm (từ sau rằm tháng 8 đến hết tháng 2 âm lịch hằng năm), làng nghề rộn ràng, tấp nập, hối hả suốt ngày đêm với hàng chục chuyến xe ra, vào vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm đi phân phối tại thị trường các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hưng Yên… Bình quân mỗi ngày chính vụ các hộ sản xuất trong làng nghề cung ứng ra thị trường từ 8-10 tấn bánh, kẹo các loại. Các sản phẩm bánh, kẹo của làng nghề mặc dù mẫu mã, bao bì đóng gói còn khá đơn giản nhưng vẫn được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ mạnh nhờ chất lượng sản phẩm luôn thơm, ngon. Bên cạnh nghề sản xuất bánh kẹo, ở tổ dân phố số 6 còn có trên 10 hộ chuyên sản xuất thính gạo, chất xúc tác góp phần tạo nên hương vị riêng có của nhiều món ăn ngon như các loại nem (nem nắm, nem chạo); gỏi… và là nguyên liệu không thể thiếu để sản xuất các loại mắm (mắm tép, mắm cáy, mắm cá)… Thính sản xuất quanh năm nhưng bận nhất là dịp gặt xong lúa mùa (từ tháng 11 âm lịch đến tháng 4 năm sau). Trong vụ làm thính gạo, mỗi ngày các hộ làm nghề sản xuất ra từ 4-5 tấn thính; các tháng còn lại trong năm sản lượng ít hơn nhưng ngày nào cũng có từ 2-2,5 tấn thính được sản xuất. Nhiều hộ gắn bó vài chục năm với nghề làm thính gạo như hộ các ông: Nguyễn Văn Thông, Lưu Văn Thiều, Vương Văn Vinh, Bùi Văn Khuyến, Bùi Văn Minh… sử dụng từ 3-5 lao động. Bên cạnh các nghề truyền thống, nhận thấy nhu cầu phát triển của nghề may công nghiệp trên địa bàn ngày càng lớn, đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương theo tiêu chí NTM, UBND thị trấn đã quyết định cho các hộ dân có nhu cầu thuê lại mặt bằng của khu nhà trẻ và trường năng khiếu cũ để xây dựng nhà xưởng, thành lập Cty May xuất khẩu Đào Anh và HTX may Hoàng Anh. Từ một cơ sở may mặc nhỏ, đến nay HTX Hoàng Anh đã mở rộng mặt bằng sản xuất lên 650m2; với trên 100 máy may, tạo việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của HTX được xuất khẩu uỷ thác qua các doanh nghiệp tại Hà Nội sang thị trường EU.
 
Theo ước tính chưa đầy đủ của UBND thị trấn, nhờ phát triển mạnh sản xuất CN-TTCN, làng nghề cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của Thị trấn Yên Định đã có sự chuyển dịch tích cực, tạo việc làm thường xuyên cho trên 1.000 lao động với mức thu nhập từ 4 triệu đồng/người/tháng trở lên. Năm 2016, Thị trấn Yên Định phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) xuống mức 4,32%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm xuống còn 5,64%; bình quân thu nhập đầu người được nâng lên trên 40 triệu đồng/năm. Trong năm 2017 và các năm tiếp theo, Thị trấn Yên Định tiếp tục tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động... để củng cố và phát triển các tiêu chí NTM bền vững, xứng đáng với vị thế trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của huyện Hải Hậu./.
 
Bài và ảnh: Thành Trung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com