Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất mặn mòi vị biển tại xóm 8, xã Giao Hải (Giao Thủy), ông Trần Trung Trực là một tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi từ việc thu mua và chế biến thủy, hải sản đem lại công ăn việc làm cũng như nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người dân địa phương.
Giản dị và cởi mở, đó là những cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi trò chuyện với ông Trực. Năm 1977, khi vừa tròn đôi mươi, ông nhập ngũ và trở thành một chiến sĩ quả cảm của Đoàn đặc công I thuộc Bộ Tư lệnh Đặc công. Sau khi xuất ngũ trở về quê hương, ông tiếp tục tham gia lao động, khai thác cá biển trong HTX Tiền Lang của xã Giao Hải. Do hiệu quả hoạt động không cao nên năm 1987 HTX giải thể. Với tinh thần và bản lĩnh không đầu hàng khó khăn của người lính, cùng với sự nhạy bén, năng động của mình, ông Trực đã phân tích những hạn chế của mô hình kinh tế cũ, kết hợp tìm hiểu nhu cầu thị trường tại một số tỉnh, thành phố, tích cực tham quan các mô hình sản xuất nước mắm, mắm tôm nổi tiếng của người dân ở trong và ngoài xã để đúc kết thêm kiến thức, kinh nghiệm. Sau đó, ông liên hệ với các chủ tàu, thuyền và quyết tâm chuyển sang thu mua hải sản tươi sống, chế biến nước mắm, mắm tôm, sứa biển. Hiện nay, cơ sở của ông Trực có hàng chục bể làm nước mắm, mắm tôm, tạo công ăn việc làm cho 7 lao động thường xuyên với mức thu nhập trung bình khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Thời điểm vào mùa sứa, số lao động mùa vụ tăng lên khoảng 30-40 người. Ra biển từ sáng sớm để thu mua và phân loại hải sản ngay khi tàu lên bờ, những mặt hàng tươi sống sẽ được đóng thùng và chuyển lên xe đi tiêu thụ ở các vùng lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình… Các sản phẩm nước mắm, mắm tôm của cơ sở cũng đã được ông Trực đăng ký thương hiệu từ năm 2011. Ông luôn nhắc nhở người lao động cũng như tự nhắc nhở bản thân, đặt chữ “tín” lên hàng đầu bằng việc tạo ra những sản phẩm thơm ngon, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như vệ sinh môi trường, giá cả hợp lý để luôn giữ vững chỗ đứng trên thị trường, được mọi người tin dùng. Chính vì vậy, việc kinh doanh các sản phẩm nước mắm, mắm tôm Trung Trực cũng như các sản phẩm hải sản tươi sống của cơ sở ngày càng phát triển. Mỗi năm, cơ sở của ông Trực thu mua khoảng 100 tấn tôm, 200 tấn cá, gần 2.000 tấn sứa ướp mặn cung cấp cho thị trường và khoảng 30 tấn nguyên liệu đầu vào để chế biến nước mắm, mắm tôm. Doanh thu hằng năm của gia đình ông ước đạt trên 1 tỷ đồng.
|
Ông Trần Trung Trực, xã Giao Hải (Giao Thủy) kiểm tra chất lượng sứa biển ướp mặn. |
Tuy bận rộn với công việc phát triển kinh tế, ông Trực vẫn dành thời gian tích cực tham gia các công tác xã hội, các phong trào của địa phương. Hiện ông là Chi hội trưởng Hội CCB xóm 8 và là huấn luận viên của đội tuyển vật xã Giao Hải. Vật là môn thể thao truyền thống thường được tổ chức trong các lễ hội ở các vùng quê. Thời thanh niên từng là vận động viên xuất sắc của đội tuyển, nên hiện tại ông Trực được tín nhiệm giao trọng trách huấn luyện viên của đội tuyển. Ông Trực cho biết, đội tuyển vật xã Giao Hải đến nay đã gần 40 năm liên tục giữ vị trí đứng đầu của tỉnh và từng vinh dự đoạt giải Nhì đồng đội toàn quốc năm 1985. Dù ngày nay, bộ môn thể thao này đang dần bị mai một nhưng ông vẫn nỗ lực góp phần gìn giữ và “truyền lửa” cho những thế hệ sau hiểu hết và đam mê phát triển, lưu giữ môn vật truyền thống. Đồng chí Đỗ Ngọc Huỳnh, Chủ tịch UBND xã Giao Hải cho biết: “Ông Trần Trung Trực là một CCB vô cùng năng động. Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế cho gia đình mình, ông Trực còn là người tiên phong trong các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, tận tình giúp đỡ các hộ gia đình khác trong xã vươn lên phát triển kinh tế. Ông còn là người giữ và truyền lửa cho bộ môn vật truyền thống của địa phương. Bên cạnh đó, gia đình ông còn tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ các loại quỹ do Hội CCB và địa phương phát động nhằm chia sẻ khó khăn, tặng quà cho người nghèo và các cháu học sinh vượt khó, học giỏi, đóng góp xây dựng công trình phúc lợi xã hội tại địa phương. Ông Trực luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức Hội CCB cũng như người dân trong xã tin tưởng và đánh giá cao về những đóng góp cho địa phương”.
Trong những năm qua, ông Trực đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng của các cấp, ngành, đoàn thể vì có nhiều đóng góp trong phong trào từ thiện xã hội, làm kinh tế giỏi, tham gia sinh hoạt phát triển đội tuyển vật và tham gia nhiều hoạt động xã hội khác. Nhưng có lẽ, với ông, phần thưởng lớn nhất, mang giá trị tinh thần cao nhất mà ông có được chính là sự tin tưởng, nể trọng của người dân địa phương, coi ông như một tấm gương điển hình trong các phong trào xây dựng quê hương và phát triển sản xuất, kinh doanh./.
Bài và ảnh:
Thanh Hoa