Tăng cường quản lý nghề lưới kéo

04:12, 23/12/2016

Nghề lưới kéo đem lại “miếng cơm, manh áo” cho nhiều ngư dân, giúp ngư dân có thể đánh bắt được đa dạng đối tượng thủy, hải sản ở mọi vùng nước, tầng nước. Tuy nhiên, phương thức đánh bắt này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản do có tính chất triệt để mọi tầm tuổi đối tượng thủy sản nên cần chú trọng kiểm soát loại hình đánh bắt này và tuyên truyền nâng cao ý thức cho ngư dân hoạt động nghề lưới kéo.

Ngư dân huyện Giao Thủy chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến khai thác thủy sản ven bờ.
Ngư dân huyện Giao Thủy chuẩn bị ngư lưới cụ
cho chuyến khai thác thủy sản ven bờ.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 407 tàu thuyền khai thác hải sản bằng hình thức lưới kéo, chiếm 19,9% tổng số tàu thuyền. Đây cũng là một trong những hình thức khai thác hải sản được truyền từ đời này đến đời khác của nhiều ngư dân. Lưới kéo có dạng hình túi hoặc hình ống, một đầu được mở rộng, tiếp đó hẹp dần và bị bịt kín ở phần dưới để thu cá. Lưới kéo hoạt động theo nguyên lý “lọc nước, bắt cá”, là ngư cụ khai thác mang tính chủ động do cá khó có thể thoát ra khỏi lưới nếu không có khả năng chạy ngược ra khỏi miệng lưới. Thời gian qua, nghề lưới kéo phát triển mạnh nhưng phần lớn là phát triển theo tính tự phát khiến nguồn lợi thủy sản bị suy giảm đáng kể vì khai thác bằng hình thức lưới kéo không có chọn lọc, đánh bắt tất cả các loại hải sản từ lớn đến nhỏ làm cạn kiệt nguồn lợi, ảnh hưởng đến sinh kế của con người. Những loại cá nhỏ khi dính vào lưới đều bị đánh bắt hết, do cá bị lùa vào lưới bởi sức kéo của tàu nên nếu được thả ra cũng không sống được. Bên cạnh đó, một bộ phận ngư dân không có ý thức trách nhiệm, khai thác thủy sản bừa bãi gây mất trật tự an ninh vùng ven biển. Chẳng những thế, nghề lưới kéo trên địa bàn tỉnh ta cho thu nhập không cao. Ông Nguyễn Văn Dũng là ngư dân huyện Giao Thủy đã có thâm niên hàng chục năm làm nghề lưới kéo. Ông bộc bạch: “Tôi làm nghề này từ năm 16 tuổi, đây là nghề truyền thống của chúng tôi. Nghề lưới kéo giúp chúng tôi có thể khai thác bất kỳ loại thủy, hải sản nào từ lớn đến bé. Tuy nhiên, nếu đánh bắt được 4 tấn cá thì có tới 2 tấn là cá tạp nên hiệu quả giá trị thu nhập không được cao”. Ông cho biết thêm, qua nghe tuyên truyền và kinh nghiệm thực tế tôi cũng nhận thức được những bất cập của nghề này. Tuy nhiên muốn chuyển nghề, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì cần phải có lộ trình, thời gian và sự hỗ trợ của Nhà nước và các ban, ngành chức năng trong việc tạo nguồn vốn để những ngư dân làm nghề lưới kéo có điều kiện chuyển đổi nghề. Bởi hiệu quả kinh tế từ việc đánh bắt không cao nên ngư dân cũng không có tích lũy nhiều. Ngư dân Phạm Văn Minh (Giao Thủy) lại cho biết: “Đã gắn bó với nghề lưới kéo cả chục năm và hiện nay vẫn đang hoạt động nghề, nhưng qua thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng cũng như bản thân nhận thấy tiềm năng nghề lưới kéo không còn hiệu quả, nguồn thủy, hải sản đang cạn kiệt nên nếu có chủ trương khuyến khích chuyển đổi ngành nghề của Nhà nước thì có lẽ thời gian tới tôi sẽ tìm cách chuyển sang hình thức khai thác khác, phấn đấu để có thu nhập kinh tế cao hơn lại không gây thiệt hại đến tài nguyên thiên nhiên biển”.

Trước thực trạng trên, để đảm bảo nguồn lợi thủy sản phát triển bền vững, Sở NN và PTNT đã thông báo về chủ trương hạn chế cho đóng mới tàu làm nghề lưới kéo và cải hoán đối với các tàu thuyền làm nghề khác sang làm nghề lưới kéo; tập trung rà soát lại số phương tiện đang làm nghề, đồng thời tăng cường công tác truyền thông về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khuyến khích hỗ trợ ngư dân xây dựng các mô hình đồng quản lý ven bờ. Ngoài ra, Sở đã chỉ đạo Phòng NN và PTNT các huyện ven biển thúc đẩy hình thành các hội nghề cá, tăng cường vai trò của hội trong quản lý hoạt động nghề cá; xây dựng, hoàn thiện các quy định về nghề lưới kéo, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các vùng hạn chế hoạt động đối với các tàu thuyền sản xuất bằng nghề lưới kéo. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT cũng phối hợp với các ban, ngành liên quan để vận động nhóm ngư dân làm nghề lưới kéo chuyển sang nghề khác; tìm kiếm các nguồn lực khác hỗ trợ cộng đồng trong việc giáo dục, đào tạo nghề, hỗ trợ lãi suất ngân hàng để ngư dân có điều kiện chuyển đổi nghề. Khuyến khích nghề khai thác hải sản bằng những hình thức thân thiện với môi trường, bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy sản như các dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm góp phần giảm sự xâm hại đến nguồn thủy sản tự nhiên. Các địa phương ven biển cũng tích cực triển khai công tác quản lý nghề lưới kéo, tuy nhiên, công tác quản lý đóng mới phương tiện, khai thác bằng nghề lưới kéo của ngư dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đồng chí Đặng Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Giao Lạc (Giao Thủy) cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã Giao Lạc có rất nhiều ngư dân hoạt động nghề lưới kéo, đây là nghề truyền thống của ngư dân nên muốn thay đổi sang nghề khác cần phải có lộ trình, biện pháp lâu dài chứ không thể thực hiện trong ngày một ngày hai”.

Việc quản lý chặt chẽ nghề lưới kéo vừa góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi sinh, môi trường biển, vừa giúp người dân thực hiện khai thác bền vững và đạt hiệu quả cao. Vì đời sống lâu dài của người dân nên ngoài sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan chức năng, bản thân mỗi ngư dân cũng cần tích cực nâng cao nhận thức, nêu cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về khai thác thủy, hải sản./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

 



mẫu cv xin việc file word miễn phíHướng dẫn đọc sách online hiệu quả

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com