Tái cơ cấu nông nghiệp ở Mỹ Lộc: Còn nhiều khó khăn

08:12, 26/12/2016
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Mỹ Lộc đã áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới, thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi như: sử dụng một số giống lúa ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao, các mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình cánh đồng liên kết sản xuất theo chuỗi, các mô hình chuyển đổi trồng lúa, sản xuất muối kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, nuôi trồng thuỷ sản, xây dựng các trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung... góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
 
Cơ cấu cây trồng của Mỹ Lộc chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa. Các giống lúa dài ngày, năng suất cao nhưng chất lượng thấp được thay thế nhanh bằng các giống mới ngắn ngày có năng suất khá, chất lượng đáp ứng với yêu cầu thị trường như: BT7, BC15, TBR225... Các xã Mỹ Thịnh, Mỹ Hà, Mỹ Tân tích cực đưa các giống lúa mới là Hồng Đức 9, M1-NĐ, CS6… vào sản xuất. Cơ giới hóa các khâu sản xuất từ gieo sạ, làm đất đến thu hoạch tại Mỹ Lộc ngày càng mở rộng, cùng với việc đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật đã góp phần duy trì năng suất lúa của Mỹ Lộc đạt trên 105 tạ/ha/năm. Huyện đã xây dựng được một số mô hình liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ lúa gạo, là: Mô hình cánh đồng mẫu lớn tại xã Mỹ Hà với diện tích 48,5ha liên kết với Cty CP Lương thực miền Bắc, tổ hợp tác xóm Đông xã Mỹ Thịnh liên kết với Cty TNHH Toản Xuân sản xuất - tiêu thụ lúa BT7… Khuyến khích các địa phương thực hiện chuyển đổi những diện tích đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng các loại cây trồng, con nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn. Các xã Mỹ Tiến, Mỹ Hà chuyển sang trồng cây lâu năm như cam, bưởi; các xã Mỹ Thịnh, Mỹ Hà chuyển sang kinh tế trang trại tổng hợp; xã Mỹ Thắng phát triển nuôi thủy sản… Huyện đã có nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất theo hướng hiện đại như mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới theo hướng VietGAP tại xã Mỹ Thắng, tạo bước đột phá trong việc đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Mô hình trồng hoa doanh thu đạt 500 triệu đồng/ha/năm tập trung nhiều tại xã Mỹ Tân được mở rộng lên 143ha đã góp phần nâng cao đời sống nông dân. Chăn nuôi của Mỹ Lộc đang chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng sang chăn nuôi tập trung quy mô ngày càng lớn theo hướng nuôi công nghiệp và bán công nghiệp hộ gia đình đảm bảo vệ sinh môi trường. Các điều kiện vật chất, kỹ thuật và biện pháp thâm canh trong chăn nuôi ngày càng được tăng cường và từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi hàng hóa. Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học đã được chú trọng thực hiện như: nuôi lợn ngoại tỷ lệ nạc cao, vịt siêu trứng, chăn nuôi trong hệ thống chuồng kín, nhiều trang trại đã thực hiện việc xử lý chất thải chăn nuôi bằng hệ thống bi-ô-ga... Chăn nuôi lợn hướng nạc, lợn nái sinh sản đang có xu hướng phát triển nhanh; tỷ trọng lợn lai kinh tế, lợn thịt hướng nạc tăng nhanh trong cơ cấu đàn. Công tác tiêm phòng và vệ sinh thú y, phòng chống dịch bệnh được thực hiện hiệu quả, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin hằng năm đạt kết quả cao, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Toàn huyện có 655 trang trại, gia trại. Điển hình là trang trại nuôi 6.000 con gà đẻ trứng của anh Trần Bùi Nam ở xã Mỹ Trung, trang trại nuôi 3.600 con lợn của ông Hà Thanh Thảo xã Mỹ Tiến, trang trại nuôi 6.000 con gà công nghiệp của ông Trần Công Lộc xã Mỹ Hà… mỗi năm lãi hàng trăm triệu đồng. Trong thủy sản, nhiều đối tượng nuôi mới có giá trị và hiệu quả kinh tế cao được du nhập và phát triển tại các vùng nuôi như: cá trắm đen, lóc bông, cá cảnh... Tại xã Mỹ Hà đã mở rộng vùng nuôi cá trắm đen, gồm 30 hộ với diện tích nuôi hơn 30ha. Ở Mỹ Thắng phát triển nghề nuôi cá cảnh với hơn 40 hộ nuôi tập trung ở làng Kim. Mỹ Tân đang phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng. Tổng diện tích nuôi thủy sản của Mỹ Lộc đạt 890ha, sản lượng hằng năm đạt gần 2.400 tấn. Thời gian qua, Mỹ Lộc tích cực thực hiện các hoạt động thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của huyện. Hiện Cty TNHH Cường Tân đang đầu tư xây dựng trung tâm giống tại xã Mỹ Thuận. Tổng Cty Giống cây trồng Thái Bình xây dựng các mô hình sản xuất giống lúa chất lượng cao TBR225, BT7 kháng bạc lá, BC15… để nhân ra diện rộng. Cty CP Lương thực miền Bắc, Cty TNHH Toản Xuân tham gia chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa BT7 cho bà con nông dân…
Trang trại nuôi 6.000 con gà đẻ trứng của anh Trần Bùi Nam, xã Mỹ Trung.
Trang trại nuôi 6.000 con gà đẻ trứng của anh Trần Bùi Nam, xã Mỹ Trung.
Triển khai tái cơ cấu ngành Nông nghiệp ở Mỹ Lộc bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên Mỹ Lộc vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp chưa thực sự hiệu quả; một số xã chưa nhận thức đầy đủ ảnh hưởng đến công tác triển khai thực hiện. Nhiều mô hình tiến bộ kỹ thuật, mô hình tái cơ cấu nông nghiệp có hiệu quả cao như: chuyển đổi linh hoạt đất lúa, liên kết chuỗi giá trị… chưa được nhân rộng nhanh. Trong mô hình liên kết và tiêu thụ lúa ở Mỹ Lộc chỉ sử dụng giống BT7 nên không có khả năng nhân ra diện rộng, đặc biệt trong vụ mùa. Một số chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống như: hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch và khuyến khích cơ giới hóa, người dân khó tiếp cận được vốn vay tín dụng. Tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang không cấy đã và đang diễn ra ở nhiều nơi như: Mỹ Phúc, Mỹ Thắng, Mỹ Thành, Mỹ Hưng… do trồng lúa hiệu quả không cao. Diện tích canh tác bình quân đầu người thấp, sử dụng manh mún; nhận thức, tư tưởng của nông dân còn nhiều hạn chế
ảnh hưởng lớn đến quá trình tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa tập trung. Sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa của huyện đạt kết quả rất thấp (mỗi vụ chỉ đạt khoảng 10ha). Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư còn gặp khó khi sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khi quy mô sản xuất trên địa bàn huyện còn nhỏ, phân tán. Tỷ trọng nông sản, thực phẩm hàng hóa còn thấp, chất lượng chưa cao, khó cạnh tranh thị trường. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản tuy đã từng bước được đầu tư nâng cấp song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa cũng như yêu cầu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Hầu hết Ban nông nghiệp các xã hoạt động chưa hiệu quả; phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ ở nhiều HTXNN sau chuyển đổi chưa chuyển biến tích cực, chưa hỗ trợ nhiều cho phát triển kinh tế hộ xã viên.
 
Đồng chí Trần Tất Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Lộc cho biết: Trong thời gian tới, huyện sẽ khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao để chuyển dịch nhanh, toàn diện cơ cấu cây trồng, vật nuôi hàng hóa; phát triển cơ giới hóa sản xuất. Phấn đấu đến năm 2020 giá trị sản xuất của Mỹ Lộc đạt 112 triệu đồng/ha canh tác. Chuyển đổi mạnh phương thức cấy lúa truyền thống sang gieo sạ tại các vùng chủ động được nước. Tăng cường sử dụng các giống lúa chất lượng cao, gắn sản xuất với tiêu thụ. Mở rộng vùng nuôi cá trắm đen tại xã Mỹ Hà đạt 50ha; cải tạo cơ sở hạ tầng vùng nuôi, gồm: giao thông, thủy lợi, đầu tư xây mới hệ thống điện, nước phục vụ sản xuất…, từng bước nâng cao sản lượng, chất lượng, xây dựng được thương hiệu cho cá trắm đen của địa phương. Cải tạo hạ tầng vùng trồng hoa Mỹ Tân từ hệ thống điện lưới, nước tưới, hệ thống khung lưới…, đưa những giống hoa có giá trị kinh tế tăng thu nhập cho người trồng hoa. Hỗ trợ, mở rộng vùng trồng rau, quả an toàn tại xã Mỹ Thắng và nhân rộng mô hình sang các địa phương khác. Chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác hoặc lúa kết hợp nuôi thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn. Hỗ trợ kinh phí cải tạo đất; khắc phục tình trạng đất bỏ hoang không cấy lúa. Hướng dẫn, hỗ trợ tập huấn, thành lập HTX nuôi trồng thủy sản tại xã Mỹ Hà. Ưu tiên khuyến khích, hỗ trợ các mô hình thu gom, tích tụ ruộng đất sản xuất hàng hóa tập trung. Tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và tích cực triển khai các chương trình hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX của huyện với các doanh nghiệp lớn. Phối hợp, tạo điều kiện cho Cty TNHH Cường Tân xây dựng thành công trung tâm giống tại xã Mỹ Thuận và từng bước mở rộng xây dựng vùng giống ra các địa phương khác trong huyện. Hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản và ưu tiên nguồn lực cho việc thực hiện các nội dung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com