Hiện nay, các KCN của tỉnh đang thu hút gần 34 nghìn lao động làm việc tại 142 doanh nghiệp thuộc 166 dự án đầu tư; trong đó số lượng nhân lực đã ký hợp đồng lao động từ 12 tháng trở lên chiếm 97,8%; số lao động tham gia bảo hiểm xã hội chiếm 81%. Phân loại theo lĩnh vực ngành nghề cho thấy, lao động làm việc trong ngành dệt may chiếm tỷ lệ 63,25%; ngành cơ khí chế tạo và lắp ráp chiếm 16,3%; ngành chế biến gỗ chiếm 7,2%; sản xuất dược phẩm 3,5%; còn lại là sản xuất khác. Phân loại theo địa bàn, lao động trong tỉnh chiếm 73,4%; lao động ngoài tỉnh 26,6%; lao động trong các doanh nghiệp FDI là 52,8%; lao động tại các doanh nghiệp dân doanh có tỷ lệ 47,2%. Phân loại theo giới tính, lao động nam chiếm 22,8%; lao động nữ là 77,2%.
Trong các KCN của tỉnh hiện có 67,8% tổng số doanh nghiệp thành lập tổ chức công đoàn cơ sở; số doanh nghiệp tham gia xây dựng thang bảng lương chính chiếm 54%; tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký nội quy lao động chiếm 67,8%; tổng số doanh nghiệp đã xây dựng xong thoả ước lao động tập thể chiếm 37%. Hằng năm, các doanh nghiệp KCN thực hiện tuyển dụng khoảng hơn 4.000 lao động để thay thế và bổ sung vào các dây chuyền sản xuất mới. Theo Ban quản lý các KCN tỉnh, giá trị sản xuất công nghiệp KCN cả năm 2016 ước đạt 13.880 tỷ đồng, bằng 124,5% so với cùng kỳ năm trước; giá trị hàng hoá xuất khẩu là 510 triệu USD, tăng 176% so với cùng kỳ năm trước. Các cơ quan chuyên môn của Ban quản lý các KCN vừa thực hiện rà soát, phân loại tình hình hoạt động của doanh nghiệp đánh giá, hiện tại có 50% số doanh nghiệp hoạt động tốt, 37% số doanh nghiệp hoạt động bình thường và 13% số doanh nghiệp sản xuất cầm chừng hoặc dừng hoạt động. Trong đó, các doanh nghiệp ngành dệt may, sản xuất dược phẩm và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn ổn định, mở rộng sản xuất. Các doanh nghiệp ngành cơ khí, sản xuất nhựa gia dụng còn nhiều khó khăn. Về tình hình lao động, các doanh nghiệp KCN vẫn cơ bản bảo đảm ổn định việc làm, đời sống người lao động. Năm 2015, thu nhập của người lao động tại các KCN đạt bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Trong 11 tháng đầu năm nay, mức thu nhập bình quân đầu người tăng lên đạt 4,8 triệu đồng/tháng; cao hơn mức lương tối thiểu vùng khoảng 1,6 lần. Hiện nay, mức thu nhập bình quân đầu người so với doanh thu bán hàng đối với ngành dệt, may vẫn còn thấp nên đời sống của nhiều lao động chưa được cải thiện. Mặt khác, cơ cấu tiền lương làm thêm giờ ở các doanh nghiệp đang có xu hướng tăng lên, chiếm tới 22% tổng thu nhập của người lao động là biểu hiện của sự tận thu sức lực, rút ngắn tuổi thọ làm việc của công nhân. Bên cạnh đó, các khoản hỗ trợ từ phía doanh nghiệp như tiền ăn ca, đi lại, thuê nhà trọ… mới chiếm tỷ lệ gần 4% tổng thu nhập của người lao động, thể hiện mức độ quan tâm đầu tư chiều sâu đối với nhân lực còn quá ít. Hiện tại, các doanh nghiệp hoạt động ở KCN Bảo Minh đã có chủ trương trợ cấp khó khăn và thuê nhà ở xã hội cho công nhân. Mô hình này cần được nhân rộng tại các KCN đã hoạt động khá lâu như Hoà Xá, Mỹ Trung và tương lai là KCN Dệt may Rạng Đông. Như vậy, nhìn tổng thể bức tranh lao động KCN trong những năm qua cho thấy đời sống vật chất, tinh thần của công nhân còn nghèo nàn, một bộ phận nhân lực luôn có tư tưởng nhảy việc, tình trạng tranh chấp lao động vẫn xảy ra dẫn đến nguy cơ lãn công, đình công, ngừng việc tập thể là rất cao. Vấn đề nhà ở của người lao động chậm được giải quyết; xu hướng mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong các bếp ăn rất đáng quan ngại; trách nhiệm xã hội của chủ sử dụng lao động chưa tốt đang đặt ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước về lao động tại các KCN của tỉnh.
|
Sản xuất nến xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các nước EU tại Cty TNHH Universal Candle Việt Nam (KCN Hoà Xá). |
Xuất phát từ thực tế hoạt động, UBND tỉnh đã ban hành văn bản thống nhất việc quản lý toàn bộ nguồn lực lao động trong các KCN cần phải giao cho Ban quản lý các KCN thay vì có nhiều cơ quan, đơn vị như Sở LĐ-TB và XH, Thành phố Nam Định, các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Nghĩa Hưng thực hiện như trước đây. Mục tiêu của việc uỷ quyền quản lý lao động nhằm bảo đảm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lao động; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của KCN. Nội dung uỷ quyền quản lý lao động từ UBND tỉnh cho Ban quản lý các KCN tập trung vào 6 vấn đề lớn như: Tiếp nhận báo cáo giải trình của doanh nghiệp về nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người Việt Nam chưa đáp ứng được; nhận báo cáo về việc cho thôi việc nhiều người; tiếp nhận thoả ước lao động tập thể của doanh nghiệp KCN… Sở LĐ-TB và XH uỷ quyền cho Ban quản lý các KCN thực hiện 6 nội dung gồm: Cấp mới, cấp lại, thu hồi giấy phép lao động đối với người nước ngoài làm việc tại các KCN; nhận thông báo của doanh nghiệp về việc tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm… UBND cấp huyện và Thành phố Nam Định uỷ quyền cho Ban quản lý các KCN một nội dung là: Tiếp nhận hệ thống thang, bảng lương, định mức lao động của các doanh nghiệp KCN.
Sau hơn một năm thực hiện nhiệm vụ uỷ quyền quản lý lao động, Ban quản lý các KCN đã thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về lao động nhằm từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời giúp các doanh nghiệp giảm thiểu thời gian đến các cơ quan chức năng giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác lao động, từ đó tập trung nhiều hơn cho sản xuất, kinh doanh. Về kết quả cụ thể, Ban quản lý các KCN tỉnh đã xác nhận 27 lượt doanh nghiệp đăng ký nội quy lao động, trong đó có 15 đơn vị thực hiện đăng ký mới; tiếp nhận thoả ước lao động của 11 doanh nghiệp; tiếp nhận hệ thống thang bảng lương của 53 doanh nghiệp; tiếp nhận báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài của 16 doanh nghiệp trình UBND tỉnh chấp thuận; cấp mới giấy phép cho 91 lao động nước ngoài; cấp lại giấy phép cho 43 lượt lao động nước ngoài; tiếp nhận 21 thông báo của doanh nghiệp về nội dung làm thêm giờ; nhận các báo cáo định kỳ 6 tháng, một năm về sử dụng lao động ở các doanh nghiệp KCN. Đánh giá về kết quả bước đầu thực hiện uỷ quyền quản lý lao động, đồng chí Trần Minh Hoan, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh nhận định: Tình hình quản lý lao động đã có bước chuyển biến tích cực, tuy nhiên thực tế vẫn còn rất nhiều việc phải làm theo hướng chặt chẽ hơn khi số lượng lao động nước ngoài đến với Nam Định ngày càng đông; mức độ phát triển các KCN ngày càng nhanh; áp lực cạnh tranh cao dẫn đến phân cực doanh nghiệp ngày càng rõ rệt; cạnh tranh lao động có tay nghề cao đang diễn ra quyết liệt bởi lao động là nhân tố quyết định đến sự thành bại của mỗi doanh nghiệp trong giai đoạn nước ta đã hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới./.
Bài và ảnh:
Xuân Thu