Phát triển nghề khai thác thủy sản bền vững

07:12, 01/12/2016
Những năm qua, nghề khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mạnh, mang lại thu nhập khá cao cho bà con ngư dân, sản lượng khai thác năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, theo đánh giá của các ban, ngành chức năng, nghề khai thác thủy sản chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương và vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục.
Ngư dân huyện Hải Hậu đang chuẩn bị ngư cụ ra khơi.
Ngư dân huyện Hải Hậu đang chuẩn bị ngư cụ ra khơi.
Công tác thu thập dữ liệu khai thác và dự báo ngư trường chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất của ngư dân. Bên cạnh đó, nhận thức của ngư dân về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa cao, tình trạng vi phạm các quy định trong khai thác còn gia tăng dưới nhiều hình thức, làm suy giảm nguồn lợi và phá hủy môi trường sống của các loài thủy sản, trong khi đó, lực lượng kiểm tra, giám sát chưa được tăng cường gây khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Số lượng tàu, thuyền nhỏ khai thác ven bờ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 62,5% tổng số tàu, thuyền. Đặc biệt, hiện tượng tàu cá sử dụng xung điện, kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định để khai thác làm suy giảm nguồn lợi thủy sản, gây ô nhiễm vùng biển ven bờ vẫn còn xảy ra ở một số địa phương. Hệ thống cơ sở hạ tầng nghề cá phục vụ cho hoạt động khai thác và tiêu thụ thủy sản của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ nghề khai thác thủy sản; các dịch vụ cơ sở hậu cần nghề cá, nhất là các cảng cá, bến cá, cung ứng dịch vụ xăng dầu, nước đá, nước ngọt quy mô còn nhỏ, manh mún. Mạng lưới chợ cá của tỉnh còn ở trạng thái đang phát triển nên chưa kích thích sản xuất. Việc tiêu thụ sản phẩm khai thác ở các chợ phần lớn do các thương lái đảm nhiệm nên tình trạng thương lái ép giá thu mua sản phẩm của ngư dân khi số lượng tàu cập cảng nhiều ngày càng phổ biến. Trong khi giá nhiên liệu và những chi phí đầu vào cho khai thác tăng không ngừng đang gây ra những khó khăn lớn cho ngành khai thác thủy sản… Để nghề khai thác thủy sản phát triển bền vững, tương xứng với thế mạnh trong phát triển kinh tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN và PTNT tập trung tổ chức triển khai thực hiện một số giải pháp chính như giảm dần lực lượng tàu, thuyền khai thác ven bờ, phát triển đội tàu khai thác xa bờ; đầu tư xây dựng cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá đáp ứng được yêu cầu sản xuất của ngành; xây dựng khu neo đậu tránh, trú bão, các cảng cá, bến cá, chợ đầu mối thủy sản, áp dụng và chuyển giao các công nghệ khai thác tiên tiến, ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát nghề cá trên biển; xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất trên biển theo hình thức tổ, đội sản xuất; thực hiện chuyển đổi nghề nghiệp cho các tàu khai thác ven bờ kém hiệu quả, khai thác nhỏ sang nuôi thủy sản và các dịch vụ khai thác thủy sản; hướng dẫn cho ngư dân tổ chức di chuyển lực lượng khai thác tại các ngư trường trọng điểm để nâng cao hiệu quả khai thác. Sở NN và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản để ngư dân hiểu, thực hiện nghiêm túc và không vi phạm; chỉ đạo Thanh tra sở thường xuyên tổ chức các đợt thanh, kiểm tra các cơ sở đóng mới tàu cá, các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngư lưới cụ trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn cho ngư dân, chủ tàu thủ tục xin cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá. Phân công cán bộ trực tiếp xuống cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu, thuyền để tuyên truyền, hướng dẫn và tham gia cùng ngư dân thực hiện đánh dấu tàu cá bằng sơn màu vàng cam và hướng dẫn cho ngư dân cách ghi nhật ký khai thác theo mẫu mới theo quy định của Bộ NN và PTNT. Chi cục Thủy sản đã phối hợp với UBND các huyện tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản các quy định của Bộ NN và PTNT về xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác; hướng dẫn ngư dân đăng ký tham gia lớp đào tạo thuyền viên vận hành tàu cá vỏ thép, hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới. Đến nay, đã có 578 thuyền viên của 4 huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng và Trực Ninh đăng ký tham gia khóa đào tạo đợt 1. Đội tàu khai thác, đánh bắt hải sản đã được từng bước hiện đại hóa như hỗ trợ máy dò cá, thiết bị định vị… Nhiều ngư dân đã chủ động đầu tư và áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến để nâng cao năng lực và hiệu quả khai thác trên các vùng biển. Tuy nhiên một số ngư dân không có đủ khả năng đầu tư. Anh Nguyễn Văn Xướng, xã Hải Hòa (Hải Hậu) cho biết: “Tôi cũng rất muốn lắp thiết bị hiện đại để đánh bắt nhưng chi phí đầu tư trang thiết bị quá lớn, lên đến hàng trăm triệu đồng nên tôi mong Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ tín dụng để những ngư dân hạn chế về năng lực kinh tế như tôi có cơ hội đầu tư, tiếp cận công nghệ đánh bắt hiện đại, qua đó nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản, góp phần nâng cao đời sống”.
 
Kinh tế biển đã được xác định là một trong 3 mũi nhọn kinh tế của tỉnh. Thời gian tới, các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường vai trò và nhiệm vụ của mình cũng như quan tâm sâu sát đến ngư dân để khai thác thủy sản ngày càng phát triển, nâng cao hiệu quả đánh bắt./.
 
Bài và ảnh: Thanh Hoa


Hiểu rõ gen z là gì Khám phá exp nghĩa là gì

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com