Cách Thành Nam hơn 10km về phía nam, cánh đồng thôn Bái Dương xã Nam Dương (Nam Trực) quanh năm bạt ngàn màu xanh các loại rau màu. Những ngày này ở Bái Dương, từ trong nhà ra ngoài đồng, không khí gieo trồng, chăm bón, thu hoạch rau màu… rất nhộn nhịp. Vừa thu hoạch xong su hào, bắp cải, bà con đã tranh thủ làm đất ngay để xuống giống vụ rau mới phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Nhờ vào đặc thù đồng đất màu mỡ, kinh nghiệm thâm canh cao nên những năm gần đây những cánh đồng rau màu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Bái Dương.
Nông dân thôn Bái Dương, xã Nam Dương (Nam Trực) thu hoạch su hào vụ đông. |
Nhanh tay chuyển những cây su hào lá xanh mơn mởn, củ tròn căng bóng lên bờ, ông Nguyễn Văn Thực ở xóm 6 phấn khởi khoe với chúng tôi: Có lẽ thấu hiểu được những khó nhọc, vất vả của người nông dân nên từ đầu vụ đông đến nay, thời tiết tương đối thuận lợi. Những cánh đồng rau màu cũng tươi tốt hơn. Nhìn những luống rau màu xanh mướt đang bước vào vụ thu hoạch mà vui con mắt, mát cái bụng. Rau đang được mùa, được giá nên nông dân phấn khởi lắm. Với mỗi sào trồng 2.000 gốc, hiện su hào có giá 4.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư về giống, phân bón và thuốc sâu, 5 sào su hào này cũng cho lãi trên 25 triệu đồng. Thu hoạch xong tôi sẽ tiếp tục trồng 1 vụ su hào đón Tết nữa với giá bán sẽ là gấp đôi. Theo hạch toán của ông Thực, một năm ông trồng 4 vụ theo công thức luân canh: dưa lê (vụ xuân) - lúa (vụ mùa) - 2 vụ su hào đông thì 5 sào trồng màu cũng giúp ông bỏ túi 100 triệu đồng, đó là chưa cần tính đến vụ lúa mùa đảm bảo lương thực. Trên cánh đồng xóm 1, chị Nguyễn Thị Tuyết đang chăm sóc cho cây đỗ cô-ve. Chị Tuyết bộc bạch: Trồng rau màu vất vả lắm. Lúc nào cũng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Không chỉ có thế, trồng màu còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Thời tiết thuận thì không sao, nhưng gặp phải mưa bão thì cũng không nói mạnh được. Do vậy chỉ đến khi nào bỏ tiền vào túi rồi mới yên lòng được. Những năm qua, với kinh nghiệm thâm canh hơn chục năm, tôi đã thực hiện trồng luân canh, xen canh nhiều loại cây rau màu trên 3 sào ruộng của gia đình: vụ xuân trồng lạc - vụ hè thu trồng đỗ dải áo, dưa lê, dưa hấu - vụ đông trồng khoai tây, súp lơ, su hào, đỗ cô-ve… nên cũng có “của ăn, của để”. Cũng như ông Thực, chị Tuyết, dù vất vả nhưng những người nông dân vùng đồng màu Bái Dương lâu nay vẫn cần mẫn bám ruộng. Dường như đất đai ở đây bốn mùa không lúc nào ngơi nghỉ. Đất chẳng phụ công người, chỉ với vài sào rau màu mà cuộc sống của người dân đã khấm khá, có điều kiện nuôi các con ăn học và tích lũy. Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng đã tạo nên những cánh đồng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hiện toàn xã Nam Dương có 220ha trồng màu thì có 150ha tập trung ở 7 xóm của thôn Bái Dương. Đồng chí Vũ Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HTXDVNN Nam Dương cho biết: Từ nhiều năm nay, hệ số sử dụng đất của Bái Dương lên tới 3-4 lần/năm. Vùng chuyên canh, nhờ thực hiện quay vòng 6-8 lần, cho giá trị gấp 3-5 lần so với cấy hai vụ lúa nên bà con hưởng ứng rất nhiệt tình, mọi người, mọi nhà thi đua thâm canh tăng vụ. Các loại rau được trồng rất đa dạng, từ cây lạc, khoai tây, cà chua, bí xanh, cải bắp, su hào đến xà lách, rau cải, đỗ, dưa lê, dưa hấu... Người dân trồng rau theo nhu cầu của thị trường nên sản phẩm được tiêu thụ nhanh, có giá trị kinh tế cao. Mùa nào cây nấy, nông dân Bái Dương không cho đất nghỉ nên đồng ruộng bốn mùa xanh tươi. Ranh giới giữa thời vụ chính xuân hè, hè thu và vụ đông hằng năm bị xóa nhòa bởi bà con nơi đây liên tục trồng luân canh, xen canh, gối vụ hoặc trồng trái vụ các loại rau màu. Đáp ứng nhu cầu sản xuất, một số hộ dân nhạy bén mở đại lý cung cấp cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu ngay tại làng, tạo sự tiện lợi, thông suốt trong sản xuất. Cùng với sự hình thành các hệ thống kho lạnh bảo quản, một số hộ dân năng động lại mở đại lý thu mua nông sản rồi mang đi khắp đất nước tiêu thụ. Do vậy, rau quả ở Bái Dương thu hái tới đâu, hết tới đó, luôn xanh tươi. Quanh năm, nhất là vào những tháng giáp Tết, các phương tiện tấp nập ra vào vận chuyển rau lên thành phố và đi các tỉnh để tiêu thụ. Nhiều nông dân ra đồng từ 5 giờ sáng đến khi trời tối mới về nhà. Vui thay! Sự tất bật ấy đang giúp mong ước bao đời của nhiều hộ dân ở Bái Dương về một cuộc sống sung túc đã thành hiện thực. Việc tưới nước cho cây cũng không còn “thủ công” như trước. Nhà nào cũng đã đầu tư khoan giếng ngay đầu ruộng. Mỗi khi cần, lắp máy vào bơm là có nước tưới. Ruộng đất ở Bái Dương giờ quý đến nỗi nhà nào neo người không làm được là nhiều người tìm cách thuê lại cho bằng được… Do yêu cầu của quá trình đô thị hóa, đất nông nghiệp của địa phương ngày càng bị thu hẹp trong khi đó nghề trồng rau màu ở thôn Bái Dương đang ngày càng chứng tỏ là hướng đi hiệu quả trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và mức sống của người dân. Chính vì vậy, vùng đồng màu Bái Dương đang được xem là một trong những mô hình kiểu mẫu cần được nhân rộng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời vụ, tăng hệ số quay vòng của đất và tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác để thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Nhờ giá trị cao của rau màu, nhiều nông dân Bái Dương miệt mài gắn bó với đồng ruộng, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Công sức của họ đã được đền đáp xứng đáng khi mức thu nhập ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, để vùng chuyên canh rau màu phát triển bền vững, vấn đề người nông dân quan tâm nhất chính là khâu tiêu thụ với nguy cơ thường trực “được mùa, mất giá”. Đã có một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng đã tìm về Bái Dương để “bắt tay” hợp tác thực hiện mô hình “nông dân sản xuất, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm”. Nhưng do lợi ích hai bên “vênh” nhau thành thử cái bắt tay cứ lỏng dần rồi dứt hẳn. Ước mơ được mùa, được giá của người Bái Dương vì vậy nhiều khi vẫn chỉ là ước mơ./.
Bài và ảnh: Thiên Linh (Học viện BC và TT)