Những năm qua, xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng) đã tập trung thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể đầu tư phát triển đa dạng ngành nghề nông thôn, tạo việc làm ổn định cho gần 2.000 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, Nghĩa Minh đã trở thành xã đa nghề: sửa chữa và đóng mới phương tiện vận tải thủy; mộc dân dụng, cơ khí, sản xuất giày da xuất khẩu; khâu nón, sản xuất vật liệu xây dựng theo công nghệ lò tuy-nen; sơ chế dược liệu…
Từ năm 2010 về trước, xã Nghĩa Minh cơ bản thuần nông, kinh tế chủ đạo phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Xã có tổng số dân trên 5.000 người, trong đó có gần 2.600 lao động trong độ tuổi; bình quân ruộng đất thấp, chỉ đạt 1,6 sào/khẩu nên thời điểm nông nhàn hàng trăm lao động của xã phải đi làm ăn xa để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Trước tình hình đó, trong giai đoạn 2010-2015, Đảng uỷ, UBND xã đã tập trung lãnh đạo đề ra nhiều biện pháp phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển đa dạng ngành nghề sản xuất CN-TTCN để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân… Nhờ sớm hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, diện tích đất công được quy hoạch gọn vùng để tạo mặt bằng lớn cho phát triển điểm công nghiệp nông thôn. Bên cạnh đó, xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân khẩn trương giải tỏa mặt bằng, hỗ trợ đơn vị thi công nhanh chóng hoàn thành khoảng 2km Quốc lộ 37B đi qua địa bàn, tăng năng lực kết nối giao thông, năng lực vận tải. Để các hộ có điều kiện tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất, ngoài tạo điều kiện thủ tục hành chính, mặt bằng, xã đã đứng ra tín chấp với các tổ chức tín dụng cho người dân vay vốn với tổng dư nợ lên đến trên 30 tỷ đồng. Hằng năm, xã Nghĩa Minh đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức gần 20 lớp dạy các nghề: may công nghiệp, mộc dân dụng, cơ khí… cho hàng trăm lượt lao động tham gia. Phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng về nguồn lao động dồi dào và thực hiện đồng bộ các biện pháp thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất, đến nay xã Nghĩa Minh đã cơ bản phá được thế “độc canh nông nghiệp”. Hiện tại trên địa bàn xã có 1 dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng theo công nghệ lò tuy-nen của Cty CP Liên Minh với công suất 20 triệu viên/năm. Hiện tại, Cty đang tạo việc làm cho khoảng 100 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, phát huy lợi thế nằm liền kề với làng nghề khâu nón truyền thống nổi tiếng Đào Khê (Nghĩa Châu); cả 9/9 xóm trong xã cũng được nhân cấy và phát triển thành công nghề khâu nón, thu hút từ 300-400 lao động tham gia. Là nghề phụ, tranh thủ lúc rỗi rãi nên nghề khâu nón làm được quanh năm, tận dụng được cả thời gian và lao động nhiều độ tuổi, bình quân người làm nghề cũng có thêm nguồn thu từ 50-60 nghìn đồng/ngày. Từ năm 2010 đến nay, nghề may công nghiệp cũng phát triển với 2 cơ sở sản xuất của các ông, bà: Nguyễn Thị Nguyệt, xóm 1; Vũ Văn Tuấn, xóm 4. Mỗi cơ sở có từ 20-25 lao động tập trung, chuyên nhận gia công các loại trang phục cho các doanh nghiệp may lớn trong huyện, tỉnh với mức lương công nhân từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Các nghề khác như: mộc, cơ khí cũng phát triển mạnh và đều ở cả các thôn trong xã. Toàn xã hiện có hơn 10 xưởng mộc quy mô từ 3-5 lao động/cơ sở với các loại sản phẩm chính là giường, tủ, bàn, ghế…, một số hộ quy mô lớn hơn thường xuyên thu hút từ 7-10 lao động như hộ các ông: Bùi Văn Ngờ, xóm 9; Tống Văn Hợi, xóm 1… Thực hiện chủ trương xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công của Chính phủ và của tỉnh, từ năm 2012, được sự hỗ trợ tích cực của các phòng chức năng và UBND huyện, xã Nghĩa Minh đã hoàn thành 100% kế hoạch, thu hồi được hơn 3ha đất bãi sông Đào để chuyển sang phát triển công nghiệp đóng tàu. Đến nay, khu vực bãi sông Đào thuộc xóm 1 và xóm 4 của xã đã thu hút được 2 doanh nghiệp đóng tàu là Cty TNHH Vận tải biển Hồng Thái và Cty TNHH một thành viên Vận tải và Kinh doanh Thương mại Nam An. Hiện nay, ngoài đội tàu vận tải 5 chiếc tải trọng từ 800-1.000 tấn, Cty Hồng Thái còn sửa chữa và đóng mới các loại phương tiện vận tải thủy với tải trọng đến 1.500 tấn, tạo việc làm thường xuyên cho trên 50 lao động với mức lương bình quân khoảng 6-7 triệu đồng/người/tháng. Thành lập và hoạt động từ cuối năm 2014, trong năm 2015, Cty TNHH một thành viên Vận tải và Kinh doanh Thương mại Nam An đã đóng mới được 3 tàu từ 1.200-1.900 tấn. Hiện tại, trên sân bãi rộng gần 10 nghìn m
2 của Cty đang đồng loạt triển khai đóng mới 4 tàu 2.000 tấn (trong đó có 2 tàu đẩy, 2 tàu vận tải); tạo việc làm cho trên 60 lao động địa phương với tiền công từ 220-250 nghìn đồng/người/ngày. Ngoài ra, trong năm 2016, xã Nghĩa Minh còn thu hút thành công dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giày da xuất khẩu của Cty TNHH Golden Victory Việt Nam với tổng diện tích 9,3ha. Hiện tại, Cty đang khẩn trương xây dựng nhà xưởng và các hạng mục phụ trợ để phấn đấu hoàn thành và đi vào hoạt động tháng 7-2017, dự kiến thu hút 4.000 lao động.
Phát triển sản xuất CN-TTCN với đa dạng ngành nghề, tạo việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn đang là hướng phát triển kinh tế đúng đắn của xã Nghĩa Minh. Cơ cấu kinh tế của xã đã có sự chuyển biến tích cực, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm xuống còn 37%; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm 63%; bình quân thu nhập đầu người năm 2016 ước đạt từ 34-35 triệu đồng. Thời gian tới, xã Nghĩa Minh tiếp tục khuyến khích các hộ đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển sản xuất CN-TTCN theo hướng đa ngành, đa nghề, thu hút nghề mới để tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương để củng cố các tiêu chí xây dựng NTM bền vững./.
Thành Trung