Trên địa bàn tỉnh ta, cây Atiso đỏ là loại cây trồng còn khá mới lạ. Cách đây 2 năm, một người cháu của bà Đinh Thị Hòa, xóm Trung, xã Yên Khánh, Ý Yên mang từ Thanh Hóa ra 2 cây để trồng thử trên đất vườn nhà. Thấy cây dễ trồng, không tốn công chăm sóc, quả của cây lại có nhiều tác dụng, bà Hòa nhân rộng ra vườn. Ngay năm đầu tiên, cây đã cho thu hoạch. Theo uớc tính, vụ mùa năm thứ 2, bà Hòa thu hoạch trung bình 5-7 tạ hoa/sào (hoa cho thu hoạch nhiều đợt). Với giá bán hiện tại từ 10-15 nghìn đồng/kg hoa tươi, bà Hòa thu lãi 7-10 triệu đồng/sào.
Bà Đinh Thị Hoà, xóm Trung, xã Yên Khánh (Ý Yên) chăm sóc cây Atiso đỏ trong vườn nhà. |
Trong khi nhiều nơi xem cây Atisô đỏ là loài cây dại, mọc tràn lan thì bà Hoà lại không thấy vậy. “Đất vườn nhà tôi là đất chua, vì thế nhiều năm trồng các loại cây ăn quả hoặc cây lưu niên đều không cho hiệu quả kinh tế cao, cây cối thường rất còi cọc, ít quả. Nhưng khi tôi trồng thử Atiso đỏ, không ngờ cây lại lớn nhanh và cho nhiều nụ như thế. Tôi biết rằng, đây là loại cây rất dễ thích nghi, dễ trồng và dễ sống”, bà Hoà kể về những ngày đầu tiên trồng Atiso đỏ. Nhận thấy được tiềm năng phát triển của loại cây này, bà đã mày mò, học hỏi đưa cây Atisô về trồng trên đất vườn nhà. Cây Atiso đỏ có nhiều cách trồng, có thể trồng bằng cây con hoặc trồng bằng hạt giống. Bà Hòa dùng cách thứ hai để duy trì vườn Atiso trong nhà. Theo đó, mùa xuân bà Hòa bắt đầu “xuống giống”, chọn những hạt Atiso mẩy, to, đều từ mùa trước để trồng trong vườn ươm. Sau khi hạt giống mọc thành cây, bà cho cây non vào bịch và cứ hai tuần tưới một lần và làm tốt việc phòng trừ sâu bệnh cho vườn ươm. Vì cây Atiso đỏ thích hợp với khí hậu dịu mát nên bà Hòa chủ yếu trồng ở ven ao. Bà cũng rất chú ý đến khoảng cách giữa các cây trồng. Theo đó, bà Hòa trồng Atiso đỏ với tỷ lệ khoảng cách là 65-70cm/cây nếu trồng dày và 80-90cm/cây nếu trồng thưa. Thường thì trồng với khoảng cách 80-90cm, bởi, đối với Atiso đỏ, không nên trồng quá dày do đường kính của cây khá lớn. Khi trồng dày, cây không đón được nhiều gió dẫn đến dễ bị bệnh nấm sương. Sau khi trồng từ 90-100 ngày, cây sẽ ra nụ. “Đặc tính của cây Atiso đỏ là ưa mát nên tôi còn phải chú ý đến việc tưới nước giữ độ ẩm cho cây, đặc biệt là vào mùa hè, đảm bảo độ ẩm trong đất phải đạt trên 80%. Tuy nhiên, nếu độ ẩm đất quá cao và kéo dài, đặc biệt vào mùa mưa có thể sẽ gây chết cây con. Có thể sử dụng các loại phân bón lá để phun xịt cho cây con sinh trưởng tốt”, bà Hòa chia sẻ thêm. Tuân thủ đúng quy trình ươm trồng, chăm sóc, vườn Atiso đỏ nhanh chóng xanh tốt và cho rất nhiều nụ. Cũng theo bà Hòa, trong các loại cây mà bà đã trồng trong vườn nhà, cây Atiso đỏ là loại “dễ tính” và trồng “nhàn” nhất, ngoài việc tưới nước thường xuyên thì hầu như cây không cần chăm sóc nhiều. Cây Atiso đỏ cho thời gian thu hoạch khá lâu có thể kéo dài đến gần cuối năm. Để tiết kiệm chi phí và đảm bảo chất lượng nguồn cây giống, bà đã tự chọn giống trên vườn nhà. Không chỉ sản xuất giống để đáp ứng diện tích vườn của gia đình, “thời gian tới, nếu việc trồng cây thuận lợi, tôi có thể cung cấp giống cho những ai có nhu cầu muốn trồng loại cây này”, bà Hòa cho biết. Thu hoạch xong bà đã chọn hạt giống, chặt bỏ cây chuẩn bị cho một mùa gieo trồng mới. Cây Atiso đỏ có thể cho tận thu được từ nụ đến lá. Đối với nụ hoa do có hàm lượng vitamin C rất cao nên người ta thường dùng để làm trà, làm thuốc, làm mứt, làm si-rô, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, lợi tiểu, lợi mật… Còn theo một số nghiên cứu của Tây y, ngoài những công dụng tuyệt vời trên, hoa Atiso đỏ có chứa nhiều chất nhưng quan trọng nhất là diosgenin, gitogenin và clorogenin. Đây là những thành phần quan trọng đã được ngành y dược của nhiều quốc gia ứng dụng để bào chế thuốc tăng cường sinh lý. Tuy nhiên, hiện tại ở tỉnh ta, đầu ra cho sản phẩm nụ hoa của cây Atiso đỏ vẫn chưa ổn định. Người dân trồng Atiso đỏ chủ yếu bán sản phẩm cho các thương lái cung cấp đi thị trường Trung Quốc, giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào phía thương lái. Vì vậy, có nhiều thời điểm nông dân bị ép giá, dìm giá hoặc bán với giá rẻ mạt. “So với nhiều loại cây trồng khác thì cây Atiso đỏ cho giá trị kinh tế cao hơn. Nhưng điều chúng tôi lo ngại nhất vẫn là thị trường không ổn định do thói quen sử dụng và hiểu biết của người dân về các sản phẩm của cây này chưa nhiều. Do vậy, đầu ra của sản phẩm hiện vẫn khá bấp bênh”, bà Hòa lo lắng. Vụ Atiso đỏ năm nay còn kéo dài đến khoảng hết tháng 12, theo ước tính của bà Hòa, tính đến thời điểm hiện tại với hơn 2 sào cây, bà đã bán được khoảng gần 15 triệu đồng tiền nụ hoa. “Tôi đã đi tham quan nhiều mô hình trồng Atiso đỏ ở một số nơi; với hiệu quả kinh tế từ cây trồng này, tôi nghĩ mô hình sẽ được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Khi đã có nhiều người trồng hơn, tôi hy vọng sẽ có những người mạnh dạn đứng ra thành lập nhà máy chế biến loại dược liệu quý này. Thứ nhất để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, thứ hai nâng giá thành sản phẩm, ổn định thị trường tiêu thụ. Được thế thì người nông dân chúng tôi mừng lắm”, bà Hoà nói.
Với nhiều lợi ích cho sức khỏe nên từ lâu, Atiso đỏ đã được người dân nhiều nước trên thế giới tin dùng. Du nhập vào Việt Nam muộn hơn, hiện nay ở một số nơi như Sapa, Đà Lạt, Bình Thuận. Phú Thọ… nhiều hộ nông dân đã đầu tư quy mô lớn để trồng loại cây này. Từ hiệu quả kinh tế mô hình trồng Atiso đỏ của bà Đinh Thị Hòa, hy vọng thời gian tới, sẽ có nhiều người tìm hiểu, trồng và nhân rộng, đưa loại cây này cùng với những cây dược liệu như đinh lăng, hòe… trở thành thế mạnh cây dược liệu trên địa bàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Hoa Quyên