Với sự hỗ trợ nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu, 3 năm trở lại đây nhiều hộ gia đình ở xã Hải Toàn (Hải Hậu) đã mạnh dạn đầu tư cải tạo vườn tạp sang trồng cây đinh lăng dược liệu mang lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM ở địa phương.
|
Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu, gia đình bác Trần Văn Tấn, xóm 12, xã Hải Toàn đã chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây đinh lăng dược liệu cho thu nhập cao. |
Vừa dẫn chúng tôi đi thăm một số mô hình chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây dược liệu của xóm 12, đồng chí Nguyễn Cao Khải, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã vừa hồ hởi giới thiệu: Trước đây xóm 12 là một trong những xóm nghèo nhất của địa phương. Mọi thu nhập của người dân nơi đây chỉ trông vào cây lúa nên đời sống của trên 120 hộ gia đình gặp không ít khó khăn. Thực hiện chủ trương xây dựng NTM mới của huyện và Đảng bộ, chính quyền, HND xã đã xác định tập trung đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng chính là giải pháp quan trọng để nâng cao thu nhập cho người dân ở các xóm. Được Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu ủy thác HND xã quản lý một nguồn vốn chính sách cho các hội viên và người dân trong xã vay theo các chương trình: cho vay giải quyết việc làm; chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; chương trình cho vay học sinh, sinh viên; chương trình nước sạch vệ sinh và môi trường nông thôn… với tổng dư nợ 8,4 tỷ đồng. Nhờ có nguồn vốn trên, các hộ gia đình trong xã đã mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, nếp làm cũ, cải tạo vườn tạp và những thửa ruộng không thuận lợi cho sản xuất lúa sang trồng cây đinh lăng làm nguyên liệu cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm. Bác Trần Văn Tấn ở xóm 12 cho biết: Nhà tôi có hơn 3 sào vườn, nhận thấy cây đinh lăng lá nhỏ là giống cây dễ trồng, không phải mất nhiều công chăm sóc, bảo vệ nên tôi đã làm hồ sơ và được Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu đồng ý cho vay 40 triệu đồng làm vốn mua giống, phân bón và đầu tư công sức cải tạo vườn để trồng cây đinh lăng. Khi cây đinh lăng còn nhỏ có thể trồng xen các loại rau màu, ngô, gừng để tận dụng, khai thác tiềm năng đất, tăng thêm thu nhập trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác; đồng thời hạn chế cỏ dại mọc, che nắng, rét giúp cây đinh lăng sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện, tôi đã chuyển đổi được hơn 1,5 sào sang trồng cây đinh lăng. Dự kiến sang đầu năm 2017 sẽ cho thu hoạch vụ đầu tiên, với nguồn thu hàng trăm triệu đồng… Với sự hỗ trợ tích cực của Ngân hàng CSXH huyện, nguồn vốn cho vay ưu đãi của HND huyện, phong trào cải tạo vườn tạp sang trồng cây đinh lăng làm dược liệu ở xã Hải Toàn trong 3 năm trở lại đây đã phát triển khá mạnh. Từ một vài gia đình trồng ban đầu, đến nay cả xã đã có tới vài trăm hộ trồng loại cây này với tổng diện tích hơn 15ha. Nhận thấy phong trào trồng cây đinh lăng ở địa phương phát triển khá mạnh, UBND xã đã chỉ đạo các hội, đoàn thể hướng dẫn các hộ trồng đinh lăng thành lập Tổ hợp tác Trồng và Chế biến dược liệu Hải Toàn nhằm hỗ trợ nhau trong quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ thành phẩm. Sau khi được thành lập, Tổ hợp tác đã được Tổ chức Helvetas - một tổ chức phi Chính phủ của Thụy Sỹ triển khai thực hiện Dự án Thương mại Sinh học (BioTrade) hỗ trợ kinh phí triển khai trồng và xây dựng, lắp đặt hệ thống máy sấy phục vụ việc sơ chế cây đinh lăng cung cấp cho Cty CP Traphaco. Giá bán đinh lăng dược liệu được Cty CP Traphaco ký hợp đồng với mức thỏa thuận cao hơn 10% giá thị trường tại thời điểm xuất hàng. Nhờ đó, sản lượng đinh lăng của các gia đình sản xuất ra đến đâu đều được Tổ hợp tác thu mua và bao tiêu hết đến đấy nên các hộ dân rất yên tâm và phấn khởi. Bác Nguyễn Văn Lành, tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: Với sự hỗ trợ kịp thời nguồn vốn đầu tư ban đầu cho các hộ trồng cây đinh lăng của Ngân hàng CSXH huyện cùng sự hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch cây đinh lăng theo tiêu chuẩn VietGap của BioTrade, Cty CP Traphaco nên từ một vài thành viên ban đầu ở xóm 12, đến nay Tổ hợp tác đã thu hút hơn 40 hộ gia đình ở cả 12 xóm trong toàn xã Hải Toàn tham gia. Dự kiến đến đầu tháng 1-2017, Tổ hợp tác sẽ xem xét kết nạp thêm khoảng 15 thành viên nữa ở xóm 8 và xóm 11 (xã Hải An) để bảo đảm có đủ nguồn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của Cty CP Traphaco. Không chỉ lo bao tiêu thành phẩm cho các hội viên và các hộ trồng đinh lăng ở địa phương, Tổ hợp tác còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động ở địa phương, với mức thu nhập trên 4 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, toàn bộ diện tích trồng đinh lăng của các thành viên trong Tổ hợp tác đều được lập bản đồ theo dõi, phân công cán bộ kỹ thuật giám sát hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ, hướng dẫn người dân không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế dùng các loại phân tươi để bón và dùng nước sạch để tưới cho đinh lăng… Do vậy năng suất lá đinh lăng ở Hải Toàn đạt khoảng 1,5-1,6 tấn/sào, với giá bán tại thời điểm hiện nay là 27 nghìn đồng/kg thì doanh thu mỗi sào đạt 40,5-43,2 triệu đồng, cao gấp hơn 40 lần cấy lúa. Làm ăn hiệu quả nên việc trả tiền gốc, tiền lãi của người dân trên địa bàn xã luôn được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, không có nợ xấu, nợ khoanh.
Để phát huy hiệu quả nguồn vay trên địa bàn xã Hải Toàn, Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu thường xuyên phối hợp với các tổ chức, đoàn thể chính trị nhận ủy thác, gồm: HND, Hội Phụ nữ, Hội CCB, Đoàn Thanh niên xã xuống tận các hộ được vay vốn kiểm tra mục đích sử dụng vốn. Thường xuyên chỉ đạo các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) phân công cán bộ trực tiếp xuống các hộ đã được giải ngân đôn đốc, động viên và hướng dẫn các hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Tăng cường kiểm tra, giám sát trong việc chấp hành các quy định cho vay của các hộ vay vốn; đồng thời kiểm tra việc sinh hoạt định kỳ của các tổ TK và VV, cử cán bộ xuống tham gia sinh hoạt với tổ TK và VV để tuyên truyền cho hộ vay và nhân dân biết, hiểu rõ chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ về các chương trình tín dụng mà Ngân hàng CSXH Việt Nam đang triển khai. Định kỳ tổ chức phối hợp với tổ trưởng tổ TK và VV thực hiện đối chiếu dư nợ tất cả các hộ vay vốn theo quy định. Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH huyện cũng phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát và lập kế hoạch kiểm tra hằng năm. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ tổ chức hội nhận uỷ thác, tổ trưởng tổ TK và VV về công tác kiểm tra, kiểm soát; công tác quản lý tổ TK và VV; các chủ trương, chính sách mới về tín dụng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ngân hàng CSXH Việt Nam… Chỉ đạo các tổ TK và VV thực hiện bình xét cho vay đúng đối tượng đã được phê duyệt, tập trung giải ngân cho vay các chương trình tín dụng được bổ sung nguồn. Tích cực đổi mới nội dung, phương pháp giao ban giữa Ngân hàng CSXH huyện với các hội nhận uỷ thác, tổ trưởng theo định kỳ để kịp thời phát huy những mặt tích cực, hạn chế những tồn tại, thiếu sót… trong quá trình cho vay vốn.
Sự hỗ trợ kịp thời nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu đã giúp các hộ gia đình trên địa bàn xã Hải Toàn vươn lên trong sản xuất, tăng thêm thu nhập một cách bền vững, góp phần hoàn thành các tiêu chí NTM về thu nhập, việc làm của địa phương./.
Bài và ảnh:
Phạm Văn Đại