Không chỉ phát triển mạnh về du lịch biển, lãnh đạo địa phương và người dân Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) còn biết tận dụng những ưu thế về vị trí địa lý để phát triển nghề nuôi, khai thác và chế biến thủy, hải sản.
|
Cơ sở sản xuất nước mắm, mắm tôm của ông Bùi Đức Quyết, Thị trấn Quất Lâm. |
Được sự quan tâm và tạo điều kiện của chính quyền địa phương, nghề khai thác hải sản được duy trì và phát triển tốt. Ngư dân đã yên tâm tập trung huy động các nguồn vốn để mua sắm ngư cụ, tàu thuyền, đẩy mạnh việc đánh bắt, khai thác thủy sản. Tổng số tàu thuyền hiện có tại thị trấn là 149 chiếc. Trong đó, loại dưới 40CV có 67 chiếc; loại 72CV đến 510CV là 82 chiếc. UBND thị trấn đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho ngư dân về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giúp ngư dân nắm được các kiến thức cơ bản để chấp hành tốt các quy định về khai thác. Ngư dân Nguyễn Văn Hải cho biết: “Chính quyền địa phương rất quan tâm đến đời sống của ngư dân chúng tôi, luôn động viên, tạo điều kiện để chúng tôi yên tâm khai thác. Chính vì vậy chúng tôi càng nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình, sử dụng lưới đánh bắt theo quy định về kích cỡ mắt lưới, không sử dụng xung điện hay các loại hóa chất độc hại nhằm bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản”. Khai thác thủy sản phát triển nên nghề thu mua và chế biến thủy, hải sản ở đây cũng phát triển theo. Trên địa bàn thị trấn có 6 cơ sở thu mua và chế biến hải sản, kinh doanh theo hình thức hộ gia đình. Một số hộ tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Văn Hải, Bùi Đức Quyết… Gia đình ông Bùi Đức Quyết có nghề làm nước mắm, mắm tôm gia truyền. Tuy không phải là địa phương phát triển mạnh về nước mắm, mắm tôm nhưng sản phẩm của gia đình ông Quyết được rất nhiều khách hàng gần xa tìm về mua. Ông Quyết cho biết: “Nghề làm mắm của gia đình tôi đã có từ đời ông nội tôi. Nguồn nguyên liệu dồi dào được nhập của các ngư dân đánh bắt về, luôn đảm bảo tươi ngon. Tuy không nổi tiếng như nước mắm, mắm tôm Giao Châu (Giao Thủy) hay Ngọc Lâm (Nghĩa Hưng) nhưng nước mắm của tôi cũng có hương vị riêng. Đặc biệt, trong mỗi giọt mắm là biết bao tâm tình của tôi gửi gắm vào đó. Tôi luôn mong muốn nước mắm truyền thống sẽ được nhiều người đón nhận sử dụng hơn và lưu mãi đến muôn đời, xứng đáng là nét đẹp ẩm thực của người Việt”. Ngoài khai thác và chế biến thủy, hải sản, toàn thị trấn có 71ha diện tích được dùng cho việc nuôi thủy sản, trong đó có 67ha nuôi tôm thẻ chân trắng và 4ha nuôi các loại cá nước ngọt truyền thống. Gia đình ông Nguyễn Thanh Đương, xóm Lâm Dũng phát triển kinh tế theo mô hình gia trại, nuôi cá nước ngọt kết hợp nuôi vịt, lợn và trồng rau màu. Hiện nay, gia đình ông có 1ha ao cá, gần 100 con vịt, 6 con lợn và 3 sào trồng rau. Ông Đương chia sẻ: “Thời gian đầu mới bước vào xây dựng mô hình gia trại tôi gặp rất nhiều khó khăn, vừa thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm lại chưa có được mối quan hệ tốt với các cơ sở cung cấp thức ăn, thuốc thú y, giống và chưa tìm được thị trường tiêu thụ ổn định nên bị thua lỗ. Nhưng không nản chí, tôi vẫn quyết tâm làm đến cùng may được các ngân hàng và anh em, bạn bè tin tưởng tiếp tục cho vay để đầu tư phát triển. Trong thời điểm khó khăn nhất, nhận được sự động viên, tạo điều kiện của chính quyền địa phương nên tôi có thêm động lực để phát triển kinh tế”. Trước kia nuôi tôm thẻ chân trắng ở thị trấn rất hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho người nuôi. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, do thời tiết biến đổi khôn lường; hệ thống thủy lợi vùng nuôi tôm chưa tách biệt với thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và sản xuất muối; nước ao đầm nuôi có nhiều rác thải, xác tôm sau khi thu hoạch chưa qua xử lý, xả thẳng xuống các sông gây ô nhiễm nguồn nước… khiến tôm nuôi bị dịch bệnh và chết nhiều. Đồng chí Nguyễn Thị Mai Tuyết, Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Quất Lâm cho biết: “Để giải quyết những khó khăn đó chúng tôi tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc các HTX trong việc thực hiện các dự án nuôi thủy sản, tìm giải pháp khắc phục tình trạng nuôi tôm kém hiệu quả, đặc biệt là những giải pháp về môi trường, nguồn nước tưới, tiêu phục vụ cho việc nuôi thủy sản, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho nhân dân”. Bên cạnh đó, UBND thị trấn kết hợp với Phòng NN và PTNT huyện tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng, cách phát hiện và phòng chống dịch bệnh cũng như cách sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để việc nuôi tôm hiệu quả hơn, tạo thu nhập ổn định cho người nuôi.
Để ngành kinh tế biển của Thị trấn Quất Lâm phát triển bền vững cần có sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ và thường xuyên của các cấp lãnh đạo địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục khuyến khích, huy động các hộ dân nâng cao ý thức, đầu tư xây dựng và củng cố cơ sở hạ tầng ao, đầm nuôi thủy sản, đặc biệt là hệ thống thủy lợi, để tránh những tổn thất cho các đối tượng thủy sản cũng như người nuôi./.
Bài và ảnh:
Thanh Hoa