Tận dụng đất bãi giữa sông Đào và diện tích đất theo đầu khẩu ở thôn Trai, nhiều hộ nông dân xã Nam Cường (Nam Trực) đã liên kết thành lập HTX để sản xuất rau an toàn và cung cấp cho thị trường Nam Định, Hà Nội… góp phần nâng cao thu nhập hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
|
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX rau và hoa Long Hải, xã Nam Cường (Nam Trực) kiểm tra quy trình sản xuất rau sạch trước khi cung ứng ra thị trường. |
Chị Cao Thị Hoa, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX rau và hoa Long Hải, xã Nam Cường (Nam Trực) cho biết, được thành lập từ tháng 4-2014, HTX có 11 thành viên, vốn góp theo điều lệ được gần 600 triệu đồng. Với tổng diện tích canh tác gần 10 mẫu, hằng ngày, HTX cung cấp trên 50kg rau sạch và các loại trái cây cho thị trường Hà Nội, Nam Định… Nói về quá trình thành lập HTX rau sạch, chị Hoa cho biết, mấy chục năm trước, ở quê nghèo quá, cưới nhau xong hai vợ chồng “dắt díu” nhau vào tận Lâm Đồng làm rẫy, trồng cà phê kết hợp buôn bán nhỏ. Từ chỗ tay trắng, nhờ cần cù, chịu khó lao động, tích cóp, hai vợ chồng chị cũng có “của ăn của để”. Nhưng xa quê, xa gia đình, trong lòng chị vẫn muốn quay về quê hương phát triển kinh tế. Năm 2002, cả gia đình chị trở về quê. Sau vài năm buôn bán nhỏ, thấy bà con vẫn làm nông nghiệp theo kiểu “tự cung, tự cấp”, việc trồng rau màu vẫn chỉ theo kiểu “nhà có bao nhiêu diện tích vườn tạp thì trồng cấy bấy nhiêu”, phương pháp canh tác vẫn theo kiểu “ăn xổi”, “được mùa mất giá”, chị vẫn nghĩ nhiều đến việc làm nông nghiệp sạch. Chị tâm sự: “Đi đâu cũng nghe thấy những lời bàn tán, lo lắng về chuyện rau nhiễm độc, thịt lợn, thịt gà tăng trọng. Sao mình không làm ra đồ sạch, an toàn để bán? Nhất là sau vài lần tham gia hội chợ trên Hà Nội, Bắc Giang, thấy nhiều chị em phụ nữ ở các địa phương nói về sản xuất rau sạch theo mô hình HTX. Đi nhiều nơi, thấy nhiều người làm giàu được nhờ sản xuất rau sạch nên tôi cũng tích lũy được ít kinh nghiệm, muốn mang về quê áp dụng”. Nhưng muốn làm nông nghiệp thì phải có đất. Trong khi ở quê chị, đất nông nghiệp chia theo đầu khẩu, mỗi khẩu bình quân chỉ có vài miếng. Cả gia đình chị cũng chỉ có vài sào. Nhiều lần lên xã, cuối cùng chị cũng được chính quyền cho thuê hơn một mẫu đất công, vốn là đất trũng hai lúa năng suất thấp nằm ven đường 490C do nông dân địa phương “chê”, trả lại cho xã trong đợt “dồn điền đổi thửa” năm 2013. Có đất, chị Hoa lên một kế hoạch khá bài bản là sẽ cải tạo lại để trồng rau sạch và trồng hoa ly. Chị liên kết với anh em trong gia đình và mời một số hộ tham gia thành lập một HTX chuyên sản xuất rau và hoa. Được Liên minh HTX tỉnh Nam Định hỗ trợ, đến tháng 4-2014, HTX rau và hoa Long Hải do chị làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc ra đời. Tuy nhiên kế hoạch làm “nông nghiệp sạch” của chị Hoa bước đầu không mấy thuận lợi. Khi việc cải tạo khu ruộng trũng hoàn thành, chuẩn bị xuống giống thì lấy lý do việc cải tạo này của chị Hoa làm phá vỡ mặt bằng, chính quyền xã yêu cầu chị phải dừng lại, chị đành tạm bỏ hoang sau khi đã bỏ ra gần 100 triệu đồng cải tạo… Khó khăn về đất canh tác, chị mày mò, tìm hiểu và thấy vùng đất bãi giữa sông Đào đang còn trống do một doanh nghiệp trên Hà Nội quản lý. Chị quyết định thuê lại mặt bằng với diện tích 4 mẫu, với giá 10 triệu đồng/năm. Còn cánh đồng ở thôn Trai, chị vận động các hộ dân để thuê, gom đất để tiếp tục thực hiện ý tưởng của mình. “Một thời gian dài, cứ sáng sớm, trưa hoặc tối tôi phải tìm đến từng nhà trong thôn để vận động họ cho thuê đất. Cuối cùng cũng có 26 hộ đồng ý cho thuê, chị gom lại được 3 mẫu. Hiện tại trên diện tích này, chị Hoa cho trồng các loại rau dền, rau mồng tơi, rau ngót. Theo chị Hoa, đây đều là những loại rau dân dã, có mặt trong bữa ăn hằng ngày của hầu hết các gia đình nên “chẳng lo bị ế!”. Để sản xuất rau sạch, trước khi bắt tay sản xuất, HTX rau và hoa Long Hải đã ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho Cty TNHH Tuệ Hương (TP Nam Định). Đây cũng là đầu mối cung cấp cho các bếp ăn tập thể của các Cty, nhà máy nên yêu cầu về an toàn thực phẩm rất cao. Chị Hoa cho biết thêm, để sản xuất được sản phẩm rau an toàn, cần nhiều yếu tố, quan trọng nhất là vấn đề nước tưới, nguồn phân bón phải sạch và việc bảo vệ thực vật phải an toàn. Trong đó nguồn nước tưới chị tận dụng được nguồn nước phù sa ở sông Đào liền kề. Về nguồn phân bón, HTX ký hợp đồng thu mua phân gà của các gia trại trên địa bàn, xử lý bằng cách ủ để “vi sinh hóa” trước khi mang bón. Việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu, chống bệnh theo đúng khuyến cáo của cơ quan bảo vệ thực vật địa phương, theo hướng sử dụng thuốc sinh học và tuân thủ nguyên tắc chỉ phun bảo vệ khi cây rau còn nhỏ… Đất sản xuất rau được khử sạch trước khi gieo hạt. Với phương châm “sản xuất rau cho người tiêu dùng sử dụng cũng như cho mình sử dụng”, HTX đã trồng rau không bón phân vô cơ, chỉ bón trấu, phân hữu cơ. Sản phẩm của HTX đủ chủng loại từ rau ăn sống như húng quế, húng cây, rau mùi, cải ngọt xanh, cải bắp, chuối goòng… theo phương thức “mùa nào, rau nấy”. Mô hình của HTX ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu rau sạch, an toàn cho người tiêu dùng trước nạn rau xanh sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Toàn bộ rau sạch đến tay người tiêu dùng được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt nhất. Để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, ngoài việc áp dụng quy trình canh tác sử dụng phân bón hữu cơ, phân chuồng ủ mục…, HTX đang đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động và làm các quy trình để tiếp tục thuê đất nông nghiệp lâu dài. Xây dựng chuỗi cửa hàng cung cấp rau sạch; liên kết với các đối tác tại Nam Định, Hà Nội để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Hiệu quả kinh tế từ việc trồng rau sạch của HTX đã rõ, thương hiệu đã được khẳng định nhưng hiện nay theo chị Hoa, các thửa ruộng sản xuất còn riêng lẻ, mỗi nơi một đám ruộng gây khó khăn cho việc làm đất, phân bổ khu vực trồng chuyên canh các loại rau, màu. Bên cạnh đó, trong đề án phát triển mô hình HTX kiểu mới, HTX đã và đang kiến nghị UBND huyện Nam Trực và xã Nam Cường cho HTX tận dụng, khai thác cánh đồng ở thôn Trai để mở rộng diện tích canh tác, xây dựng cánh đồng rau lớn tạo ra nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú. Từ chỗ có hàng hóa, có nguồn thu, có kinh phí, HTX mới mạnh dạn làm những việc khác, như đầu tư máy sơ chế, lập mạng lưới bán hàng, xây dựng thương hiệu và cung cấp trực tiếp đến người tiêu dùng theo phương thức khép kín… Với hướng đi mới hướng đến nền sản xuất nông nghiệp sạch, sản xuất theo chuỗi, tin rằng, những bước đi của HTX sẽ ngày càng phát triển, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng./.
Bài và ảnh:
Hoàng Tuấn