Hiện nay, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa - gạo sạch. Thông qua đó, góp phần khuyến khích nông dân tham gia. Để mô hình liên kết hiệu quả, bền vững, doanh nghiệp đã cam kết mua thóc với giá cao hơn thị trường. Đây chính là động lực để động viên người nông dân tham gia và gắn bó lâu bền với chuỗi liên kết sản xuất lúa - gạo sạch.
Đôi bên cùng có lợi
Cty TNHH Toản Xuân xã Yên Lương (Ý Yên) là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh đầu tư xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo an toàn tại tỉnh ta. Anh Trần Quốc Toản, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Cty TNHH Toản Xuân cho biết, để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, năm 2016, ngay từ đầu vụ xuân, được sự hỗ trợ của Sở NN và PTNT, Cty đã đàm phán và ký hợp đồng xây dựng chuỗi liên kết với 10 HTX và một số hộ nông dân trên địa bàn tỉnh tập trung ở các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy… Đến nay, sau 2 vụ sản xuất, Cty đã ký kết sản xuất theo chuỗi được trên 400ha với 17 HTX và 7 hộ nông dân. Trong đó, các HTX có diện tích nhiều nhất là HTX sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp (SXKD DVNN) Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng), HTX SXKD DVNN Hưng Phong, xã Hải Phúc (Hải Hậu), HTX SXKD DVNN Nam Thành, xã Đồng Sơn (Nam Trực)…, bình quân mỗi HTX có diện tích từ 20ha trở lên. Sản lượng thu mua hơn 2.000 tấn thóc/năm. HTX Hưng Phong, xã Hải Phúc là một trong số 17 HTX trên địa bàn tỉnh ký hợp đồng sản xuất lúa hàng hóa với Cty TNHH Toản Xuân. 15 hộ xã viên nòng cốt của HTX đã cùng sản xuất một giống lúa chất lượng là Bắc thơm số 7 trên tổng diện tích gần 15ha. Để xây dựng sản xuất theo chuỗi giá trị, HTX tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ thành viên HTX tham gia. Cty cử cán bộ về tư vấn với cam kết đầu tư toàn bộ từ khâu chọn giống, vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm. Các thành viên chỉ thêm công chăm sóc theo đúng quy trình, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật do Cty cử về cùng bám đồng, bám ruộng với thành viên HTX. Như vậy, nông dân có ruộng yên tâm vì sản phẩm đầu ra đã có Cty chịu trách nhiệm; giá trị sản phẩm lại cao hơn với giá thị trường. Sau 2 vụ gieo trồng, bình quân mỗi sào canh tác, các hộ nông dân tham gia “chuỗi” thu lãi cao hơn so với cấy lúa thông thường từ 1,2 đến 1,3 lần. Còn với hộ cá thể như anh Nguyễn Lưu Cộng, thôn An Nghiệp, xã Hải Toàn (Hải Hậu) là một trong 7 hộ nông dân liên kết với Cty TNHH Toản Xuân trong việc sản xuất gạo sạch với 100% giống Bắc thơm số 7. Để có được hơn 10ha ruộng, anh đã phải tới từng hộ dân trong xã có ruộng bỏ hoang để đàm phán dồn đổi, hộ không muốn cho mượn ruộng thì anh thuê lại, mỗi vụ 25-40kg thóc/sào tùy vào khu vực, loại đất. Từ vụ xuân năm 2016, nhờ liên kết sản xuất với Cty TNHH Toản Xuân, anh bớt đi được nhiều mối lo. Trước đây, mỗi vụ thu hoạch, anh Cộng rất khó khăn do phải tìm địa điểm phơi thóc. Còn hiện nay, theo hợp đồng đã ký kết, khi chuẩn bị thu hoạch, Cty về đặt lịch hẹn ngày về thu mua, hơn 10ha thu hoạch xong chỉ trong 1 ngày và được Cty mua luôn tại ruộng, vận chuyển về lò sấy. Bên cạnh đó, anh cũng giảm chi phí nhiều hơn do không phải mua chịu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Bởi sau khi liên kết, Cty đầu tư toàn bộ phân bón, vật tư cho cả vụ không tính lãi. Bên cạnh đó, Cty cam kết mua thóc với giá cao hơn thị trường 7%. Như vậy, so với việc canh tác theo phương thức cũ, anh có lợi nhiều hơn do giảm được rất nhiều công chi phí đầu vào từ khâu chọn giống, vật tư, kỹ thuật…
|
Dây chuyền xay xát, đóng gói gạo chất lượng cao, an toàn của Cty TNHH Toản Xuân (Ý Yên) với công suất 200 tấn/mẻ. |
Hiệu quả của sản xuất theo chuỗi liên kết
Sự kết hợp giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân giúp chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất, tăng thu nhập cho bà con và hạn chế tình trạng thương lái ép giá. Với mô hình sản xuất này, nông dân được hỗ trợ hoàn toàn về nguyên liệu đầu vào như hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Hạt giống chất lượng đều được chọn lọc kỹ càng và cung cấp đầy đủ nên nông dân chỉ cần chuyên tâm vào khâu sản xuất. Giống lúa Bắc thơm số 7 do Trung tâm Giống cây trồng Nam Định cung cấp cho người nông dân sẽ giúp loại bỏ tình trạng hạt giống kém chất lượng. Phân bón, thuốc trừ sâu cũng do doanh nghiệp lựa chọn và cung cấp cho bà con. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân. Các kiến thức về quy trình giám sát sự sinh trưởng của cây lúa được bà con áp dụng thành công, từ đó sản lượng lúa qua từng mùa tăng trưởng rõ rệt. Trong quá trình gieo trồng và chăm sóc cây lúa, các chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp của doanh nghiệp trực tiếp xuống địa phương để hướng dẫn bà con. Trong suốt quá trình sản xuất, doanh nghiệp thường xuyên tổ chức nhiều buổi tọa đàm giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân. Tại đây, các thành viên HTX, nông dân được nghe các chuyên gia nông nghiệp hướng dẫn cách giám sát quá trình sinh trưởng của cây lúa. Thông qua những buổi tọa đàm, người nông dân có cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn. Theo đó, trên cơ sở hướng dẫn của Sở NN và PTNT, Cty xây dựng quy trình sản xuất lúa sạch theo từng giai đoạn bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm đạt năng suất, chất lượng cao. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, người nông dân khi tham gia vào quy trình ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học theo chỉ dẫn của cán bộ kỹ thuật Cty. Khi thu hoạch lúa, HTX hoặc hộ nông dân tổ chức thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, vừa giảm được chi phí gặt thủ công, vừa hạn chế được việc rơi vãi thóc khi thu hoạch, sản lượng cũng cao hơn. Sau khi thu hoạch, doanh nghiệp đến tận ruộng để thu mua thóc tươi và trong vòng 3-5 giờ, thóc phải đưa vào lò sấy để vitamin trong hạt lúa không bị phân hủy. Cuối cùng, khi thóc được xay xát và đóng gói trong mô hình khép kín hiện đại.
Theo lãnh đạo Cty Toản Xuân, khác với việc canh tác truyền thống, mô hình khép kín này giúp nông dân chuyên nghiệp hóa trong sản xuất, cũng như giải phóng sức lao động. Thu nhập của người nông dân ổn định hơn bởi doanh nghiệp thu mua lúa với giá cao hơn thị trường 7-10%, loại bỏ tình trạng thương lái ép giá. Ngoài ra, doanh nghiệp kiểm soát được chất lượng gạo và đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng tốt. Với những hộ dân đã tích tụ được diện tích từ 10 mẫu trở lên, Cty ký hợp đồng trực tiếp. Lý giải về việc đưa ra tiêu chí trên, Giám đốc Cty Toản Xuân cho biết, với hơn 400ha lúa, nếu doanh nghiệp đứng ra liên kết với những hộ nông dân có diện tích quá nhỏ, sẽ phải có hàng trăm hợp đồng, khó quản lý, thủ tục rườm rà và mất nhiều thời gian. Tuy nhiên nhờ liên kết với những nông dân và HTX nên hiện Cty chỉ phải ký hợp đồng với tổng cộng 17 HTX và 7 hộ nông dân trong tỉnh.
Trên cơ sở xây dựng chuỗi liên kết, sau khi đảm bảo được nguồn cung ổn định, Cty Toản Xuân đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, kho hàng khép kín, đảm bảo tiêu chuẩn sạch để bảo quản lúa - gạo. Hiện Cty đã đầu tư và đưa vào vận hành lò sấy công suất 200 tấn/mẻ, cùng dây chuyền xay xát gạo công nghệ hiện đại trị giá trên 20 tỷ đồng. Gạo sản xuất đến đâu sẽ đóng gói tới đó theo đơn đặt hàng nên vấn đề tồn đọng thóc - gạo được giải quyết. Trên bao bì mỗi sản phẩm đều in đầy đủ ngày sản xuất và hạn sử dụng để người tiêu dùng có đầy đủ thông tin khi mua hàng. Cty cũng khuyến cáo, để phân biệt gạo sạch với loại kém chất lượng, người tiêu dùng dựa vào đặc điểm bề ngoài. Gạo sạch thường hơi mờ, không bóng bẩy do có lớp cám gạo còn nguyên, còn gạo kém chất lượng do sử dụng hóa chất nên hạt gạo bóng, để 6 tháng vẫn không mốc. Hiện sản phẩm gạo sạch của Cty đã đưa ra thị trường và được người tiêu dùng đón nhận. Cty cũng đã lập chi nhánh phân phối tại Hà Nội, đưa gạo vào trên 100 siêu thị tiện ích ở thị trường này và đang xúc tiến ở thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Mục tiêu của Cty là phải chiếm lĩnh được thị trường nội địa, đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch của người tiêu dùng trong nước, về lâu dài mới hướng đến xuất khẩu ra thị trường ngoài nước./.
Bài và ảnh:
Hoàng Tuấn