Hải Long đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi

04:12, 10/12/2016
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Hải Long (Hải Hậu) đã phát huy sức mạnh tổng hợp, tập trung lãnh đạo nhân dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, thay đổi cách nghĩ, cách làm nhằm tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM.
Vườn đinh lăng của gia đình anh Lại Văn Thuyên, xóm 6, xã Hải Long.
Vườn đinh lăng của gia đình anh Lại Văn Thuyên, xóm 6, xã Hải Long.
Là điểm trũng nhất của huyện Hải Hậu nên canh tác nông nghiệp truyền thống của Hải Long gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, những năm qua thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp xã đã quy hoạch và chuyển đổi trên 44ha diện tích chân ruộng trũng tại các xóm 15, 16, 17 sang phát triển kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp để cho các hộ nông dân trong xã đấu thầu. Cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể xã Hải Long nỗ lực tuyên truyền, vận động nông dân đổi mới tư duy sản xuất, tham gia thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, để làm giàu bền vững. Hiện cơ cấu lại sản xuất theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi đang là hướng đi được nhiều nông dân trong xã áp dụng thành công. Chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND xã, một trong những người đầu tiên trong xã thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Anh Tuấn cho biết: “Là cán bộ, đảng viên nên tôi đã vận động các thành viên trong gia đình tiên phong đấu thầu 1,5 mẫu ruộng cấy lúa kém hiệu quả tại xóm 15 xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng. Nói phải đi đôi với làm thì bà con mới tin, nên tôi quyết tâm làm trước để bà con tai nghe, mắt thấy mà làm theo”. Diện tích đất gia đình anh đấu thầu là đất xấu nên mất nhiều công sức, thời gian và tiền vốn đầu tư cải tạo. Nhưng “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, với bản tính cần cù, chịu khó nên anh Tuấn đã dần xây dựng thành một cơ ngơi sản xuất với quy mô hoàn chỉnh, quy hoạch khoa học với vườn cây ăn quả cùng với hệ thống chuồng trại bao quanh ao cá… Trên vườn anh trồng đa dạng các loại cây như: ổi Đài Loan, táo đại, mía voi đặc sản địa phương và cây cảnh. Trong chuồng anh nuôi lợn nái sinh sản để chuyên bán, cung cấp giống lợn cho bà con có nhu cầu trong và ngoài xã. Với ao cá có tổng diện tích 6 sào mặt nước, anh thả cá trắm là chủ lực, ngoài ra nuôi thêm các loại mè, trôi, chép… để tận dụng thức ăn các tầng nước. Hằng năm, doanh thu từ mô hình chuyển đổi của anh Tuấn đạt 250 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi trên 100 triệu đồng. Cũng quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, năm 2012, anh Vũ Văn Thuyên, xóm 6 đã thuê lại hơn 2,5 mẫu ruộng tại khu chuyển đổi của hơn chục hộ dân để phát triển mô hình kinh tế của gia đình. Anh thuê máy xúc đào ao nuôi cá, lập vườn trồng đinh lăng. Hiện vườn đinh lăng trên 6.000 gốc của anh bước sang năm thứ 3. Anh Thuyên cho biết: Cây đinh lăng có rất nhiều ưu điểm như dễ chăm sóc, kinh phí đầu tư ban đầu ít do không phải phun thuốc trừ sâu, khi trồng chỉ cần bón một ít phân chuồng để mục và thêm chút phân lân là đủ cho cây phát triển tốt. Do vậy, cùng một diện tích nhưng có thể cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây hoa màu khác. Chỉ sau 2 năm trồng, tôi tỉa cành bán cây giống cũng đã hoàn vốn đầu tư ban đầu. Dự kiến tháng 9 tôi sẽ xuất bán cả vườn và thu về trên 400 triệu đồng. Ngoài ra, 5 sào ao nuôi cá truyền thống mỗi năm cho tôi thu nhập thêm vài chục triệu đồng nữa. Năm 2013, ông Phạm Ngọc Yên, xóm 1 đấu thầu 6,5 mẫu ruộng để cải tạo trồng màu, nuôi vịt và luân canh lúa - cá theo phương thức đa cây, đa con. Ông xây dựng 4 ao nuôi cá truyền thống, trong đó có 2 ao ương cá giống và 2 ao nuôi cá thương phẩm. Với sự tìm tòi, học hỏi ông Yên đã làm chủ kỹ thuật nuôi ương cá bột thành cá giống. Ao cá thương phẩm được làm bên cạnh ruộng trồng lúa. Sau khi thu hoạch lúa, ông thả cá giống sang để nuôi thương phẩm theo mô hình lúa - cá. Quanh bờ ao và diện tích đất vườn, ông trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như: thanh long, bí xanh, dưa lê, dưa chuột, các loại rau… Nhằm tận dụng tối đa mặt nước, bờ ao, góc vườn, gia đình ông còn nuôi 1.200 con vịt siêu trứng, mỗi ngày cho thu từ 900-1.000 quả trứng. Hiện ông đầu tư thêm lò ấp trứng và đã có thể tự gây dựng đàn vịt đẻ để mở rộng quy mô sản xuất của gia đình, đồng thời phục vụ nhu cầu nuôi của bà con trong và ngoài xã. Bình quân mỗi năm, mô hình chuyển đổi của gia đình ông Yên cho lãi trên 200 triệu đồng.
 
Đồng chí Lại Văn Chức, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Các chủ trương chỉ đạo sản xuất của tỉnh, huyện những năm qua đã phát huy tinh thần “dám nghĩ, dám làm” của nông dân trong thời kỳ đổi mới. Các tổ chức đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Xã tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho nông dân vay vốn của Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH; tạo mặt bằng cho các hộ có khả năng, nguyện vọng đấu thầu, mở rộng diện tích sản xuất. Bên cạnh đó, xã thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, của huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản, giới thiệu các giống cây, con mới có giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân. Do vậy, song song với việc nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, lợn, gà, cá truyền thống… các hộ nông dân ở Hải Long còn đưa nhiều cây trồng, con nuôi mới như: dưa lê siêu ngọt, dưa hấu, hoa hòe, thanh long, vịt trời, chạch đồng, cua đồng… cho giá trị sản xuất cao gấp 3-5 lần cấy lúa trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác. Ngoài ra, xã còn tạo điều kiện, tổ chức hội nghị, hội thảo, các buổi thảo luận… cho các hộ nông dân thường xuyên gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh ở cả lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản… để cùng nhau phát triển bền vững.
 
Nhờ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nên kinh tế địa phương phát triển, có nguồn thu để đầu tư kiến thiết, diện mạo xã Hải Long ngày càng khởi sắc. Đời sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao. Hiện thu nhập bình quân toàn xã đạt trên 31 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8% (theo tiêu chí mới). Thời gian tới, Hải Long tiếp tục vận động nông dân mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao, trong đó chú trọng tập trung phát triển cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


Cây hoa ban Tây Bắc

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com