Thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh trong năm 2016 khá ổn định, việc mở rộng và tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, chất lượng tín dụng được đảm bảo…
Năm 2016, mặc dù nền kinh tế trong tỉnh và cả nước vẫn còn nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, HTX trong tỉnh mới có dấu hiệu phục hồi song các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn kinh doanh, hoạt động có hiệu quả, các chỉ số đều có sự tăng trưởng. Có được kết quả đó là nhờ các ngân hàng đã đưa ra nhiều chính sách, kế hoạch kinh doanh phù hợp. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư bằng chất lượng các sản phẩm, dịch vụ, thái độ và hiệu quả phục vụ khách hàng. Niềm tin của người dân qua kênh tiền gửi được nâng cao. Bên cạnh đó, các ngân hàng đã không ngừng mở rộng hệ thống mạng lưới đến các địa phương. Đến hết năm 2016, mạng lưới các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đã có 18 chi nhánh TCTD cấp I (gồm 7 chi nhánh ngân hàng thương mại Nhà nước, 9 chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần, chi nhánh Ngân hàng CSXH, chi nhánh Ngân hàng HTX) và 41 quỹ tín dụng nhân dân, 14 chi nhánh ngân hàng thương mại cấp II, 4 đơn vị tổ chức tài chính vi mô, 100 phòng giao dịch, 3 quỹ tiết kiệm, 1 văn phòng đại diện và 160 máy ATM. Như vậy, mạng lưới hoạt động của các TCTD trên địa bàn tỉnh đã tăng thêm Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Thành Nam và 4 máy ATM so với năm 2015. Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã trang bị 270 điểm chấp nhận thẻ (POS), phát hành 598.473 thẻ. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng của người dân cũng như việc huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư ở các địa phương trong tỉnh được dễ dàng hơn.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Thành Nam (TP Nam Định) mới được thành lập đã góp phần tạo thêm kênh tiếp cận nguồn vốn tín dụng mới cho người dân trên địa bàn. |
Song song với mở rộng hệ thống mạng lưới ngân hàng hướng về cơ sở, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng và ngân hàng, đồng thời triển khai các giải pháp đảm bảo hoạt động ngân hàng trên địa bàn an toàn, hiệu quả, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh cũng chủ động thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra trực tiếp nhằm định hướng hoạt động và chấn chỉnh kịp thời những sai phạm của các ngân hàng; tập trung giám sát chặt chẽ việc áp dụng lãi suất huy động, cho vay của các ngân hàng, TCTD trên địa bàn theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN; việc thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng nguồn vốn huy động, dư nợ và xử lý nợ xấu theo kế hoạch đã đề ra. Trong năm qua, ngành Ngân hàng đã thực hiện 26 cuộc thanh tra, kiểm tra (16 cuộc thanh tra và 6 cuộc kiểm tra), qua thanh tra, kiểm tra đã đưa ra 171 kiến nghị, số tiền kiến nghị thu hồi là 47 tỷ 403 triệu đồng (chủ yếu từ hoạt động tín dụng 47 tỷ 339 triệu đồng); xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 đơn vị, số tiền phạt 192 triệu đồng. Các vấn đề vi phạm tại các tổ chức tín dụng được Chi nhánh NHNN tỉnh phát hiện, kiến nghị và xử lý nghiêm đã thực sự có tác dụng cảnh báo, răn đe, nâng cao trật tự, kỷ cương và chất lượng cán bộ ngân hàng, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động cho các TCTD trên địa bàn. Bên cạnh đó, Chi nhánh NHNN tỉnh còn phối hợp với các sở, ban, ngành thành lập 2 đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng đối với 74 doanh nghiệp, hộ kinh doanh vàng trên địa bàn theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, các đơn vị hoạt động kinh doanh vàng miếng về cơ bản đã chấp hành các quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật. Riêng đối với hoạt động sản xuất, gia công chế tác, mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ còn một số các sai phạm, nhưng chưa đến mức phải xử lý vi phạm hành chính, chủ yếu là nhắc nhở, hướng dẫn, giúp các doanh nghiệp và hộ kinh doanh vàng trên địa bàn hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Thực hiện tốt công tác giám sát từ xa, đôn đốc, xử lý và chỉnh sửa sau thanh tra, bảo đảm hoạt động ngân hàng trên địa bàn luôn tuân thủ các quy định của pháp luật và an toàn, hiệu quả…
Với cách làm hiệu quả, sự chủ động, sáng tạo của ngành Ngân hàng đã tạo nên bước chuyển biến tích cực trong công tác huy động vốn, đảm bảo cung cấp một lượng vốn lớn cho các hoạt động kinh tế trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2016, tổng số dư nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 37.607 tỷ đồng, tăng 6.545 tỷ đồng (bằng 21,1%) so với đầu năm, vượt 1,1% so với kế hoạch. Nguồn vốn huy động tăng trưởng khá do các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp về tuyên truyền, tiếp thị, áp dụng các biện pháp khuyến mại theo quy định của pháp luật, tiện ích huy động vốn đa dạng, mạng lưới mở rộng và thái độ phục vụ tận tình đối với người gửi tiền. Tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn 38.953 tỷ đồng, tăng 6.951 tỷ đồng (bằng 21,7%) so với đầu năm, vượt 3,1% so với kế hoạch… Theo đánh giá của đại diện một số các doanh nghiệp trên địa bàn về công tác huy động vốn hiện nay của các ngân hàng thương mại trên địa bàn thì mức lãi suất huy động cũng như cho vay của các ngân hàng trong năm qua đã áp dụng theo đúng bảng giá công khai. Trong quan hệ tín dụng, hầu hết các ngân hàng đều có phong cách phục vụ khá chuyên nghiệp, nhiệt tình, chu đáo và có phương tiện làm việc hiện đại… Điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp luôn đảm bảo nguồn vốn trong sản xuất, kinh doanh.
Trong năm 2017, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN, UBND tỉnh, đồng thời theo dõi sát tình hình hoạt động của các TCTD, nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội, Chi nhánh NHNN tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và ngân hàng; giải quyết theo thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng giữa TCTD với khách hàng, tạo thuận lợi cho các TCTD trong việc thực hiện kế hoạch kinh doanh. Chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh công tác huy động nguồn vốn, chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản và có đủ nguồn vốn để thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch được giao; kiểm soát các TCTD trong việc chấp hành các quy định và chỉ đạo của NHNN về lãi suất, áp dụng các mức lãi suất huy động vốn theo quy định của NHNN; áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết kiệm chi tiêu, đảm bảo an toàn tài chính và chia sẻ khó khăn với khách hàng vay. Tiếp tục có chính sách ưu đãi lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên; các khách hàng truyền thống hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả và các doanh nghiệp khởi nghiệp. Chỉ đạo, giám sát các TCTD thực hiện tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch, tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; phát triển nông nghiệp, nông thôn; sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chấp hành nghiêm các quy định về cấp tín dụng, các quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động, đảm bảo chất lượng tín dụng trong giới hạn an toàn. Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, chủ động, linh hoạt bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng và nâng cao chất lượng tín dụng. Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ, tích cực thu hồi xử lý nợ xấu, hạn chế nợ xấu mới phát sinh; phát triển các dịch vụ ngân hàng tiện ích...
Với những giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm đẩy mạnh việc huy động nguồn vốn, tạo nguồn lực tại chỗ để phục vụ công tác cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời tăng cường công tác kiểm soát, giám sát chặt chẽ, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động, chắc chắn ngành Ngân hàng tỉnh sẽ góp phần tích cực cùng các cấp, các ngành và các địa phương tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển./.
Bài và ảnh: Phạm Văn Đại