Chuyên nghiệp hóa các bước thẩm định, thiết kế, dự toán công trình

07:12, 15/12/2016
Việc triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Xây dựng 2014 đã góp phần nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về xây dựng; trong đó giúp đảm bảo công khai, minh bạch về quy trình cấp giấy phép xây dựng, khắc phục trình trạng quy hoạch chồng lấn, quy hoạch treo; đảm bảo các dự án đầu tư xây dựng đúng mục tiêu, chất lượng, hiệu quả.
 
Tuy nhiên, trên thực tế đã xảy ra tình trạng Luật thì thông thoáng nhưng văn bản dưới luật như nghị định, thông tư hướng dẫn quy định chi tiết thậm chí ban hành thêm quy phạm pháp luật mới, phát sinh thủ tục hành chính như buộc doanh nghiệp phải tiến hành thêm một số thủ tục hành chính. Điển hình như quy định công tác thẩm định phê duyệt thiết kế xây dựng, theo Điều 78 Luật Xây dựng chỉ quy định “Chính phủ quy định chi tiết các bước thiết kế xây dựng, thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng”. Nhưng, đến khi Nghị định 59/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng lại siết chặt khi đòi hỏi “Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật (trường hợp thiết kế ba bước), thiết kế bản vẽ thi công (trường hợp thiết kế hai bước) của công trình cấp đặc biệt, cấp I cao hơn 20 tầng trở lên và công trình do Thủ tướng Chính phủ giao”. Theo các quy định này, cơ quan chuyên môn về xây dựng, mà cụ thể là Cục Quản lý các hoạt động xây dựng chịu trách nhiệm toàn bộ việc thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công của tất cả các công trình cấp I (cao trên 20 tầng) của 63 tỉnh, thành phố. Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Trương Văn Thường, Trưởng Phòng Quản lý hoạt động xây dựng (Sở Xây dựng) cho biết: Theo quy định, những công trình xây dựng cấp I trên cả nước, nghĩa là các công trình cao hơn 20 tầng đều phải do Cục Quản lý các hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế. Điều này đã tạo áp lực dồn hết việc tại 63 tỉnh, thành phố về Cục Quản lý các hoạt động xây dựng, dẫn đến tình trạng nhiều hồ sơ bị “treo” vì phải “xếp hàng”. Bên cạnh đó, còn tiêu tốn thời gian công sức, tiền bạc cho các doanh nghiệp nếu hồ sơ phải điều chỉnh nhiều lần về thiết kế, dự toán. Trên thực tế, ở tỉnh ta đã đủ năng lực để thẩm định”. Đáng chú ý là sau khi được cơ quan của Bộ Xây dựng thẩm định, chủ đầu tư lại phải ôm hồ sơ này về nộp lại Sở Xây dựng địa phương để được cấp giấy phép xây dựng. Nhiều doanh nghiệp phải “kêu trời” vì hành trình rắc rối này, đặc biệt đối với các doanh nghiệp bất động sản đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật cao tầng lớn trên địa bàn tỉnh. 
Chuyên nghiệp hóa thẩm định thiết kế, dự toán công trình góp phần giảm thiểu thất thoát lãng phí, nâng cao chất lượng công trình, đẩy nhanh tiến độ đầu tư. (Trong ảnh: Quốc lộ 38B trên địa bàn xã Yên Dương, Ý Yên).
Chuyên nghiệp hóa thẩm định thiết kế, dự toán công trình góp phần giảm thiểu thất thoát lãng phí, nâng cao chất lượng công trình, đẩy nhanh tiến độ đầu tư. (Trong ảnh: Quốc lộ 38B trên địa bàn xã Yên Dương, Ý Yên).
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp, cũng như các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện tốt Luật Xây dựng, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều thông tư hướng dẫn về công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng, quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng... Trong đó, phải kể đến Thông tư số 18/2016/TT-BXD được ban hành ngày 30-6-2016 có hiệu lực thi hành từ 15-8-2016 đã được cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp tham gia hoạt động xây dựng đánh giá cao về mặt pháp lý tạo chuyển biến mạnh trong công tác thẩm định, thiết kế, dự toán công trình góp phần giảm thiểu đáng kể thất thoát lãng phí trong đầu tư. Thông tư 18/2016/TT-BXD được ban hành đã tạo cơ chế thông thoáng giảm tải áp lực về thẩm định cho Bộ Xây dựng, đồng thời nâng cao trách nhiệm quản lý về mặt Nhà nước cho các địa phương thông qua phân cấp công tác thẩm định thiết kế, dự toán công trình. Cụ thể, đối với dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, hồ sơ trình thẩm định được gửi đến cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp để thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng. Ngoài ra, đối với dự án sử dụng nguồn vốn khác, hồ sơ trình thẩm định bắt buộc phải trình cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp để thẩm định thiết kế cơ sở (hoặc thiết kế bản vẽ thi công đối với dự án có yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật) đối với dự án đầu tư xây dựng có công trình cấp đặc biệt, cấp I, công trình công cộng, công trình có ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, môi trường và an toàn cộng đồng... Về phía các cơ quan thẩm định sẽ có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra sự đầy đủ, tính hợp lệ của hồ sơ trình thẩm định. Hồ sơ trình thẩm định có thể được trả lại cho người đề nghị thẩm định khi bị từ chối tiếp nhận trong các trường hợp không hợp lệ. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan thẩm định có trách nhiệm xem xét, gửi văn bản yêu cầu bổ sung hồ sơ trình thẩm định đến người đề nghị thẩm định (nếu cần) hoặc trả lại hồ sơ thẩm định. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan thẩm định, nếu người đề nghị thẩm định không thực hiện việc bổ sung hồ sơ thì cơ quan thẩm định sẽ dừng việc thẩm định, người đề nghị thẩm định trình thẩm định lại khi có yêu cầu. Trong quá trình thẩm định, cơ quan thẩm định có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp các thông tin tài liệu, số liệu cần thiết để phục vụ công tác thẩm định; mời tổ chức, cá nhân có chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm phù hợp tham gia thực hiện thẩm định. Bên cạnh đó, cơ quan thẩm định có thể yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn trực tiếp tổ chức tư vấn thẩm tra phục vụ công tác thẩm định hoặc xem xét sử dụng kết quả thẩm tra của chủ đầu tư, trong trường hợp chủ đầu tư đã thực hiện thẩm tra và đề nghị chủ đầu tư giải trình, làm rõ các nội dung liên quan đến thẩm định nếu thấy cần thiết. Khi kết thúc công tác thẩm định, cơ quan thẩm định phải lưu trữ, bảo quản tờ trình thẩm định; các kết luận của tổ chức, cá nhân tham gia thẩm định; văn bản đóng góp ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan và thông báo kết quả thẩm định đến người đề nghị thẩm định theo hình thức gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện. Đây là cơ sở quan trọng để Sở Xây dựng cùng với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh tiến hành phân cấp rõ trách nhiệm của các đơn vị chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, phòng ngừa tránh lãng phí, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi đồng thời nâng cao trách nhiệm của UBND tỉnh, huyện trong quản lý về xây dựng./.
 
Bài và ảnh: Đức Toàn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com