Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn bền vững

07:11, 24/11/2016
Trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh thường xuyên xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm đã gây nhiều thiệt hại cho ngành chăn nuôi của tỉnh. Để khống chế và thanh toán các bệnh nguy hiểm nhằm hướng tới nền chăn nuôi bền vững, an toàn, đáp ứng yêu cầu của hội nhập cần phải xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình xã chăn nuôi an toàn dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại xã Xuân Ngọc (Xuân Trường). Thành công từ mô hình ở Xuân Ngọc sẽ là tiền đề để nhân rộng ra các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.
 
Hiện nay, tổng đàn lợn của tỉnh khoảng 795 nghìn con, trong đó chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, nông hộ vẫn chiếm một tỷ lệ lớn. Do chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng nên người nuôi chưa chú trọng đầu tư cho xử lý chất thải chăn nuôi. Đa số các hộ chăn nuôi xả trực tiếp nước thải chăn nuôi ra kênh mương, hệ thống nước thải sinh hoạt hoặc thải trực tiếp xuống ao, hồ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản và làm lây lan dịch bệnh. Một số dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm, long móng gia súc, cúm gia cầm và đặc biệt là dịch lợn tai xanh liên tục xảy ra tại nhiều địa phương trong tỉnh gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi cũng như khó khăn trong việc tổ chức, mở rộng sản xuất chăn nuôi. Gia đình chị Đỗ Thị Xuân, thôn Trung Lễ, xã Xuân Ngọc nuôi lợn theo hình thức nông hộ từ nhiều năm nay. Trong quá trình nuôi, đàn lợn của gia đình chị Xuân thường xuyên bị mắc dịch bệnh. Có những đợt, lợn bị dịch tai xanh, dịch tả, lở mồm, long móng khiến cả đàn lợn vài chục con bị ốm chết phải tiêu hủy, thua lỗ hàng chục triệu đồng. Sau khi tham gia mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chị Xuân thấy đàn lợn lớn nhanh, chuồng trại sạch sẽ, đặc biệt mùi hôi chuồng nuôi đã giảm đáng kể. Chị Xuân cho biết: Tham gia mô hình, tôi được cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tập huấn, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh. Đồng thời tôi còn được cấp và hướng dẫn bổ sung men vi sinh vào khẩu phần ăn cho lợn giúp lợn tiêu hóa hấp thụ thức ăn tốt đã góp phần xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi rất hiệu quả. Cũng như gia đình chị Xuân, gia đình chị Phạm Thị Huê nuôi từ 30-40 con lợn và trước đây cũng thường xuyên bị dịch bệnh. Khi tham gia mô hình, kết quả thực tế giúp chị Huê hiểu rõ việc thực hiện đúng theo quy trình chăn nuôi an toàn sẽ giúp người chăn nuôi kiểm soát được dịch bệnh một cách chủ động và hiệu quả, giảm tối đa chi phí phòng và điều trị bệnh, làm tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Cũng từ những điều kiện tích cực này ở đầu vào chăn nuôi, đầu ra luôn được bảo đảm bởi sản phẩm “sạch bệnh, an toàn”. 
Tiêm phòng vắc-xin cho đàn lợn tại xã Xuân Ngọc (Xuân Trường).
Tiêm phòng vắc-xin cho đàn lợn tại xã Xuân Ngọc (Xuân Trường).
Tham gia mô hình, các hộ chăn nuôi ở xã Xuân Ngọc được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Đồng thời các hộ chăn nuôi còn được hỗ trợ vắc-xin dịch tả lợn, thuốc sát trùng, vôi bột và men vi sinh xử lý môi trường bằng cách bổ sung vào khẩu phần ăn của lợn. Giải pháp kỹ thuật của mô hình xã chăn nuôi an toàn dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường được áp dụng ở xã Xuân Ngọc là tiêu diệt mầm bệnh tồn tại ngoài môi trường bằng cách thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi. Phun thuốc sát trùng xung quanh khu vực chăn nuôi, các chuồng nuôi định kỳ mỗi tuần 1 lần. Rắc vôi bột tại đường đi khu vực các chuồng nuôi. Thực hiện cùng nhập, cùng xuất lợn trên địa bàn toàn xã. Sau mỗi đợt chăn nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng chăn nuôi ít nhất 7 ngày trước khi nhập lứa lợn giống mới. Sử dụng chế phẩm sinh học xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi bổ sung vào trong khẩu phần ăn của lợn. Các chế phẩm này giúp làm tăng quá trình phân giải hiếu khí, hạn chế quá trình phân giải yếm khí sinh ra các khí gây mùi hôi cho chuồng nuôi, cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột của lợn, ức chế nhóm vi sinh vật ngoại sinh phát triển, từ đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Đối với chuồng nuôi nông hộ phải đảm bảo yêu cầu: nền chuồng không trơn trượt và có độ dốc vừa phải từ 3-5%; mái chuồng phải kín đảm bảo không bị dột nước khi mưa; đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải phải đảm bảo thông thoáng dễ thoát nước; các dụng cụ chứa thức ăn, nước uống phải dễ vệ sinh, tẩy rửa. Lợn giống phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh; trước khi nhập đàn được nuôi cách ly 1-2 tuần. Thức ăn sử dụng cho chăn nuôi phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, phù hợp với tiêu chuẩn và khẩu phần ăn của các loại lợn. Nước dùng cho lợn uống phải đảm bảo vệ sinh thú y. Thực hiện tốt chăm sóc, nuôi dưỡng lợn theo các giai đoạn sinh trưởng, phát triển; mật độ nuôi phải phù hợp với từng loại lợn, lứa tuổi lợn. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ vắc-xin cho đàn lợn theo quy định như: vắc-xin phòng tả, tụ huyết trùng… Ngoài ra, các hộ chăn nuôi phải thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe đàn lợn. Khi phát hiện lợn ốm, chết không được bán, giết mổ hoặc vứt ra môi trường mà phải cách ly và báo ngay cho nhân viên thú y, trưởng thôn, xóm, cơ quan thú y gần nhất. Đồng chí Mai Văn Quang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Để xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật thành công thì vai trò, trách nhiệm của các hộ chăn nuôi hết sức quan trọng. Các hộ chăn nuôi cần phải tuân thủ thực hiện hướng dẫn của cơ quan chuyên môn thú y trong việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Từng bước chuyển đổi mô hình chăn nuôi từ nhỏ, lẻ sang chăn nuôi tập trung hoặc chuyển đổi ngành nghề phù hợp với chiến lược phát triển chăn nuôi của địa phương. Hiện Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang tiến hành lấy mẫu nước thải, mẫu không khí chuồng nuôi lợn xét nghiệm các chỉ tiêu ô nhiễm môi trường nước, không khí; lấy mẫu lợn kiểm tra kháng thể dịch tả lợn, kháng thể tự nhiên bệnh lở mồm long móng để đánh giá mức độ bảo hộ bệnh và tình hình dịch bệnh. Đồng thời hướng dẫn UBND xã Xuân Ngọc lập hồ sơ đề nghị công nhận xã an toàn dịch bệnh. Trong thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ tổ chức các đợt tham quan nhằm nhân rộng mô hình ra các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.
 
Việc xây dựng xã an toàn dịch bệnh thành công tại xã Xuân Ngọc có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi, cũng như thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Đây là một mô hình phòng, chống dịch bệnh động vật tiên tiến và hiệu quả, tránh được nhiều rủi ro, thiệt hại trong chăn nuôi. Đồng thời mở ra hướng phát triển chăn nuôi bền vững, an toàn dịch bệnh, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com