Vụ đông sớm trên vùng đất bãi sông Ninh

07:11, 03/11/2016

Trong khi ở các cánh đồng còn đang thu hoạch lúa và bắt đầu trồng cây vụ đông thì ở vùng đất bãi dọc theo sông Ninh Cơ thuộc địa bàn xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng), nhiều loại cây trồng như: cà chua, cải bắp, su hào, cải bẹ, cải xanh, cà rốt… đã sắp cho thu hoạch. Hiện phong trào trồng cây vụ đông sớm ở nơi đây đang được đẩy mạnh khi mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân Nghĩa Hưng.

Từ năm 2013 đến nay, sau khi được thuê lại gần 40ha đất bãi của Cty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh trên địa bàn xã Nghĩa Phong, hơn 50 hộ nông dân ở huyện Nghĩa Hưng đã ra sức cải tạo - sản xuất, biến vùng đất từng đứng trước nguy cơ bị hoang hóa trở thành những cánh đồng hoa màu trù phú. Những bãi đất trắng cát nay được phủ kín màu xanh bạt ngàn dọc bờ sông Ninh Cơ. Anh Phan Văn Hoạt, xã Nghĩa Thắng đang buộc giàn cho cây cà chua đã cao tới hơn nửa mét, vàng rực màu hoa xen lẫn quả non, nhiều quả đã to bằng trứng chim cút, xanh bóng. Anh khoe với chúng tôi: “Tôi vào bầu cà chua từ ngay sau cơn bão số 1 (27-7) và đưa ra ruộng trồng sau đó gần 1 tháng. Tuy gặp khó khăn ở giai đoạn cây con và thời điểm mới trồng do những trận mưa lớn đầu vụ nhưng tôi thực hiện che phủ nilon, dặm tỉa tốt nên vẫn bảo đảm được diện tích và cây phát triển tốt. Dự kiến hơn chục ngày nữa bắt đầu cho thu hoạch, rải rác đến gần Tết”. Do có kinh nghiệm qua nhiều vụ sản xuất, anh luôn chuẩn bị tốt từ các khâu giống đến bón phân cân đối, cắt tỉa nhánh phụ thường xuyên, phòng trừ sâu bệnh, vệ sinh sạch sẽ vườn… nên năm nào ruộng cà chua của anh cũng đạt năng suất 2 tấn/sào. Với giá bán từ đầu vụ là 10 nghìn đồng/kg, cao gấp 2-3 lần lúc chính vụ, 6 sào trồng cà chua đông sớm cho anh thu lãi 30 triệu đồng. Không chỉ trồng mỗi cà chua, ở vụ đông sớm này anh Hoạt trồng 6 sào cải bắp, 4 sào hành hoa, 1 mẫu cà rốt. Mỗi năm anh lãi trên 100 triệu đồng từ trồng cây vụ đông sớm. Chia tay anh Hoạt, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Vinh, xã Nghĩa Bình đang phun thuốc trừ sâu bệnh cho cây củ cải Thái Lan. Anh Vinh cho biết: Khi tôi nhận thuê 1,7 mẫu đất ở đây, đất đai mấp mô, cỏ mọc ngang người. Khi bắt tay vào khai hoang, việc đầu tiên và khó khăn nhất là phải xử lý lớp cỏ dày đặc. Tôi phải thuê máy về cày úp cỏ; san phẳng mặt ruộng. Sau cả tháng trời, tôi mới hoàn thành việc cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng để bắt tay vào trồng cấy. Đến nay, việc sản xuất rau màu ở đây đã đi vào ổn định và cho thu nhập khá. Ở vụ đông sớm này, tôi đang trồng 1 mẫu củ cải Thái Lan, 3 sào su hào, 3 sào cải bắp và 1 sào cà rốt; dự kiến tôi sẽ thu về 100 triệu đồng, lãi 40-50 triệu đồng. Đến ruộng của gia đình bà Vũ Thị Yến, xã Nghĩa Phong, chúng tôi thấy những luống cải bắp xanh tươi đang bắt đầu vào khuôn. Bà Yến cho biết trồng bắp cải vụ đông sớm ít sâu bệnh, giảm chi phí đầu tư, năng suất cao. Ở vụ đông sớm mỗi sào có thể trồng 1.000-1.200 cây bắp cải. Bên cạnh đó, bắp cải đầu vụ bán giá cao hơn chính vụ nên so với các loại cây khác thì trồng bắp cải vụ đông sớm hiệu quả hơn nhiều lần. Vụ đông năm nay, gia đình bà trồng 6 sào bắp cải vụ sớm. Bà bắt đầu gieo trồng từ giữa tháng 9. Do trồng vụ sớm nên bà Yến chọn trồng giống bắp cải KK Cross. Đây là giống bắp cải chịu nhiệt, thời gian sinh trưởng ngắn, kháng bệnh tốt, bắp tròn cao, cuốn rất chắc, độ đồng đều cao, giữ được lâu trên đồng ruộng. Sau hơn 1 tháng trồng, đến thời điểm hiện tại, gia đình đã thu hoạch được một nửa diện tích trồng bắp cải với giá bán tại ruộng là 10 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, 1 sào bắp cải vụ sớm cho thu lãi 5-8 triệu đồng... Ngoài ra, vụ này bà còn trồng thêm 6 sào lạc đỏ trái vụ, 1 mẫu ngô ngọt. Mỗi năm bà Yến lãi 60-70 triệu đồng từ cây vụ đông sớm.

Nông dân xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) chăm sóc cây su hào tại vùng đất bãi ven sông Ninh Cơ.
Nông dân xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) chăm sóc cây su hào tại vùng đất bãi ven sông Ninh Cơ.

Đồng chí Trần Trung Hiếu, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Nghĩa Hưng cho biết: Cây rau màu vụ đông sớm mang lại hiệu quả kinh tế cao, nông dân tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn, kéo dài thời gian quay vòng, tăng hệ số sử dụng đất. Từ thực tiễn có sức thuyết phục này, huyện Nghĩa Hưng chỉ đạo các địa phương có điều kiện mở rộng diện tích cây vụ đông sớm khẩn trương triển khai kế hoạch sản xuất. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tích cực đưa các giống rau quả mới, có chất lượng, thời gian sinh trưởng ngắn, cho năng suất và chất lượng cao, phù hợp với thị trường. Cây cà chua sử dụng các giống Magic, Montavi, Savior, Tre Việt 1, Tiền phong 1, HT152, HT160, HT108); cây ngô tập trung trồng các giống ngô lai LVN-4, LVN-145, C919, P9698, CP999, P4199 và ngô nếp MX2, MX4, nếp lù, G500; cây bí trồng bí xanh đá, bí sặt; các loại rau gia vị rau mùi, thì là, hành, tỏi và rau xanh các loại… Đồng thời huyện chỉ đạo các ngành, đơn vị chuyên môn kịp thời tập huấn, chuyển giao giúp nông dân nắm vững kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc các loại cây vụ đông sớm. Hầu hết các hộ nông dân tham gia thuê đất ở vùng đất bãi ven sông Ninh Cơ đều là những người có kinh nghiệm, trình độ thâm canh cao. Vụ đông sớm năm nay, trong gần 40ha diện tích đất canh tác, các hộ đã gieo trồng 9ha cải bắp, su hào; 13ha ngô, cà chua; diện tích còn lại trồng các loại rau màu khác. Để đảm bảo được thời vụ của cây vụ đông sớm, các hộ nông dân thực hiện luân canh bằng nhiều công thức khác nhau nhưng phổ biến là 2 công thức: từ tháng 1 trồng các loại rau màu (cải bắp, su hào, cải canh, cải củ…), đến tháng 4 thu hoạch chuyển sang cấy lúa, trồng ngô, cà chua… đến tháng 8, 9 bắt đầu gieo trồng cây vụ đông sớm. Công thức thứ 2 là từ tháng 2 đến tháng 6, 7 trồng dưa hấu; tháng 8 bắt đầu luân canh rau màu vụ đông. Hiện nay, ở vùng đất bãi dọc sông Ninh Cơ, các diện tích trồng hành hoa, cải canh, cải bẹ bắt đầu cho thu hoạch; cây cà chua đang ra hoa, đậu quả; ngô đang trỗ cờ, phun râu; các cây su hào, cà rốt, củ cải… đang trong quá trình hình thành củ… Theo phản ánh của một số hộ nông dân nơi đây, hiện nay giá cà chua là 10 nghìn đồng/kg, cải bắp 6-7 nghìn đồng/cây, củ cải 4-5 nghìn đồng/kg, su hào 3-4 nghìn đồng/củ… cao gấp 2-3 lần so với giá chính vụ, sản phẩm dễ tiêu thụ; mỗi vụ, các hộ có thể lãi từ 30-100 triệu đồng tùy loại cây trồng. Tính ra giá trị sản xuất trên 1ha ở đây đạt từ 180-200 triệu đồng/năm.

Mặc dù rau màu đầu vụ được các hộ nông dân nơi đây thu hoạch sớm và bán giá cao hơn 2-3 lần so với chính vụ nhưng hầu hết nông sản tiêu thụ vẫn qua thương lái tự do trên thị trường nên kết quả sản xuất vẫn “phập phù” may rủi. Cây rau màu sớm bán được giá nhưng tỷ lệ rủi ro trong canh tác cũng rất cao do lách vụ nên phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, kỹ thuật và kinh nghiệm canh tác. Bên cạnh đó, phần lớn diện tích đất bãi không có công trình thủy lợi riêng phục vụ tưới tiêu, bắt đầu từ mùa thu nước sông nơi đây bị nhiễm mặn, do vậy hầu hết các hộ nông dân phải đào ao để tạo nguồn nước tưới cho cây trồng, điều này cũng ảnh hưởng tới kết cấu tầng canh tác và hiện trạng của đất. Do việc sản xuất ở vùng bãi này có tính tạm thời tận dụng đất bỏ hoang, hệ thống điện lưới cũng chưa có nên các hộ dân phải dùng máy phát điện phục vụ sản xuất nên chi phí sản xuất vẫn cao. Ngoài ra, hợp đồng thuê đất theo từng năm một nên nhiều hộ nông dân không dám mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa. Hiện mong muốn của người dân vùng đất bãi Ninh Cơ là được Nhà nước hỗ trợ triển khai các chương trình, dự án về xây dựng các vùng sản xuất rau an toàn, hàng hóa tập trung. Được hỗ trợ xây dựng và phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, điện lưới… phục vụ sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động về thị trường tiêu thụ nông sản, giống, tiến bộ kỹ thuật… góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho các hộ dân vùng đất bãi./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com