Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển sản xuất ở Giao An

08:11, 21/11/2016
Xã Giao An (Giao Thủy) nằm trong khu vực vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Thủy nên có tiềm năng cho phát triển kinh tế ở cả lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản. Để phát huy lợi thế đó, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung hỗ trợ, khuyến khích nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng những mô hình kinh tế mới nhằm tạo thêm sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên.
Nông dân xã Giao An ứng dụng tiến bộ kỹ thuật ương giống cây sú vẹt để trồng rừng ngập mặn.
Nông dân xã Giao An ứng dụng tiến bộ kỹ thuật ương giống cây sú vẹt để trồng rừng ngập mặn.
Để đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xã Giao An đã tổ chức rà soát lại hiện trạng sử dụng đất, quy hoạch vùng sản xuất và đầu tư kiến thiết cơ sở hạ tầng nhằm khai thác hiệu quả đất đai; tranh thủ các chương trình dự án hỗ trợ vốn, tư liệu sản xuất, khoa học kỹ thuật của các tổ chức trong và ngoài nước; tạo điều kiện cho người dân vay vốn phát triển sản xuất. Đến nay, xã đã hoàn thành quy hoạch sản xuất với các phân khu rõ rệt như khu vực trồng lúa đảm bảo an ninh lương thực; vùng sản xuất nông sản hàng hóa để tăng thu nhập như trồng rau màu, vùng nuôi trồng thủy, hải sản. Với mỗi vùng sản xuất đều được quy hoạch chi tiết về hệ thống thủy lợi tưới tiêu, cơ cấu mùa vụ, con nuôi thuận lợi trong công tác chỉ đạo, chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, hầu hết hệ thống kênh mương do xã quản lý được xây dựng kiên cố, đảm bảo vận hành tưới tiêu phục vụ sản xuất hiệu quả, không thất thoát, lãng phí nước. Các hộ dân nuôi trồng thủy sản trong xã đã tích cực đầu tư nâng cấp hạ tầng cung cấp điện như xây mới trạm biến áp phục vụ hệ thống nuôi tôm công nghiệp. Xã phối hợp với Phòng NN và PTNT, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, Trạm Khuyến nông huyện… tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân. Tổ chức cho các hộ nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất rau màu, trồng cây dược liệu và nuôi thủy sản ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Qua đó nhiều kỹ thuật mới như trồng rau, nuôi thủy sản an toàn theo quy trình VietGAP; chăn nuôi an toàn sinh học được người dân áp dụng vào thực tế sản xuất. Phong trào ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất ở Giao An đã phát triển mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong nhiều lĩnh vực. Nhiều mô hình sản xuất mới được tổ chức thành công ở cả khu vực nội đồng cũng như ngoài đê biển. Điển hình như mô hình trồng lúa chịu mặn, chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, nuôi giun quế làm thức ăn chăn nuôi, nuôi ong lấy mật, trồng rau màu, nấm và cây dược liệu theo quy trình VietGap. Tại khu vực đất ngập mặn, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới trong khai thác, nuôi thủy, hải sản đã được người dân thực hiện thành thục như: đa dạng các loại con nuôi nước mặn lợ như cua biển, tôm, hàu; nuôi xen canh giữa cua biển, tôm sú, rong câu chỉ vàng và cá vược, cá hồng mỹ; khai thác con giống thủy sản tự nhiên (ngao, cá trình, bống bớp…) theo quy trình để đảm bảo chất lượng giống và tái tạo nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong đó đề án “Khai thác sử dụng khôn khéo và bền vững nguồn ngao giống tự nhiên trên vùng đất ngập nước ở cửa sông Hồng” do Bộ NN và PTNT hỗ trợ triển khai được người dân tích cực thực hiện theo các hướng dẫn đưa ra từ kết quả nghiên cứu đặc điểm hệ sinh thái khu vực đất ngập nước như: Chỉ khai thác ngao giống tự nhiên trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7; chỉ dùng những phương tiện và công cụ khai thác thủ công. Cách làm này bảo đảm người dân vừa khai thác được ngao giống phục vụ nuôi trồng, vừa có ngao sinh trưởng tự nhiên tại bãi bồi, đáp ứng được yêu cầu bảo tồn và tái tạo thiên nhiên. Đến nay diện tích nuôi trồng thủy, hải sản của xã đã lên đến 984ha. Trong đó 673ha nuôi tôm, 300ha nuôi ngao vạng… Tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản 6 tháng đầu năm 2016 đạt trên 18 nghìn tấn, bằng 78,20% kế hoạch và tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh ngành nuôi trồng thủy, hải sản, hiệu quả ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất ở Giao An còn thể hiện rõ nét trong sản xuất cây màu, tiêu biểu là việc người dân đã ứng dụng và thực hành thuần thục các quy trình sản xuất cây đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP-WHO cung ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước. Ngoài lợi ích kinh tế, người dân còn được bổ sung kiến thức về canh tác hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có lợi cho môi trường. Tại khu kinh tế mới Điện Biên, ngoài diện tích đất màu, người dân đã tận dụng tối đa diện tích đất gò vườn, bờ bao ao nuôi thủy sản để trồng cây đinh lăng. Hiện tại, các hộ trồng đinh lăng đang được Cty Traphaco hướng dẫn quy trình trồng xen đinh lăng với cây hoa hòe để tái tạo đất, tăng thêm thu nhập. Tiêu biểu như ông Phạm Văn Hoàn, xóm 21 nhận thầu trên 5ha đất bãi trồng dưa hấu, cây đinh lăng và nuôi dê, lợn; ông Đỗ Xuân Vĩnh, đấu thầu trên 5ha nuôi tôm và trồng rau câu mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
 
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và nhận thức rõ rệt cho người dân nơi đây. Giao An đang trở thành địa chỉ tin cậy của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tìm đến mỗi khi muốn nghiên cứu chuyên sâu về sản xuất con giống, nuôi trồng thủy, hải sản cũng như triển khai các dự án khoa học liên quan đến bảo tồn thiên nhiên và phát triển sinh kế bền vững. Thời gian tới, xã tiếp tục nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với dịch vụ du lịch cộng đồng./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com