Trong suốt 14 năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh đã luôn nỗ lực đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng khó khăn có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế, thoát nghèo. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn 2016-2020, Ngân hàng CSXH sẽ tiếp tục bám sát mục tiêu đồng hành cùng người nghèo, góp phần cùng toàn xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM) và bảo đảm an sinh xã hội.
|
Ngân hàng CSXH huyện Xuân Trường tích cực triển khai chương trình cho vay giải quyết việc làm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương. |
Trong những năm qua, nhất là giai đoạn 2010-2015, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách mới để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác cho vay các đối tượng chính sách. Đặc biệt, ngày 22-11-2014 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH. Thực hiện Chỉ thị số 40, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực chủ động vào cuộc hết sức quyết liệt, trong đó quan tâm bổ sung nguồn vốn hằng năm để Ngân hàng CSXH tỉnh đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chính sách 10%/năm. Theo đó, năm 2016 ngân sách tỉnh đã bổ sung 2,9 tỷ đồng, 8/10 huyện, thành phố đã bổ sung 1,4 tỷ đồng và 6 xã của huyện Ý Yên chuyển 172 triệu đồng ủy thác qua Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Nhờ đó, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2016 toàn tỉnh đã có gần 30 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng CSXH. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp 2.730 hộ thoát nghèo, 1.709 hộ ra khỏi diện cận nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 1.047 lao động; giúp 5.907 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 23.216 công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn, 39 căn nhà cho hộ nghèo... Chỉ tiêu kế hoạch dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến ngày 30-9-2016 của hệ thống Ngân hàng CSXH là 2.396,2 tỷ đồng, tăng 173,3 tỷ đồng so với năm 2015, tỷ lệ tăng trưởng đạt 7,8%. Nguồn vốn vay tập trung chủ yếu ở một số chương trình: Cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tăng 98,1 tỷ đồng; hộ cận nghèo tăng 93,8 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo tăng 74,6 tỷ đồng; hộ nghèo tăng 54,4 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn gồm: Nguồn vốn cân đối từ Trung ương 2.220,92 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 137,9 tỷ đồng; nguồn vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất chênh lệch 165,9 tỷ đồng, đạt 111% kế hoạch giao, tăng so với đầu năm 33,7 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương 9,362 tỷ đồng, tăng 1,662 tỷ đồng so với năm 2015. Tín dụng chính sách thực sự đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM của tỉnh. Có được kết quả trên là do có sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác và sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban đại diện HĐQT các cấp và sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên Ngân hàng CSXH. Cùng với đó, Ngân hàng CSXH đã xây dựng được mô hình tổ chức quản lý, quản trị và phương thức quản lý đặc thù phù hợp với thực tế của tỉnh. Đến nay, Ngân hàng CSXH đã có Ban đại diện HĐQT từ cấp tỉnh đến huyện, xã. Bộ máy điều hành, tác nghiệp của Ngân hàng CSXH được thiết lập củng cố đảm bảo hết sức tinh gọn theo phương châm “một người biết nhiều việc” nhằm tiết giảm chi phí tối đa. Các phòng giao dịch chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội, thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) ở các thôn, xóm. Các tổ này tương trợ giúp đỡ nhau để sử dụng vốn một cách hiệu quả đảm bảo có nguồn thu trả nợ ngân hàng. Người vay vốn chỉ việc đến trụ sở UBND xã để thực hiện các giao dịch vay tiền, trả tiền lãi, tiền gốc. Các chi phí về giao dịch, hồ sơ thủ tục, các giấy tờ đều được miễn giảm. Chính điều đó đã giúp Ngân hàng CSXH thiết lập được mối quan hệ thân thiết với chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội. Đặc biệt, các tổ TK và VV có lợi thế là sát dân, nắm bắt được tình hình sử dụng nguồn vốn của các hộ vay nên dễ dàng đánh giá, kiểm điểm trả nợ tiền gốc, tiền lãi cũng như những khó khăn của người vay để đôn đốc và hỗ trợ một cách có hiệu quả. Tại các điểm giao dịch xã, phường, thị trấn được công khai chính sách, danh sách các hộ được vay vốn, mục đích sử dụng vốn vay nhằm tăng cường vai trò giám sát của toàn dân. Nhờ đó trong những năm qua việc khiếu kiện của các đối tượng về vay vốn không xảy ra. Đồng thời giúp chính quyền các địa phương nắm được nhu cầu cũng như việc sử dụng nguồn vốn vay của người dân, mức độ hiệu quả, từ đó có cơ chế, chính sách và cách thức điều hành phù hợp.
Phát huy những kết quả đã đạt được, giai đoạn 2016-2020, Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đôn đốc chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với tín dụng CSXH; làm tốt hơn nữa việc tham mưu cho HĐND, UBND các cấp bố trí nguồn ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn, phấn đấu 100% UBND cấp huyện và ít nhất 10% UBND cấp xã hằng năm có chuyển vốn ủy thác qua Ngân hàng CSXH. Phân bổ nguồn vốn kịp thời cho các huyện, thành phố theo chỉ tiêu được Trung ương thông báo, ưu tiên cho những nơi có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của từng thành viên Ban đại diện HĐQT trong việc quản lý nguồn vốn CSXH. Rà soát, bổ sung kịp thời vào danh sách những hộ tái nghèo, phát sinh nghèo, mới thoát nghèo, tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn CSXH vươn lên thoát nghèo bền vững. Thực hiện triệt để việc phân giao vốn đến các thôn, xóm; kết hợp với trưởng thôn, xóm quản lý, giám sát việc bình xét cho vay của tổ trưởng tổ TK và VV ở thôn, xóm. Phối hợp với Ngân hàng CSXH và các hội, đoàn thể trong việc triển khai các chương trình, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn. Thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn mạng lưới tổ TK và VV. Cùng với hội, đoàn thể nhận ủy thác tham mưu cho UBND cấp xã thành lập tổ thu nợ để thu hồi vốn. Tập trung cho vay các chương trình tín dụng chính sách đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm năm 2016 và các năm tiếp theo theo nghị quyết HĐQT và ngân hàng cấp trên giao. Đẩy mạnh công tác huy động vốn, bên cạnh việc phối hợp với hội, đoàn thể nhận ủy thác đưa việc huy động tiền gửi của tổ viên hằng tháng vào nề nếp, tích cực huy động tiền gửi từ dân cư để bổ sung nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, tích cực phối hợp với hội, đoàn thể nhận ủy thác, chính quyền địa phương đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, nợ tồn đọng lâu ngày, nợ xâm tiêu, chiếm dụng để duy trì tỷ lệ nợ quá hạn dưới mức bình quân vùng đồng bằng sông Hồng là 0,18% dư nợ. Triển khai thực hiện tốt các nội dung nhận ủy thác, chú trọng ngay từ khâu bình xét cho vay đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng được vay vốn; coi trọng công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của hộ vay; tham gia đầy đủ các phiên giao dịch, kiểm tra, hướng dẫn tổ trưởng tổ TK và VV, hộ vay làm các thủ tục trước khi vào giao dịch với ngân hàng để việc giao dịch được nhanh chóng và hội, đoàn thể nắm bắt được hoạt động của tổ, tình hình trả tiền gốc, lãi của hộ vay ngay tại buổi giao dịch để đôn đốc, xử lý kịp thời./.
Bài và ảnh:
Phạm Văn Đại