Vốn là người mê tiếng chim hót, ông Trung đã có gần 30 năm nuôi chim cảnh các loại: chào mào, chích chòe, khướu, họa mi, khuyên… Sân vườn nhà ông lúc nào cũng treo hàng chục lồng. Đam mê thú chơi chim cảnh, ông dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu đặc tính sinh trưởng của các loài chim.
Ông Nguyễn Quang Trung, thôn Đông Thượng, xã Nam Hồng (Nam Trực) mỗi năm có thu nhập trên dưới 100 triệu đồng nhờ nuôi ấp thành công chim cu gáy. |
Là người có đầu óc kinh tế nên ông nắm bắt rất nhanh về nhu cầu chim cảnh trên thị trường, trong đó có nhiều loại việc bắt bẫy chim trời không dễ. Ông đã nghĩ đến việc thử cho ấp nở chim giống. Ngoài thời gian làm công nhân cơ khí tại Cty TNHH Mai Văn Đáng, KCN Hòa Xá (TP Nam Định) ông Trung mày mò ấp nở thành công giống chim chích chòe. Nhưng phải đến chim cu gáy ông mới quyết tâm biến thú vui thành cơ hội kiếm tiền. Do đam mê vẻ hiền lành, tiếng gù đặc trưng của loài chim cu gáy nên ông luôn mong muốn tự mình có thể cho ấp nở, nhân giống thành công loài chim cu gáy. Năm 2005, ông Trung quyết định cải tạo vườn nhà thành khu chuồng rộng 20m2, quây lưới xung quanh để nuôi thả 3 đôi chim cu gáy. Nuôi được vài tháng thì có một đôi đẻ trứng, ấp nở thành công. Quá đỗi vui mừng, ông Trung tò mò bắt chim non xem. Lần ấy lại thêm một “bài học” kinh nghiệm cho ông Trung, vì có hơi người nên ngay lập tức chim mẹ bỏ con non không nuôi. Thêm nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng ông rút ra kinh nghiệm khi chim mái đẻ, tuyệt đối không được can thiệp như cầm vào trứng để kiểm tra mà để chúng tự ấp, tự nở. Sau một thời gian nuôi, nhận thấy loài chim cu gáy có cách sinh hoạt, tha rác làm tổ, tìm kiếm thức ăn, ấp trứng, bón thức ăn cho con… giống như chim bồ câu, ông Trung đã mạnh dạn ghép đôi, làm lồng ấp cho chim mái, theo dõi quá trình ấp trứng và nở con. Vài tháng sau, thấy chim cu gáy nuôi phát triển bình thường, đẻ trứng, ấp nở và chăm sóc con như bồ câu nên ông Trung mới mạnh dạn mua thêm con giống về ghép đôi. Cu gáy được xem là loài chim nho nhã, điềm đạm, hiền lành, có sức khỏe dẻo dai lại dễ chăm sóc, thức ăn đơn giản, vì vậy nuôi chim cu gáy ít tốn kém, ít phải lo bệnh tật. Dòng chim này lại có những tiếng gù, tiếng gáy đặc trưng mà người nuôi phân loại theo nhiều giọng khác nhau, tiêu biểu như giọng đất (thổ); giọng kim; giọng thổ pha đồng; giọng kim pha đồng hay “bổ lèo” (cách gọi số lần gù của chim cu trong một lần gáy: lèo ba, năm, bảy). Những năm gần đây, chim cu gáy ngày càng hút dân chơi dẫn tới tình trạng chim cu gáy trong tự nhiên ngày càng hiếm nên giá trị kinh tế cao. Khu vực các tỉnh Hà Nam, Thái Bình và các huyện Vụ Bản, Nghĩa Hưng trong tỉnh là nơi có giống cu gáy với giọng “thổ” chuẩn nên càng được người chơi khắp nơi ưa thích. Nhận thấy nhu cầu của thị trường, sau vài lần thất bại, đúc rút được kinh nghiệm ghép đôi; chăm sóc chim non ra ràng mạnh khỏe ông quyết định nhân giống đàn chim cu gáy. Theo thời gian, đàn chim cu gáy của ông ngày một nhiều, tiếng chim vang khắp làng xóm, nhiều khách chơi chim biết đến ông và tìm hỏi mua. Nhìn những con chim cu gáy được chăm chút có bộ lông đẹp, chất giọng tốt sẵn sàng trả giá hàng chục triệu đồng để được sở hữu. Thấy chim cu gáy cho giá trị kinh tế cao, ông Trung quyết định đầu tư hơn 30 triệu đồng làm một khu nuôi có diện tích 100m2. Khu nuôi được ông quây kín bằng lưới thép thưa và có chiều cao 4m, bên trong thiết kế hồ nước và trồng các loại cây ăn quả như: nhãn, vải… để chim có điều kiện sống như ngoài môi trường tự nhiên. Để làm chuồng cho chim, ông dùng gỗ, tôn lá, nhựa… thiết kế 30 chiếc với kích thước dài, rộng và cao khoảng 30cm mỗi chiều, bên trong tạo ổ bằng rơm, rạ hoặc chất xơ từ cây cối để làm chỗ cho chim mẹ đẻ. Mỗi năm, một cặp chim cu bố mẹ đẻ 8-10 lứa, mỗi lứa từ 1 đến 2 trứng. Thời gian ấp trứng khoảng 10-20 ngày thì nở. Khi chim non được khoảng 7-8 ngày, ông Trung mới tách ổ, chuyển sang khu chuồng nuôi khác để chim mái chấm dứt thời gian nuôi chim non, chăm vỗ để nhanh đẻ lứa mới. Mỗi ngày phải đút thức ăn cho chim non một lần, sau khi tách ổ khoảng 6-7 hôm thì chim non biết tự mổ thức ăn và tập bay, khoảng 45-50 ngày sau thì chim non trưởng thành và bắt đầu tập gáy. Mỗi đôi chim cu gáy non có giá từ 300-500 nghìn đồng, chim trưởng thành có giá từ 800 nghìn đến vài triệu đồng/con. Giờ đây, ông Trung đang sở hữu hơn 200 đôi chim bố mẹ, luân phiên đẻ trứng và ấp nở chim non, nên mỗi tháng ông cũng xuất bán được từ 10-15 đôi chim non và khoảng chục đôi chim trưởng thành. Ngoài khoản lương công nhân cơ khí, mỗi tháng gia đình ông Trung có thêm một khoản thu 8-10 triệu đồng từ chim cu gáy. Tiếng lành đồn xa, nhiều người thấy mô hình nuôi chim cu gáy của ông Trung cho hiệu quả kinh tế cao đã tìm đến mua con giống, học hỏi kinh nghiệm. Giờ đây, ông đã trở thành nhà cung cấp chim giống cho người chơi chim cảnh ở khắp nơi Thái Nguyên, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh…
Từ một thú chơi tao nhã, với lòng đam mê và quyết tâm ông Trung đã mày mò nghiên cứu và nhân giống thành công chim cu gáy, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho gia đình và góp phần hạn chế tình trạng săn bẫy chim tự nhiên, chia sẻ niềm vui với những người cùng đam mê tiếng gù của chim cu gáy./.
Bài và ảnh: Thành Trung