Hiện nay trên địa bàn tỉnh ta có 19 tổ chức tín dụng (TCTD), ngân hàng đang hoạt động. Nhằm thúc đẩy việc cho doanh nghiệp vay vốn, góp phần tăng trưởng tín dụng, thời gian qua Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngân hàng chủ động tháo gỡ khó khăn, đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có vốn đầu tư để duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy trên thực tế các doanh nghiệp vẫn đang “khát vốn” vì khó tiếp cận với nguồn vốn từ các ngân hàng, TCTD trên địa bàn.
Một trong những khó khăn lớn nhất trong cho vay doanh nghiệp ở tỉnh ta hiện nay đó là tài sản hiện có của doanh nghiệp không đủ cơ sở làm căn cứ để các ngân hàng xét duyệt cho vay vốn. Theo đại diện của một số ngân hàng thương mại thì hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 6.300 doanh nghiệp hoạt động, trong đó hơn 95% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên các ngân hàng, TCTD mới chỉ giải quyết cho vay vốn được hơn 40% số doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp đang có quan hệ tín dụng với các ngân hàng đều có nhu cầu vay thêm vốn để tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh nhưng do vốn tự có của doanh nghiệp ở các dự án đầu tư mới không có nên ngân hàng không thể xét duyệt cho vay thêm. Một số doanh nghiệp khác thì có tài sản thế chấp nhưng việc định giá tài sản của các ngân hàng quá thấp nên chỉ cho vay ít, không đáp ứng được nhu cầu, vì thế doanh nghiệp phải tiếp cận từ các kênh vốn khác hoặc “bỏ cuộc”. Bên cạnh đó, cơ chế và thủ tục vay vốn cũng là một trong những trở ngại gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng. Đại diện Cty TNHH Đoàn Kết (Xuân Trường) cho biết: Là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm từ gỗ, vì thế Cty thường xuyên phải nhập khẩu các loại gỗ nguyên liệu với số lượng lớn từ In-đô-nê-xi-a và Đài Loan (Trung Quốc). Do vậy, có thời điểm Cty cần một lượng vốn lớn để thanh toán cho đối tác… Tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng từ những ngày đầu mới thành lập nên chúng tôi hiểu rõ để chuẩn bị đủ những thủ tục cần thiết để có thể vay được vốn. Mặc dù là khách hàng quen nhưng có thời điểm ngân hàng đưa ra những yêu cầu mới khiến doanh nghiệp không thể đáp ứng được gây khó khăn cho doanh nghiệp trong giao dịch với khách hàng. Chính vì thế, theo đại diện doanh nghiệp này các ngân hàng, TCTD cần mở rộng linh hoạt hơn nữa cơ chế cho vay hay căn cứ vào tài sản thực tế và uy tín của doanh nghiệp để cấp hạn mức tín dụng. Ngoài ra, các thủ tục hành chính trong việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đất đai làm tài sản thế chấp vay vốn còn gặp nhiều khó khăn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp.
|
Cty TNHH Thương mại Hòa Bình, KCN Hòa Xá (TP Nam Định) luôn có quan hệ tín dụng thân thiết với các ngân hàng. |
Khắc phục những khó khăn đó, thời gian qua, các TCTD, ngân hàng hoạt động trên địa bàn đã tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp sớm tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Ngay từ đầu năm, các TCTD đã xác định rõ mục tiêu kinh doanh của đơn vị, trong đó đặc biệt chú ý đến chỉ tiêu cho vay doanh nghiệp, đồng thời giao định mức cụ thể cho từng cán bộ tín dụng của đơn vị. Bên cạnh đó, các TCTD trên địa bàn còn tích cực củng cố, phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng hoạt động; tiếp thị, mở rộng quan hệ thanh toán và phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại… nhằm thu hút tối đa nguồn tiền nhàn rỗi trong xã hội để tạo nguồn vốn cho vay trên địa bàn. Chi nhánh NHNN tỉnh phối hợp với các sở, ngành và các huyện, thành phố tích cực tổ chức các hội nghị đối thoại kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để lắng nghe tiếp nhận thông tin về những vướng mắc phát sinh trong thực tế, từ đó đề xuất các giải pháp và tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương kịp thời tháo gỡ giúp doanh nghiệp có thể vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến hết tháng 10-2016, tổng dư nợ cho vay phát triển kinh tế - xã hội của ngân hàng, TCTD trên địa bàn tỉnh đạt 36.839 tỷ đồng, tăng 15,1% so với đầu năm 2015, trong đó cho vay doanh nghiệp chiếm hơn 20% tổng dư nợ cho vay. Là một trong những khách hàng thường xuyên của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh Thành phố Nam Định, Cty TNHH Youngone Nam Định, KCN Hòa Xá (TP Nam Định) hiện đang được ngân hàng cho vay hàng chục tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất. Trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức từ ngày đầu thành lập đến nay Cty đã không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho hơn 1,5 vạn lao động, với thu nhập trung bình 3,5-5,5 triệu đồng/người/tháng. Đại diện lãnh đạo Cty cho biết: Có được kết quả đó phải kể đến vai trò công lao của Chi nhánh Vietinbank Thành phố Nam Định đã luôn đồng hành cùng Cty, tạo điều kiện thuận lợi cho Cty được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng đáp ứng yêu cầu mở rộng phát triển sản xuất.
Để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thời gian tới, Chi nhánh NHNN tỉnh sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông về chính sách hỗ trợ cho đối tượng là doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ để các doanh nghiệp biết các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhằm hạn chế những khâu trung gian, giảm phiền hà trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp, đồng thời giúp doanh nghiệp sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý để vay vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, tích cực thông tin, tuyên truyền giúp người dân hiểu và chấp hành các quy định của Nhà nước trong quan hệ tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện cho ngành Ngân hàng hoạt động. Bản thân các doanh nghiệp cần nỗ lực từng bước mở rộng, nâng cao năng lực, quy mô doanh nghiệp để có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các dự án đầu tư mới. Đồng thời chủ động xây dựng và công khai, minh bạch tình hình tài chính của đơn vị, tạo cơ sở để các ngân hàng tin tưởng thay đổi hình thức cho vay từ thế chấp sang tín chấp./.
Bài và ảnh:
Phạm Văn Đại