Trong số các ngành nghề sản xuất TTCN ở nông thôn của tỉnh ta thì nghề tái chế phế thải phát triển tương đối nhanh. Tuy nhiên bên cạnh một số đóng góp tích cực về kinh tế - xã hội của nghề này cũng có những hạn chế, đặc biệt về môi trường do công nghệ tái chế lạc hậu, đặt ra các yêu cầu phải tăng cường công tác quản lý.
|
Sử dụng phế liệu để tái chế các sản phẩm cơ khí tại Cty TNHH Sản xuất và thương mại Chiến Thắng, CCN Tống Xá (Ý Yên). |
Có thể kể đến như làng nghề cơ khí, đúc Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực) chuyên tái chế vỏ lon các loại làm nhôm nguyên liệu; làng nghề cơ khí Vân Chàng, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực); làng nghề cơ khí Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên). Đầu vào của nghề này tận dụng phế liệu nên mặt tích cực là góp phần tận thu, tái sử dụng một lượng không nhỏ các chất thải từ sản xuất công nghiệp và sinh hoạt; giảm lượng chất thải ra môi trường; gián tiếp tạo việc làm cho đội ngũ lao động không có tay nghề kỹ thuật đi thu gom phế liệu. Đến nay, mới có một số doanh nghiệp hoạt động tái chế phế liệu trên địa bàn tỉnh đã đưa vào các CCN và các doanh nghiệp lớn chấp hành các quy định pháp luật về BVMT như đã lập hồ sơ thủ tục về môi trường và được phê duyệt, xác nhận theo quy định; đã tiến hành xây lắp, vận hành các công trình xử lý chất thải từ quá trình sản xuất; đã thực hiện thu gom, lưu giữ và hợp đồng xử lý chất thải nguy hại theo quy định; đã thực hiện quan trắc giám sát môi trường định kỳ theo quy định. Tuy nhiên, cũng như nhiều ngành nghề nông thôn khác phát triển tự phát, phần lớn quy mô hộ gia đình, cơ sở sản xuất nhỏ nằm rải rác ngay trong khu dân cư, tận dụng nơi ở làm nơi sản xuất, tập kết nguyên liệu; thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu, phần lớn là tự tạo hoặc thủ công cải tiến nên quá trình sản xuất phát sinh nhiều loại chất thải, bao gồm cả chất thải nguy hại, mặt khác do sản xuất phân tán nên các nguồn thải khó tập trung xử lý. Theo Sở TN và MT cho biết kết quả quan trắc phân tích hằng năm tại các doanh nghiệp, làng nghề tái chế cho thấy nước thải hầu như chưa được xử lý trước khi thải ra nguồn tiếp nhận, là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm nước mặt, đặc biệt là ô nhiễm cục bộ lưu vực sông nội đồng chảy qua làng nghề. Nước sông tại một số điểm tiếp nhận từ các nhánh sông nội đồng chảy qua khu dân cư nông thôn, CCN, làng nghề, khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm đã có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi các thông số hữu cơ. Kết quả quan trắc nước mặt các khu vực này cho thấy: nhiều thông số vượt quy chuẩn cho phép như COD, BOD, SS, dầu mỡ, coliform. Nồng độ BOD
5, COD khu vực làng nghề đang có chiều hướng gia tăng và vượt quy chuẩn cho phép trong thời gian gần đây. Môi trường tại khu vực sản xuất ở các làng nghề cơ khí, đúc (nấu tái chế kim loại), làng nghề tái chế nhựa hiện nay bị ô nhiễm khí thải nhiều nhất so với các khu vực khác trên địa bàn tỉnh. Các khí độc hại như CO, CO
2, NO
2, SO
2 phát sinh do đốt nhiên liệu hoá thạch và các hơi hoá chất độc hại như hơi axit, dung môi, hơi kim loại… thải vào môi trường không khí làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người lao động. Hiện nay việc xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại ở các làng nghề này cũng chưa được thực hiện nghiêm túc. Phần lớn chất thải nguy hại phát sinh ở các làng nghề được thu gom cùng với chất thải sinh hoạt và đem chôn lấp tại bãi rác của địa phương. Những hạn chế bất cập tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe người dân của các làng nghề, cơ sở tái chế phế liệu là một trong các nguyên nhân phát sinh tố cáo, khiếu kiện, phản đối doanh nghiệp ảnh hưởng đến an ninh trật tự, xã hội tại các địa bàn. Cụ thể như trường hợp Cty TNHH Tùng Dương tái chế dầu thải tại xóm 16, xã Nghĩa An (Nam Trực).
Để nâng cao hiệu quả quản lý đối với doanh nghiệp, làng nghề tái chế phế thải, hiện nay các ngành chức năng, các địa phương đang tập trung đẩy nhanh việc hoàn thiện quy hoạch xây dựng các CCN và thúc đẩy việc di chuyển, tập hợp các hộ sản xuất vào các CCN. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức nâng cao dân trí để các hộ sản xuất hiểu được những tác hại của việc suy giảm chất lượng môi trường sống do hoạt động tái chế phế thải, từ đó có ý thức bảo vệ môi trường (BVMT) trong sản xuất sản phẩm tái chế. Tăng cường đưa ra các chính sách quản lý môi trường phù hợp với từng loại hình làng nghề như việc quy định về đóng góp quỹ cho môi trường, chế độ thưởng phạt, kể cả thuế môi trường đối với các hoạt động phát sinh hoặc giảm thiểu ô nhiễm. Hỗ trợ cung cấp thông tin, khuyến khích áp dụng các giải pháp công nghệ nhằm giảm thiểu ô nhiễm do hoạt động tái chế gây ra. Tăng cường công tác quan trắc nhằm phát hiện sớm và có các biện pháp thích hợp để ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm. Trước mắt đối với việc nổi cộm của Cty TNHH Tùng Dương, Sở TN và MT đã phối hợp với Tổng cục Môi trường, Cục QLCT và CTMT tổ chức buổi làm việc công bố kết quả quan trắc và thủ tục cấp phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại cho Cty TNHH Tùng Dương. Mới đây nhất ngày 26-10-2016, Sở TN và MT đã có Công văn số 2625/STNMT-CCMT gửi Tổng cục Môi trường đề nghị xem xét hồ sơ và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các điều kiện hành nghề quản lý chất thải nguy hại của Cty TNHH Tùng Dương và chỉ đạo việc lấy mẫu quan trắc, phân tích chất thải, giám sát hoạt động của Cty. Nếu đủ điều kiện đề nghị Tổng cục Môi trường có văn bản trả lời để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động; nếu Cty không đủ điều kiện đề nghị Tổng cục Môi trường thu hồi giấy phép hành nghề quản lý chất thải tạo thuận lợi cho công tác quản lý ở địa phương. Thời gian tới, ngành TN và MT sẽ tích cực tìm kiếm các nguồn đầu tư, hỗ trợ cho công tác BVMT ở làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, hộ gia đình làm nghề hoàn tất các thủ tục về BVMT (đánh giá tác động môi trường, cam kết BVMT, lập đề án BVMT) đầu tư các công trình xử lý chất thải, BVMT theo quy định của pháp luật. Tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm về BVMT, yêu cầu các cơ sở sản xuất đầu tư các công trình xử lý chất thải để BVMT. Các cơ sở sản xuất trong làng nghề chủ yếu là có quy mô nhỏ mang tính chất hộ gia đình nên trách nhiệm kiểm tra, xử lý chủ yếu là thuộc về cấp huyện và cấp xã./.
Bài và ảnh:
Thanh Thúy