Tăng cường công tác giám sát chất lượng sản phẩm hàng hóa

08:11, 14/11/2016
Giám sát chất lượng sản phẩm hàng hóa (SPHH) để kịp thời phát hiện sai sót nhằm ngăn chặn sai phạm gây thiệt hại đến tài sản, quyền lợi và uy tín quốc gia, mỗi tổ chức, cá nhân do hàng hoá không bảo đảm chất lượng gây ra là nhiệm vụ quan trọng luôn được Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (TĐC) tập trung thực hiện. Qua công tác giám sát, Chi cục TĐC đã kịp thời phát hiện nhiều hành vi gian lận về đo lường, chất lượng hàng hóa, đồng thời đưa ra những cảnh báo quan trọng, hữu ích đối với các cơ quan quản lý Nhà nước và cả người tiêu dùng góp phần quan trọng vào việc ổn định thị trường, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và củng cố niềm tin của người dân. 
Cán bộ Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở KH và CN) thử nghiệm chỉ tiêu hóa lý trong sản phẩm nước mắm lưu thông trên thị trường.
Cán bộ Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở KH và CN) thử nghiệm chỉ tiêu hóa lý trong sản phẩm nước mắm lưu thông trên thị trường.
Là cơ quan đầu mối về quản lý chất lượng SPHH trên địa bàn tỉnh, Chi cục TĐC đã thực hiện tốt việc tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, nhằm nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về chất lượng SPHH trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng SPHH. Tham gia chủ trì và phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về chất lượng SPHH trong sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng có khả năng gây mất an toàn theo quy định của Luật Chất lượng SPHH và các văn bản pháp luật liên quan. Trong thời gian qua, Chi cục TĐC đã tham gia 15 đợt phối hợp kiểm tra, giám sát chất lượng SPHH thuộc các lĩnh vực VSATTP, vật tư nông nghiệp, và các sản phẩm hàng hóa chuyên ngành khác. Cùng với việc kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa theo kế hoạch, Chi cục TĐC thực hiện lấy mẫu, kiểm định tiêu chuẩn chất lượng một số mặt hàng có nguy cơ bị nhiễm hóa chất độc hại hoặc bị biến chất trong quá trình sản xuất, bảo quản hàng hóa. Chi cục TĐC đã tổ chức 12 đợt khảo sát chất lượng hàng hóa, lấy 70 mẫu hàng hóa để thử nghiệm chất lượng. Qua khảo sát đã phát hiện 46 loại hàng hóa không đảm bảo chất lượng và VSATTP. Trong đó có nhiều sản phẩm không đạt chuẩn như nước uống đóng chai, nước sinh hoạt (nhiễm vi sinh vật), đồ chơi trẻ em (nhiễm chì và hóa chất độc hại), rượu trắng (tồn dư andehit), măng khô (chứa hàm lượng sulfua dioxide vượt quá mức cho phép (161 mg/kg), nước mắm, thủy hải sản tươi sống, rau củ quả (nhiễm đạm ure), thiết bị điện, điện tử, vàng trang sức mỹ nghệ… Chi cục đã đề xuất xử lý vi phạm theo quy định và cảnh báo với cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp chịu trách nhiệm kiểm soát mặt hàng đó cũng như phối hợp với các cơ quan truyền thông công khai thông tin sản phẩm, mức độ vi phạm, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế của người tiêu dùng. Trong đợt nắng nóng cao điểm của mùa hè, trước tình trạng hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình trên địa bàn thành phố tăng cao đột ngột khiến người tiêu dùng thắc mắc, nghi vấn về tính chính xác của việc ghi chỉ số công tơ điện của ngành Điện lực, Chi cục TĐC đã thực hiện việc giám định công tơ của hàng chục hộ gia đình có thắc mắc, giúp ngành Điện có câu trả lời thoả đáng với khách hàng, ổn định tâm lý người tiêu dùng. Ngay trong dịp Tết Trung thu 2016, Chi cục TĐC đã tiến hành giám sát chất lượng đồ chơi trẻ em lưu thông trên thị trường. Qua đó đã phát hiện 2 mẫu đồ chơi là bộ búp bê công chúa và búp bê tắm có chứa chất hóa học nhóm phthalate vượt quá quy định từ 4,2-4,5 lần. Đây là những chất hóa học giúp cho nhựa dẻo và mềm hơn, chất này có thể gây ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ hoóc-môn của cơ thể; đối với trẻ em khi tiếp xúc nhiều có nguy cơ nhiễm độc dẫn đến mắc bệnh hen suyễn, dị ứng và gây hại cho sự phát triển trí não. Ngoài ra, Chi cục TĐC đã phát hiện nhiều chủng loại đồ chơi khác có mức thôi nhiễm kim loại nặng vượt nhiều lần giới hạn cho phép. Ngay khi có kết quả kiểm nghiệm, Chi cục TĐC đã thông báo và đề nghị các địa phương, cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng đồ chơi trẻ em lưu thông trên thị trường; tiếp tục khảo sát, lấy mẫu trên diện rộng để thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng, đặc biệt là các chỉ tiêu liên quan đến sức khỏe trẻ em. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền khuyến cáo tới các cơ sở kinh doanh, người tiêu dùng không buôn bán, lưu hành sử dụng những đồ chơi nguy hại cho sức khỏe thế hệ tương lai. Từ quyết tâm giám sát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường nhằm ngăn chặn những gian lận thương mại, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế của người tiêu dùng đã tạo hiệu ứng rõ nét trong cả hoạt động quản lý Nhà nước, thị trường kinh doanh và kỹ năng lựa chọn sản phẩm cho người tiêu dùng. Trong đó hoạt động kinh doanh của nhóm hàng vàng, xăng dầu trên địa bàn đã được quản lý chặt hơn cả về chỉ số đo lường và chất lượng. Hiện tại hầu hết các đơn vị kinh doanh vàng bạc trên địa bàn đã được đề nghị Chi cục TĐC hỗ trợ đánh giá lại chính xác tuổi vàng để thực hiện công bố và ghi tem nhãn lại cho phù hợp nhằm thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. Có 44 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn đang được Chi cục TĐC hướng dẫn xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001:2008 để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và phục vụ người tiêu dùng được hoàn hảo hơn. 
 
Từ những kết quả thiết thực trong công tác kiểm tra, giám sát chất lượng SPHH, Chi cục TĐC Nam Định được Tổng cục TĐC đánh giá là đơn vị trong tốp đầu toàn quốc làm tốt công tác cảnh báo chất lượng hàng hóa tới cả cơ quan chức năng và người tiêu dùng. Để tiếp tục làm tốt công tác giám sát chất lượng SPHH, Chi cục TĐC ưu tiên nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với chất lượng SPHH. Đồng thời cũng mở rộng đối tượng hàng hóa được giám sát và nâng cấp từ cảnh báo tiêu dùng tới hoạt động cảnh báo, đề xuất các biện pháp phòng vệ liên quan tới hàng rào kỹ thuật trong thương mại để hỗ trợ các doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập quốc tế./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com