Luật Xây dựng quy định rõ lấy ý kiến (tham vấn) cộng đồng là yêu cầu bắt buộc khi triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch nói chung và thiết kế đô thị nói riêng. Mục đích của công tác này nhằm khuyến khích và phát huy vai trò của cộng đồng trong việc xây dựng, giám sát và thực thi các đồ án quy hoạch nhằm đảm bảo những lợi ích thiết thực trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị, phục vụ tối đa lợi ích chung của cộng đồng.
|
Quy hoạch phân khu 2 bên đường dẫn cầu Tân Phong góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển Thành phố Nam Định trong tương lai. |
Thực tế thời gian qua có không ít dự án quy hoạch còn thiếu sót trong thiết kế và không phát huy hiệu quả thực tiễn, lợi ích chung cho cộng đồng, thậm chí một số khu dân cư còn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi quy hoạch do thiếu sót trong khâu tham vấn cộng đồng. Các buổi tham vấn cộng đồng được coi là kênh tương tác quan trọng của cả 3 chủ thể tham gia và chịu tác động trực tiếp bởi quy hoạch xây dựng là cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị tư vấn thiết kế và cộng đồng dân cư. Năm 2016, Sở Xây dựng đã tiến hành tham vấn cộng đồng nhiệm vụ các quy hoạch quan trọng như: Quy hoạch chung xây dựng Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng), quy hoạch chung khu đô thị mới thuộc địa phận 4 xã: Yên Bằng, Yên Quang, Yên Tiến, Yên Hồng (Ý Yên) đến năm 2035; quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 hai bên tuyến đường dẫn cầu Tân Phong (TP Nam Định), quy hoạch quần thể khu di tích Phủ Dầy (Vụ Bản). Đồng chí Nguyễn Văn Công, Trưởng Phòng Quy hoạch và Quản lý kiến trúc (Sở Xây dựng) cho biết: “Thực hiện Luật Xây dựng, sở đã tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị trấn, xã tại các địa phương chịu ảnh hưởng của quy hoạch để tổ chức các buổi tham vấn cộng đồng về các nhiệm vụ và đồ án quy hoạch. Mỗi buổi tham vấn cộng đồng, cán bộ quy hoạch, đơn vị tư vấn sẽ cùng tham gia giải đáp các thắc mắc, ý kiến của đại diện cộng đồng ở địa phương về các yếu tố định hướng quy hoạch, quy mô, sự cần thiết phải lập quy hoạch nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch, đảm bảo quy hoạch phù hợp với thực tế, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và có tính khả thi cao khi triển khai thực hiện”. Phương pháp quy hoạch trước đây, trong đó tiêu biểu là các quy hoạch tổng thể, đến nay thường bị phê phán là cứng nhắc, áp đặt, không dân chủ vì thiếu sự tham gia của cộng đồng. Theo phương thức cũ, dựa trên một giả định về một vấn đề của một nhóm các nguyên nhân quy hoạch, thu thập và phân tích các dữ liệu có liên quan đến vấn đề để đề ra các mục tiêu nhiệm vụ, xác định các phương án và giải pháp khác nhau để giải quyết vấn đề đó, dự toán các chi phí, lợi ích, xác định các khó khăn, thuận lợi của mỗi phương án và chọn ra phương án tốt nhất. Trong đó, vai trò của chủ thể quy hoạch, chịu ảnh hưởng trực tiếp là người dân trong phạm vi quy hoạch ít được đề cập đến. Trong khi cách tốt nhất để có được một bản quy hoạch hoàn chỉnh đáp ứng được các yêu cầu cần thiết của người dân là bảo đảm sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch. Chỉ có những nhà quy hoạch chuyên nghiệp tiến hành các khảo sát, nghiên cứu và sử dụng kết quả nghiên cứu này để lập quy hoạch thì chưa đủ. Trong nhiều trường hợp, để đảm bảo những nguyện vọng của người dân được tích hợp thể hiện trong quy hoạch thì phải đảm bảo cho họ được tham gia trực tiếp vào quá trình quy hoạch. Tháng 9-2016, Sở Xây dựng đã phối hợp với UBND huyện Ý Yên, đại diện cộng đồng dân cư tại 4 xã Yên Bằng, Yên Quang, Yên Tiến, Yên Hồng tiến hành tham vấn cộng đồng, tiếp thu ý kiến về các nội dung: ranh giới quy hoạch, diện tích khu vực lập quy hoạch, mục tiêu, tính chất, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật… và các vấn đề liên quan theo hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch. Tại hội nghị, đồng chí Lã Đình Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Tiến đã yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế cần chú trọng thể hiện rõ hơn nữa quy hoạch hạ tầng KCN, điểm công nghiệp, làng nghề, phải đặc biệt chú ý đến công nghệ hạ tầng xử lý rác thải công nghiệp và nguồn nước thải ra môi trường. Đồng chí Bùi Ngọc Táo, Bí thư chi bộ xóm Thượng Thôn (Yên Tiến) đề nghị phải nhanh chóng hoàn thành quy hoạch càng sớm càng tốt nhằm ngăn chặn tình trạng dân lấn chiếm, sử dụng sai mục đích đất ruộng ở các khu vực giáp ranh, giáp cư và mua bán chuyển nhượng không đúng theo quy hoạch, khắc phục tình trạng bỏ ruộng hoang hóa nhiều năm. 65 phiếu tham vấn đã được các đại diện cộng đồng tích cực tham gia đóng góp ý kiến tạo cơ sở để đơn vị tư vấn thực hiện triển khai lập quy hoạch, rút kinh nghiệm để có quy hoạch chất lượng cao. Tương tự, trong tháng 10-2016, Sở Xây dựng tiếp tục triển khai tham vấn cộng đồng khi lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 hai bên đường dẫn cầu Tân Phong tại xã Mỹ Tân. Phạm vi nghiên cứu khu vực lập quy hoạch thuộc địa bàn 3 xã Nam Mỹ, một phần xã Điền Xá (Nam Trực) và một phần xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) tạo thành tuyến kết nối phía bắc và nam sông Đào thông qua cầu Tân Phong. Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân đã đề xuất ý kiến UBND tỉnh, Sở Xây dựng xem xét bổ sung quy hoạch ngã tư nối liền Quốc lộ 10 với tuyến đê quốc gia trên địa bàn xã Mỹ Tân, xây dựng cầu chui để phục vụ cho tuyến đường dân sinh phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng chí Trần Ngọc Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Tân yêu cầu đối với khu chức năng phát triển nông nghiệp cần bổ sung định hướng phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng, đồng thời có quy hoạch xây dựng khu nghỉ dưỡng cho người cao tuổi trên địa bàn xã.
Có thể nói, hoạt động tham vấn cộng đồng đóng góp quan trọng vào thiết kế quy hoạch, vai trò làm chủ của người dân được đề cao bởi họ chính là chủ thể tham gia duy trì và chịu ảnh hưởng và trực tiếp tham gia giám sát, quản lý trực tiếp quá trình thực hiện quy hoạch trên thực tế. Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tích cực chỉ đạo các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn tổng hợp ý kiến, chọn lọc, chỉnh sửa đồ án quy hoạch phù hợp với ý kiến của cộng đồng dân cư trình UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn thẩm định và phê duyệt đảm bảo phủ kín các quy hoạch phát triển đô thị, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh./.
Bài và ảnh:
Đức Toàn